Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

VĨNH BIỆT VỊ HUYNH TRƯỞNG CAO NIÊN NHẤT CỦA HĐVN



Hồi 14:40, ngày 4 tháng 5 năm 2018 (nhằm ngày 19 tháng 3 năm Mậu Tuất) cụ SƠN CA NGOÀI TRỜI NGUYỄN THÚC TUÂN PHÁP DANH TÂM THÀNH đã lìa Rừng tại Huế, hưởng đại thọ 106 tuổi. Cụ là AKELA LEADER đầu tiên của HĐVN, là thầy của bao thế hệ SÓI GIÀ. Cuộc đời của Cụ thăng trầm trôi nổi theo mệnh nước; chế độ nào cũng ăn cơm tù. 

Tôn chỉ của GIỮ VỮNG MỐI DÂY là không bàn chuyện chính trị, không cổ súy cho tôn giáo, không đả phá bất cứ ai, coi các HĐS khác đều là bạn hữu. Nên ở đây chỉ bàn phớt qua mà không đi sâu vào cuộc đời chính trị đầy gập ghềnh của Cụ; mà chỉ nói về cuộc đời Hướng Đạo và đời thường của cụ trong tình huynh đệ mà thôi. Hướng Đạo không phụ một ai nên khi cụ TUÂN lìa đời thì huynh đệ đủ các Nhóm, các Khối đều tề tựu về Huế cùng lo đám táng của cụ. 

* ĐỜI THƯỜNG 


Cụ sinh năm 1913 (Quý Sửu) tại làng Thanh Lương, phủ Hương Cần, tỉnh Thừa Thiên Huế là quý tử của cụ Nguyễn Thúc Duyệt, ông Duyệt đậu cử nhân làm quan suốt 4 triều: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, chức vụ cuối cùng Ngự Tiền Văn Phòng Hoàng Đế Bảo Đại. Lúc nhỏ Trưởng TUÂN học Trường Quốc Học, con quan lẽ ra xứng đáng vào trường Quốc Tử Giám nhưng ông lại vào học ở École D' Interprète, (Thông ngôn học hiệu). Ra trường không đi làm "Thầy Thông" mà làm ở văn phòng tham tri Bộ Hình nên thường gọi là cậu Phán Tuân. Sau đổi vào làm việc cho Tòa Án Sát ở Tourane. Tại đây ông quen thân với Thẩm phán Nguyễn Thúc Linh, Đạo Trưởng Đạo An Hải và Trưởng Lê Duy Thước Kỹ sư Nông Học Đạo Trưởng Đạo Quảng Nam. (Trưởng Nguyễn Thúc Linh sau chuyển vào Sàigòn, vì ông có tính cương trực lại có khuynh hướng thiên tả nên gặp nhiều khó khăn và cuối cùng làm Chánh án Tòa án Thiếu Nhi Phạm Pháp). Còn Trưởng Lê Duy Thước (tên Rừng là Gà Mờ, năm 1954 tập kết ra Bắc, sang Liên- xô làm nghiên cứu sinh, về nước làm hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hànội là nhà giáo nhân dân). Năm 1996, ông triệu tập các cựu HĐS toàn quốc về họp tại Hànội để kỷ niệm 50 năm Bác Hồ nhận làm chủ tịch danh dự cho HĐVN. Có 400 người về tham dự. 

