Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI

BBT: Lâu nay anh chị em thường nói GVMD khô khan quá, cần phái có chút ướt át cho dễ đọc. Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó vì nếu cho đăng chuyện tình ai oán não nùng thì các Trưởng lớn không chịu. Nay để dung hòa, chúng tôi mở mục "Nghĩa tình Hướng Đạo” chuyên viết về đạo nghĩa của người HĐS. Xin mời anh chị em gửi bài về. Kỳ này chúng tôi xin đăng bài "Ấm áp tình người" của SDT, kỳ sau là bài "Chuyện về chiếc nhẫn cưới của Akela Bầy Saparan - Qua Thị Hong Loan".

Hơn 1 năm nay tôi không chêm thêm tiền vào tài khoản ATM của mình, tưởng chừng không còn, thì ngày 7/10/2016 tôi mở tin nhắn ra xem, ngạc nhiên hết sức khi thấy tồn quỹ 7.200.000. Vừa kiểm tra ra thì mới hay anh Voi Khờ Nguyễn Văn Minh - Daklak đã gửi trả tiền sách "Chuyện kỳ thú về 4875 dân rừng Bách Hợp". Anh này hay thật, tôi gửi để biếu các anh chị Tây Nguyên tận tụy với HĐ nhưng nay nghe tôi gặp khó khăn, anh tự động gởi tiền về cho tôi. Cảm ơn Đạo trưởng Voi Khờ. Còn 4.500.000 thì của bà Huyền Yến gửi, tiền như trên trời rơi xuống. 

Chuyện thật như bịa, xoay quanh 3 mỹ nhân là bà Lê Phương Thu - Hiệu trưởng trường trung học Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), và 2 Giáo sư Trung Học là bà Nguyễn Thị Châu Bảo và bà Huyền Tôn Nữ Yến. Trong 3 nữ nhân này, tôi chỉ biết Huyền Tôn Nữ Yến vì cách nay hơn nửa thế kỷ, nàng và tôi là đồng môn trường Sư Phạm Huế, khi ra trường thì cùng dạy tại Thừa Thiên. Tôi không có số "gõ đầu trẻ" nên chỉ đứng lớp được 5 năm thì vào "ắc ê" ở quân trường Thủ Đức rồi lang bạt kỳ hồ đó đây; còn Huyền Yến thì lên xe hoa cùng với một giảng viên Đại học Huế, rồi 2 ông bà lên Đà Lạt, ông làm giáo sư Đại học Đà Lạt, còn bà dạy văn tại Trung học Bùi Thị Xuân. Mỗi người sống êm đềm một phương, rồi năm 1975 tôi bỏ phố lên rừng, lang thang kiếm sống ở Long Xuyên, Châu Đốc, Phan Thiết, Phan Rang... Ngỡ rằng Huyền Yến chắc đã định cư ở phương xa. 

Cuộc sống khó khăn vất vả quá nên người thân không còn nhớ đến mình và mình cũng quên đi một số bạn bè... Nhưng dáng hình Huyền Yến, vị Quận chúa triều Nguyễn này thì mãi mãi vẫn đọng lại trong tôi. Vương triều nhà Nguyễn đã cáo chung từ lâu nhưng tính cách hoàng tộc thì vẫn tồn tại trong xã hội bởi các công nương trong đế hệ cũng như phiên hệ triều Nguyễn. Cái tính cách quí phái của họ vẫn sống mãi với thời gian. Cô Yến không có cái đẹp sắc sảo nhưng lại thu hút bao nhiêu thanh niên với tính cách dịu hiền, giọng nói thanh tao mà đài các của các "Mệ", nước da trắng lạ lùng, bàn tay búp măng tuyệt đẹp, mũm mĩm như một búp bê Nhật. 

Cuộc sống bon chen, tinh thần "u uất" vì mọi giá trị xã hội bị đảo lộn nhưng những ngày đêm chăn bò ở Mepu, những đêm trong rừng nghe chim kêu vượn hú, không ngủ được, nhớ nhớ thương thương những bạn bè xưa cũ, bao giờ hình ảnh dịu hiền của Huyền Yến cũng xuất hiện thấm đậm yêu thương, tôi cười thầm cho nỗi ngớ ngẩn của mình. 

Tưởng chừng như không bao giờ gặp nhau được nữa nhưng như 1 phép màu lạ lùng và kỳ thú, ngày mùng 4 Tết năm 2012, chúng tôi đã gặp lại nhau tại Phật Ân Tự (Long Thành) sau hơn nửa thế kỷ. Đây là ngôi chùa đã nâng đỡ tinh thần của các HĐS Phật Giáo trong những ngày sinh hoạt khó khăn. Sáng lập và trụ trì chùa là Hòa Thượng Thích Minh Tâm, tên rừng trong HĐ của ngài là Hổ Hoan Hỉ, Linh Mục Nguyễn Tiến Lộc (Voi Hoạt Bát) - bề trên Chủng viện Mai Thôn là bạn thân của Hòa Thượng, thường hay lui tới chốn này và có lần đã "thương nhau cởi áo cho nhau, áo đen đổi lây áo nâu" tạo thành một giai thoại về hòa đồng tôn giáo mà chỉ trong HĐ mới có. 

Cùng đi với Huyền Yến là phu quân, Giáo sư Phan Nam, đương chức Hiệu phó trường Đại học Yersin (Dalat) một bậc trí thức chân chính, khoan hòa, độ lượng, lịch lãm và thật tử tế. Ông thơ thẩn vãn cảnh chùa, để cho chúng tôi thoải mái ôn lại chuyện xưa không đâu vào đâu nhưng gợi lại 1 quá khứ êm đềm... Tôi mừng thấy Huyền Yến sống tràn đầy hạnh phúc bên người chồng trí thức và 4 người con thành đạt, còn Huyền Yến thì lại ái ngại cho hoàn cảnh của tôi tuổi già, mù, mang nhiều bệnh tật lại phải nuôi dưỡng 1 đứa con bị tâm thần phân liệt mà còn đa mang chuyện HĐ, viết sách và sinh hoạt hàng tuần. 

Khi chia tay mỗi người mỗi ngã, về cõi riêng của mình, không ngờ Huyền Yến bây giờ lại là 1 Phật Tử thuần thành, 1 nữ sĩ với những truyện ngắn đặc sắc, đơn giản mà thâm sâu, thường đăng ở các báo và đặc san của Phật Giáo. Bà đã đem câu chuyện nhạt phèo của tôi kể cho người bạn thân là Phật Tử, cũng là bà Giáo sư cùng trường: bà Châu Bảo. Tưởng chừng nghe qua rồi bỏ, không ngờ bà Châu Bảo để đọng lại trong tâm rồi tháng 6 năm 2016, có dịp sang Hoa Kỳ thăm bà con, bà lại điện thoại sang Canada nói chuyện với Hiệu trưởng cũ của mình là bà Phương Thu. Người đâu dễ động lòng từ tâm, bà Phương Thu đã nhờ người cháu ở Mỹ gởi cho Châu Bảo 200 USD mang về biếu tôi, gọi là cứu khổ một huynh trưởng HĐ gặp khó khăn. Nhận được tiền, bà Huyền Yến đổi sang tiền Việt và gửi cho tôi 4.500.000. Chuyện chẳng có gì li kì nhưng chan chứa tình người, đẹp như một câu chuyện cổ tích. 

***

Hôm nay 7/10/2016, cầm xấp tiền trên tay, tôi bồi hồi cảm động nhớ đến năm 1966, khi tôi tham dự trại Huấn luyện bằng rừng ở Tùng Nguyên; tại Minh Nghĩa Đường, cụ Sếu Vườn Trần Văn Khắc mặc áo bành tô, cao lớn dềnh dàng, đứng vây quanh ông là các hào kiệt Hướng Đạo đương thời như cụ Gà Hùng Biện Trần Điền (Tổng Ủy Viên), Cò Yêu Đời Tôn Thất Đông (Châu Trưởng), Ong Lắm Mật Lê Mộng Ngọ (Trại Trưởng), Sóc Già Phan Thanh Hy (Hội Trưởng), Mèo Ưa Rình Lê Gia Mô (UV ngành Kha), Cáo Vui Vẻ Nguyễn Xuân Long (Trưởng miền HL4), Hoẵng Đa Ngôn Vũ Thanh Thông (Trưởng miền HL3), Báo Vui Lê Văn Ngoạn (UV ngành Ấu), Bồ Câu Đạo Hạnh Thượng Tọa Thích Châu Toàn (Tổng tuyên úy HĐ Phật giáo), Bồ Câu Rừng Gan Dạ Linh Mục Nguyễn Văn Thích (Tổng tuyên úy HĐ Công giáo) và các nữ trưởng Vành Khuyên Quỳnh Hoa, Thiên Nga Phạm Thị Thân, Hải Âu Nguyễn Thị Đáp... Hỡi ôi! Các huynh trưởng này nay đã ra người thiên cổ: 

"Những người muôn năm cũ, 

Hồn ở đâu bây giờ." 