Cách mạng mùa Thu 1945, Việt Minh dành chính quyền Trưởng Tuân làm Trưởng Ty Cứu Tế Xã Hội Quảng Nam, khi quân Pháp theo chân quân Anh tái chiếm Việt Nam thì Trưởng Tuân theo đoàn Nam tiến chống Pháp nhưng khi vào đến Quy nhơn thì quân Pháp đã đánh chiếm Nha trang, ông trụ lại tại Bồng Sơn và được cử làm Trưởng Ban Y Tế Khu 5 kháng chiến. Năm 1954 theo hiệp định Genève, đất nước bị chia đôi thay vì tập kết ra Bắc thì Trưởng Tuân về Huế, đi dạy học. Đến khi chiến dịch tố Cộng phát động rầm rộ thì Trưởng Tuân bị bắt giam tại lao xá Thừa Phủ. Một năm sau được thả ra, ông về nhà dạy học, tự học Anh văn, làm cho nhà thuốc Ngọc Diệp và làm văn phòng bào chế của Viện Bào chế Phạm Doãn Điềm (cùng với Trưởng Trần Bá Thùy Bầy Trưởng Trần Quốc Toản (hiện ở Sài gòn) chuyên việc bào chế sirop Nhau để uống, chích và cấy vào dưới da. Khi Ngô Đình Cẩn cho mật vụ lùng bắt những thương gia giàu có ở Huế vu cho họ là làm gián điệp cho Pháp để khảo tiền. Dược sĩ Phạm Doãn Điềm được mật tin liền bỏ của chạy lấy người trốn vào Sài gòn lập nghiệp, anh Thùy đi theo, anh Tuân ở lại tốt nghiệp cử nhân Anh văn được Trưởng Thân Trọng Thị Hường (làm Tổng giám thị Đồng Khánh) xin cho vào dạy Trường này mà em ruột chị là bà Giáng Hương làm Hiệu trưởng. 

Trong thời gian này, Trưởng Tuân vẫn là đường dây của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng, bằng chứng là khi có lệnh của ông Lê Tư Minh, Trưởng đã mượn xe của Trưởng Ngựa Yêu Đời Lê Cảnh Đạm đưa 2 ông: Hoàng Phủ Ngọc Phan và Hoàng Phủ Ngọc Tường lên núi. Tết Mậu Thân, Trưởng Tuân tham gia giải phóng thành nội Huế trong nhiệm vụ quyên góp lương thực cho Bộ Đội, chỉ hoạt động có 3 ngày, đến mồng 4 tết thì được điều lên mật khu làm văn phòng cho GS Lê Văn Hảo Chủ tịch Lâm thời Ủy ban Dân tộc Giải phóng Tp Huế, 1 tháng sau thì lên đường ra Bắc cùng với Đoàn khoảng 100 người, trong đó có Hòa thượng Thích Đôn Hậu, bà Tuần Chi. Ở Hà nội Trưởng được phân công làm việc trong Bộ Ngoại giao với mức lương 72 đồng/tháng, đi nói chuyện nhiều nơi và có 3 lần được tham quan ở ngoại quốc. 

Năm 1975, trở về Huế được cử làm Trưởng Ty Thể dục Thể thao Bình Trị Thiên, sau đó đắc cử làm đại biểu quốc hội khóa 6 của Bình Trị Thiên. Đến năm 1980 thì lâm nạn: bị ghép về tội làm gián điệp, Tòa án xét xử, phạt 18 năm tù giam. Cải tạo tại Bình Điền 7 năm thì được tha về. Từ đó ông vui sống với phong trào, lấy Sói con làm đích. 

* ĐỜI HƯỚNG ĐẠO 


Trưởng Tuân là Sói Già có Bằng Rừng đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1964, Trưởng cùng chị Quỳnh Hoa sang Malaysia học. Kết quả được công nhận 4 gỗ làm AKELA LEADER cho Việt Nam. Còn chị Quỳnh Hoa nhận 3 gỗ làm assistant cho Trưởng Tuân. Bằng cấp thì cao nhưng Trưởng Tuân không được nắm giữ chức vụ nào quan trọng trong Hướng Đạo mà chỉ lo về việc huấn luyện các Sói Già. 

Anh chị em quí trọng sự hiểu biết sâu rộng về ngành Bầy của Cụ, nhưng khi nghe tin cụ làm gián điệp cho ngoại bang thì họ bất mãn và buồn lòng cho đến khi Cụ được tha về thì anh em lơ là không mặn mà tình nghĩa như trước, cụ vẫn kiên trì tìm đến sinh hoạt với anh em, đi đến cả những nơi xa xôi như Bạch Mã, Tùng Nguyên, và Suối Lương, đã nhiều lần vào dự Đại Hội Đồng Hướng Đạo tại Sài gòn. Năm 2007, dự trại họp bạn toàn quốc tại Đại Nam Văn Hiến Lạc Cảnh, Bình Dương kỷ niệm 100 năm HĐTG, vai mang ba-lô thoăn thoắt đi thăm các trại, ngủ lều và ăn hết một phần cơm trại. Rất được các trại sinh mến mộ. 

Năm 2010, có lập Bầy Sơn Ca ở Huế nhưng chỉ sống được mấy năm. Giữ Vững Mối Dây có nhờ Cụ dịch tờ Le Chef xuất bản từ những năm 1935 đến 1950 có rất nhiều tài liệu quý. 

VUÔNG TRÒN ĐẠO NGHĨA 


Cuộc đời chính trị của cụ Tuân gập ghềnh nhiều đắng cay và uẩn khúc. Chuyện này đã có Tòa án và các đồng chí của cụ lo. Ở đây chúng tôi chỉ bàn chuyện tình nghĩa hướng đạo mà thôi. 

Thực sự cụ Tuân và cả chúng tôi không ngờ những ngày cuối cùng được hạnh phúc như thế. Rất nhiều chuyện nhưng ở đây chúng tôi chỉ ghi lại một số' mà thôi: 

1. Khi cụ bệnh nặng, từ Sàigòn Trưởng Tiến Lộc mặc dù chân yếu vẫn chống gậy ra thăm. Đến cạnh giường dùng harmonica thổi những bài hát của sói con; Tr Tuân mấp máy tay đánh nhịp ra chiều thích thú lắm. Khi Trưởng Tuân mất Tr Tiến Lộc lại một lần nữa ra Huế để tiễn đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đêm Lửa Dặm Đường chính Trưởng điều khiển. 

Sói Già "đích tôn" của Sơn Ca Ngoài Trời là LT Nai Cần Mẫn Nguyễn Thành Nghĩa làm "Tiếng Rống Lớn" rất hoành tráng để tiễn biệt người anh cả của ngành Bầy đã ra đi. 

2. Từ Cần Thơ xa xôi anh Nguyễn Thái Hùng (Phó Ban điều hành) cũng bay ra Huế thăm sức khỏe. Trưởng Tuân mừng nhưng không mở mắt ra được vì quá yếu. 

Khi Trưởng Tuân "lìa Rừng" thì anh Thái Hùng lại chịu khó lặn lội ra phúng viếng và tiễn chân Trưởng Sơn Ca. 

3. Trưởng Lê Bá Ngữ tuổi đã trọng từ Sài gòn cũng gắng sức về thăm Trưởng Tuân... 

Trưởng Ngựa Đằm Thắm Nguyễn Xuân Tăng đang bị bệnh nhưng cũng rời Đà lạt về thăm viếng. 

4. Từ Quảng Trị anh Hồ Trí đã dẫn Bầy Sói Con Hoa Lư vào thăm. Trưởng Tuân mừng quá cố nhỗm dậy nhưng không được, các Sói Con hát bài "Sói Nhà Nam", vẻ vui mừng hiện ra mặt, Cụ mấp máy hát theo mà đôi mắt vẫn nhắm nghiền. 

5. Điều hạnh phúc nhất là 5 người con tuy ở xa xôi nhưng vẫn về kịp: con trai cả là anh Nguyễn Thúc Lãng 86 tuổi cùng vợ (80 tuổi) và con trai tức là cháu nội đích tôn từ Nhatrang, Hàm Dương (ở Úc), chị Ánh Dương và Thẩm Dương ở Sàigòn cùng về hợp với BS Tầm Dương và Mẹ 93 tuổi để chăm sóc và lo tang lễ (cụ bà vừa là hiền nội trợ vừa là đồng chí từng nếm cơm tù Côn Đảo). 