(Thơ Vũ Đình Liên) 

Thì còn ở đâu nữa, nó hiện hữu ngay trong 3 vị nữ lưu này, đặc biệt là bà Phương Thu, ái nữ của Tr. Trần Văn Khắc, một huynh trưởng kiệt hiệt bậc nhất của Hướng Đạo Việt Nam. 

Chị Thu ơi, tuy chị không sinh hoạt HĐ, nhưng là trưởng nữ của cụ Khắc thì cũng là chị em với tôi, tôi cảm kích tấm lòng từ ái của chị. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh; cụ Khắc một đời làm việc nghĩa và xin kể 1 vài cái nhất của cụ như sau: 

1. Tháng 9/1930 cụ lập đoàn HĐ Lê Lợi ở Hà Nội, đây là đoàn HĐ đầu tiên của Việt Nam. 

2. Năm 1932 cụ xin đổi vào làm việc ở Sài Gòn, lập Tổng cuộc HĐ Nam Kỳ, cụ được bầu làm TUV đầu tiên của HĐ Nam kỳ. 

3. Năm 1934 cụ sang Phnom Penh dự lễ tuyên hứa của Thái tử Norodom Monireth, được nhà vua trao tặng Cao Miên Bội Tinh đệ ngũ đẳng. Cụ từ chối và xin trao 2 huân chương thấp hơn cho 2 huynh trưởng HĐ cùng đi. 

4. Năm 1935, cụ mở trại họp bạn toàn quốc đầu tiên tại sân banh Mayer (Sài Gòn), cụ được bầu làm Trại trưởng. Toàn quyền Đông Dương muốn trao Bắc Đẩu bội tinh cho cụ nhưng cụ từ chối. 

5. Cụ là huynh trưởng duy nhất chịu khó trả lời tất cả thư từ nhận được kể cả của sói con, là huynh trưởng đầu tiên lập quỹ bảo trợ để giúp đỡ cho những HĐS gặp khó khăn. 

6. Trong HĐ giữ chức vụ cao nhất, ngoài đời là 1 doanh gia thành đạt nhưng Chúa Nhật nào cụ cũng tự mình mang kem lên đồi Cù để cho các Sói con và Sói già dùng giải lao (cụ là chủ nhân của hiệu kem Việt Hưng nổi tiếng nhất ở Dalat trước 1975). 

7. Khi sang định cư nước ngoài, cụ là người đầu tiên đứng ra thành lập Hội đồng trung ương HĐVN tại Hải Ngoại để quy tụ những HĐS lưu lạc ở nước ngoài. 

8. Cụ là người hào sảng nhất trong việc giúp đỡ tài chánh cho Hội. Trước khi lìa rừng, cụ còn lưu lại 1 số tiền nhỏ để văn phòng Hội dùng. 

Suốt đời tận tụy xây dựng phong trào, hết lòng giáo dục trẻ em, giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào nên năm 1970, trong kỳ Họp bạn toàn quốc ở Suối Tiên, cụ đã được trao tặng Kim Long Bội Tinh. Đây là huy chương cao quý bậc nhất của HĐVN và Tr. Khắc cũng là người duy nhất được nhận huy chương này trong 85 năm HĐ có mặt tại VN. 

Mãi tôn vinh vị huynh trưởng đầu tiên của HĐVN mà quên đi 3 vị nữ lưu Huyền Yến - Châu Bảo - Phương Thu cũng là những người đã có từ tâm với HĐ, rất đáng trân trọng. HĐ chúng tôi hiện nay sống bên lề cuộc đời mà còn được hưởng tình người ấm áp như thế thì xem ra vẫn còn có tương lai. 

Thu Bính Thân 2016 

Sáo Dễ Thương
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GVMD từ 18-25

  NHẤP VÀO HÌNH ĐỂ ĐẾN GVMD SỐ......