6. Khi nghe tin Cụ lìa Rừng thì các huynh trưởng ở Huế đều tề tựu và Ban Tang Lễ đã được hình thành như sau: 

Trưởng Ban: Trưởng Trần Văn Hồng 

Phó Ban ngoại vụ: Trưởng Cao Hữu Phượng (Đạo Trưởng Tam Giang) 

Phó Ban nội vụ: Trưởng Lê Khuyến (Phó Đạo Trưởng Tam Giang) 

Tiếp lễ: Các đơn vị sau thay phiên nhau: 

LĐ Quảng Tế Đạo Tràng An: Trưởng Trần Thanh Vệ, Nguyễn Thị Hà 

LĐ Trường Sơn Đạo Tam Giang: Trưởng Hoàng Mai Sơn, Lê Thị  Tường Vân 

LĐ Kim Sơn: Trưởng Đặng Ngọc Quế 

LĐ Nguyễn Trường Tộ Đạo Tam Giang: Trưởng Cao Mạnh Hùng và Tráng sinh 

LĐ La Vang Đạo Tam Giang: Trưởng Lê Ánh, Trần Huynh và Tráng sinh 

Phụ trách phim ảnh: Trưởng Huỳnh Tấn Thưởng, Nguyễn Văn Đức, An Hải Đà Nẵng, Tôn Thất Ngưu Tam Giang Huế. 

Phụ trách xướng ngôn: giới thiệu và mời quan khách vào phúng viếng (Võ Văn Nam LĐ Giữ Vững Huế) 

7. Các Trưởng ở Đànẵng rất nặng tình với cụ Tuân, nhiều huynh trưởng thay phiên nhau ra thăm viếng, lo toan như các Trưởng: Tuấn Mã Trần Xê và quý Trưởng Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thanh Chanh, anh chị Nguyễn Mùi, Lê Hưởng, Lê Hà Lộc, Hà Thúc Đào, Lê Thọ, Võ Văn Tuấn, Bảo Lâm... 

8. Các Trưởng ở Huế đến thăm viếng phúng điếu: Trưởng Hồ Bá Lăng, Phạm Hữu Hiệp, Trần Thanh Vệ, Nguyễn Thị Hà, Võ Văn Long, Nguyễn Hữu Hồng Ân, Cao Huy Chương, Nguyễn Yến, Võ Đăng Thăng, Vĩnh Thao, Hoàng Mai Sơn, Vĩnh Tôn, Lê Ánh, Trần Huynh, Thân Trọng Tân, Võ Thế Mót, Hoàng Văn Sa, Võ Thị Bảo Ý, Trần Duy Hoài Linh, Đặng Xuân Hồng, Hoàng Như Huy. 

9. Các vòng cườm, vòng hoa tươi và trướng liễn phúng viếng: 

Các thân bằng quyến thuộc, thông gia, thân hữu hướng đạo phúng điếu rất nhiều xin nêu một số' tượng trưng: 

- Thành Ủy - HĐND - UBND Tp Huế do ông Huỳnh Cư BT Thành Ủy Trưởng Đoàn (vòng hoa "Kính viếng"). 

- Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP Huế do ông Hoàng Viết Thắng Chủ Tịch Trưởng Đoàn (vòng hoa "Kính Viếng"). 

- Ban Liên Lạc B14 Thành ủy Huế (vòng hoa "Kính Viếng") 

- Sở VHTTDL Huế do ông Phan Tiến Dũng Giám đốc Sở Trưởng Đoàn (vòng hoa "Kính Viếng"). 

- Đảng Ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN Phường Thuận Thành (vòng hoa kính viếng) 

- Trung Tâm Y Tế Huế 

- Gia Đình Cố' Thiếu Tướng Dương Bá Nuôi 

- Tình đồng chí "Hường, Thọ" 

- Ông Nguyễn Đắc Xuân 

- Trường Trung Cấp TDTT Huế 

- Ban Điều Hành HĐVN (KĐS) 

- HĐ LTT (Khối BS KHÁNH) 

- Đạo Hoa Lư Quảng Trị, Đạo Tam Giang, Đạo Tràng An (Huế), Đạo An Hải, Đạo Bắc Đẩu (Đànẵng), Đạo Quảng Nam, Đạo Âu Lạc, Đạo Văn Lang, GĐ HĐ Xuân Hòa, Đạo Thủ Đức (Sàigòn), Đạo Gia Lai. 

- LĐ Nguyễn Trường Tộ, LĐ La Vang, LĐ Quảng Tế, LĐ Kim Sơn, LĐ Mai An Tiêm, LĐ Ngự Bình, LĐ Trường Sơn, LĐ Bạch Đằng, LĐ Tân Việt, LĐ Duy Tân Huế, LĐ Ngũ Hành Sơn, LĐ Hàn Giang Đà Nẵng, LĐ Quang Trung Bình Định, LĐ Ngọc Linh Kontum, LĐ Cờ Lau Huế tại Tp HCM, LĐ Hồng Bàng, LĐ Gia Long, LĐ Trần Quốc Toản Huế hiện sinh sống tại Sàigòn, LĐ Biệt Lập Ban Mê, Tráng Đoàn Hải Trình Nhatrang 

- Bầy Hoa Lư Quảng Trị, Bầy Trường Sơn, Bầy Mai An Tiêm Huế, Bầy Sao Mai Kontum, Bầy Vàm Cỏ Đạo Phong CHÂU, Bầy Mê Linh Đạo Văn Lang Sàigòn. 

- Gia đình cố' Tr Cò Yêu Đời Tôn Thất Đông 

- Gia đình cố' Tr Công Thận Trọng Lê Viêm 

- Gia đình cố' Tr Ngựa Yêu Đời Lê Cảnh Đạm 

- Gia đình cố' Tr Gà Cần Mẫn Đoàn Lai 

- Gia đình cố' Tr Ác Là Hay Hót Tôn Thất Chi 

- Gia đình Trưởng Lão Gấu Tận Tâm Lê Phỉ Đàlạt 

- Gia đình Tr Chồn Từ Tốn Phan Thanh Thiệu Nhatrang 

- Trưởng Sư Tử Đảm Đương Tôn Thất Sam và gia đình 

- Trưởng Ngựa Trịnh Trọng Nguyễn Văn Sửu Giám đốc khu du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng, Đồng Nai. 

- Tr Thiên Nga Chững Chạc Liễu Nga Đoan, Sàigòn 

- Dr L. Ray Fife (Australia) và Giáo sư Anh văn Cao Hữu Tuệ. 

* Với lòng kính trọng sâu xa đối với Trưởng Tuân. Ngoài việc phúng viếng theo đơn vị, riêng quý Trưởng sau đây còn kính điếu: Voi Hoạt Bát Nguyễn Tiến Lộc, Họa Mi Đảm Đang Trần Thị Diệu Quỳnh, Đại Bàng Linh Hoạt Nguyễn Thị Thế Đoan, Bồ Câu Vững Tâm Liên Bạch Hoa, Gấu Vui Trần Thị Đông, Bồ Câu Tận Tụy Đinh Thị Nga, Hải Ly Mơ Mộng Cam Thị Lệ Liễu, Ngựa Trung Thành Nguyễn Thành Trung Sàigòn, Mèo Rừng Gan Lì BMT, Mèo Lạc Quan Hoàng Như Huy. 

TÌNH NGHĨA HUYNH ĐỆ HƯỚNG ĐẠO 


Vì chính kiến của Trưởng Tuân không được minh bạch rõ ràng cho nên anh em không ưa, người khẳng khái nhất trong chuyện không ưa này là Cụ Cò Yêu Đời, cây đại thụ của hướng đạo Việt Nam. Cụ Cò Yêu Đời thường nói với anh em: Hướng Đạo Sinh là người ái quốc, Anh hoạt động bên nào cũng được nhưng không được phản quốc, làm gián điệp cho ngoại bang. Trưởng Tuân biết cụ Cò không ưa mình nên ông thường tránh mặt. Trưởng Hưu Hiền Lành Tôn Thất Lôi kể rằng: "Khi đám táng Trưởng Lê Viêm, Trưởng Tuân đến phúng điếu, lễ xong ra đứng ngoài hiên, Trưởng Lôi hỏi: "Sao anh không vào trong nhà?" Trưởng Tuân không trả lời. Nhưng một Trưởng khác đã cho anh Lôi hay là trong nhà có Cò Yêu Đời cho nên Sơn Ca không vào. Khi đưa đám Trưởng Lê Viêm thì Trưởng Tuân lẻo đẻo theo sau chứ không lên xe. Trưởng Lôi nói: "Anh già rồi sao không lên xe mà đi. Trưởng Tuân lắc đầu, Trưởng Lôi nhìn lên xe thì thấy ông Cò biết là Trưởng Tuân tránh nên nói: "Anh lên xe tôi chở đi". 

Nhà Trưởng nào có chuyện vui buồn, Trưởng Tuân cũng đều đến dự, thường tìm chỗ vắng hoặc là bàn ở ngoài sân để ngồi, khi anh em biết níu kéo mãi anh mới chịu vào bàn trong. Tính cách nhún nhường và khiêm cung như vậy mấy ai có được. Đến năm 2001, Tòa án Thừa Thiên Huế ra quyết định số 01/QĐXA ngày 29 tháng 11 năm 2001 do Quyền Chánh án Phan Bạch Hà ký thì cụ Cò lập tức đến nhà chúc mừng và tình nghĩa huynh đệ hướng đạo trở lại đầm ấm như xưa. 

Từ đó Trưởng Tuân năng lui tới với anh em, có kỳ Trại nào ông đều đến tham dự dù xa xôi hẻo lánh như Tùng Nguyên, Đàlạt. Khi ở Sàigòn có mở Trại ALT, Cụ được mời vào giám sát, quý Trưởng: Trần Văn Lược, Lê Văn Ngoạn, Tiến Lộc ân cần đón tiếp. Khi được mời phát biểu ông nói: "Ri là quá tốt đẹp, quá giỏi, không biết các anh làm răng mà giỏi rứa, tui thật sự khâm phục. Thôi thì xin chúc Khóa học thành công và mong có ngày họp bạn toàn quốc để tui có dịp vào dự..." 

Cụ Sơn Ca Ngoài Trời là một chậu kiểng quý mà anh em thường đem trưng bày như một biểu tượng tốt đẹp của hướng đạo. Ngoại hình của Cụ tuy nhỏ nhắn nhưng nhạy bén, sinh động đã đem lại sự hài hòa nhân ái và đầm ấm cho HĐVN trong hoàn cảnh hiu hắt như chợ chiều của HĐVN hôm nay. Điều tốt lành là đám táng của cụ là đám tang lớn nhất từ trước đến nay của HĐVN. Trang trọng nhất là dự tang lễ tất cả HĐS đều mặc đồng phục (chuyện xưa nay hiếm) BĐH đã dành cho cụ một sự trân trọng đặc biệt: Tr Trần Minh Thiện Trưởng Ban Điều Hành ở xa không về kịp, nên hai Phó Ban là Nguyễn Thái Hùng và Trần Xê cùng với Nguyễn Văn Lộc Trưởng Khối Huấn Luyện, Nguyễn Tuấn UV Quốc Tế, Phan Tấn Luận Trưởng Khối Sinh Hoạt, Nguyễn Thế Đoan UV Ấu Nhi, LT Nguyễn Thành Nghĩa, ALT Liên Bạch Hoa. Đã từ Sàigòn ra Huế dự Lễ Lửa Dặm đường và tiễn đưa cụ về cõi bình yên. 

Ngày 22 tháng 5 năm 2018, các Trưởng Trần Văn Hồng, Trần Thanh Vệ, Phạm Hữu Hiệp, Lê Khuyến, Huỳnh Thị Tùng, và một số tráng sinh Trường Sơn đã cùng gia đình lên Chùa Linh Mụ dự Lễ cầu siêu sau đó làm *lễphóng sinh, và dùng đò ra giữa dòng sông Hương rải tro cốt kết thúc một kiếp nhân sinh. 

Cụ Sơn ca ơi! 


Hơn một thế kỷ rong chơi trần thế, mãi vui chuyện Hướng Đạo mà quên mất đường về. Nay đã mãn phần phải quy cố hương. 

Kính chúc Phật tử "Tâm Thành" sớm cao đăng Phật quốc. 

Xin bái biệt. 

Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn. 

Ghi chú: Ở xa tôi không có điều kiện để về dự tang lễ được, thêm nữa tuổi lại già, mắt mù nhưng vì quý trọng một AKELA LEADER đã hết lòng với Sói Con, và phong trào tôi cố gắng hết sức để viết bài này chắc có nhiều sai sót xin quý Trưởng thông cám. 

SDT










Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26