Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26

 


“TIỆM TIẾN”

 

Hôm lên thăm linh mục Anton Nguyễn Thanh Vũ, Phó tuyên uý HĐS Công giáo Giáo phận Đà Nẵng, đang quản nhiệm giáo họ biệt lập Tam Lãnh (Kỳ Sơn), thuộc giáo hạt Tam Kỳ, tôi được cha dẫn ra phía sau nhà xứ của cha, và hái cho quả đu đủ chín cây, ươm vàng, căng tròn, bóng láng. Đây là quả đu đủ chín trên cây, tức là “chín đúng qui trình”, chín từ từ ngày này qua ngày khác, chứ không phải chín do thúc ép, hay do rấm, dú, nên rất ngon: hương vị thơm phức, ngọt lịm và rất chất lượng nữa. (thông thường đu đủ hay chuối được rấm chín bằng cách cho đu đủ hay chuối vào trong một cái lu, chum hay khạp, chính giữa lu, chum hay khạp thắp vài cây hương cho nóng, rồi đậy lu, chum hay khạp kín lại, vài ngày sau là trái cây chín ngay, và dĩ nhiên không chất lượng bằng trái chín cây).



    Từ hình ảnh quả “đu đủ chín cây” này, tôi lại liên tưởng đến phương pháp giáo dục “tiệm tiến” của Baden Powell. Đây quả là một phương pháp rất tuyệt vời, để ươm trồng các em thành những con người chín chắn (chín cây), có nhân cách, có năng lực và có trí tuệ… một cách thực chất nhất.

    Từ lãnh vực sinh hoạt đến lãnh vực huấn luyện, BP đều áp dụng phương pháp “liên tục và tiệm tiến” này.

    Vậy tiệm tiến là gì?

    Theo định nghĩa thông thường thì tiệm: là dần dần; tiến: là bước tới. Tiệm tiến là tiến dần lên, là tiến triển dần dần, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Không nóng vội, không mặc áo quá đầu, không dồn nén, không thúc ép, không đốt cháy giai đoạn…

    BP nhắc nhở các Trưởng, khi cầm đoàn (sinh hoạt) và khi giáo dục (huấn luyện) thì phải biết rõ nội dung sinh hoạt và huấn luyện của từng giai đoạn, của từng lứa tuổi tâm sinh lý, để không vượt quá nội dung đã được qui định cho từng ngành, và từng cấp độ (huấn luyện). BP đã chia lứa tuổi thanh thiếu niên ra làm 4 giai đoạn: Ấu – Thiếu – Kha – Tráng. Mỗi giai đoạn có một chương trình sinh hoạt giáo dục riêng, phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Kỵ nhất là Trưởng muốn đoàn sinh của mình giỏi, cừ, nên huấn luyện trước cho các em chương trình của ngành trên, đến khi các em đó được chuyển lên ngành trên, thì cảm thấy chán nản, không còn thích thú vì chương trình này mình đã biết cả rồi. Do đó HĐ đã có một chương trình tiệm tiến từ Ấu lên Tráng:

    Ấu có chương trình: Sói Giò non – Sói 1 sao – Sói 2 sao, rồi lên Thiếu.

    Thiếu có chương trình: HĐ tân sinh – HĐ hạng nhì – HĐ hạng nhất – HĐ Việt Nam, rồi lên Kha.

    Kha có chương trình: Dự Kha – Tân Kha – Thuần Kha – Kha tiền phong – Kha nghĩa sĩ, rồi lên Tráng.

    Tráng có chương trình: Dự Tráng - Tân Tráng – Tráng sinh lên đường.

    Như vậy, chương trình giáo dục sinh hoạt của HĐ là một chương trình liên tục và tiệm tiến, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn, để duy trì sự liền mạch và thích thú khám phá cho các em mỗi khi được chuyển lên ngành trên.

    Cũng như trong chương trình trại huấn luyện, các cấp cũng được tiến hành một cách tiệm tiến, không nóng vội. Khoá Căn bản chỉ cần một Trainer (T) làm Khoá trưởng. Dĩ nhiên HLV cũng do các Trainer đảm trách là đủ rồi, và đó cũng chính là đất sống của các Trainer, đâu cần nhiều LT và ALT. Đến khi lên Dự bị thì cần một ALT làm Khoá trưởng. Khi lên HHR mới cần một LT làm Khoá trưởng. Có tiệm tiến như vậy mới tạo được chất lượng, sự thích thú và sự mới mẻ cho khoá sinh. Đừng làm cho khoá sinh nhàm chán vì đã “gặp rồi”, “biết cả rồi”.

                                                                  Phạm Cảnh Đáng. RS

MIỀN TRUNG – BÓNG DÁNG HƯỚNG ĐẠO

Lời BBT.

     Vững Tiến 26 xin giới thiệu với quí Trưởng và bạn đọc bài biên khảo rất công phu, quí hiếm về tư liệu lịch sử Hướng đạo miền Trung của Trưởng Gấu tận tụy Trần Anh Mỹ, trong những ngày đầu khai sinh và phát triển của phong trào Hướng đạo tại “miền Trung, những năm cực thịnh của phong trào Hướng đạo và những dấu ấn không bao giờ bị lãng quên!!!”.

    BBT Vững Tiến xin chân thành cám ơn Trưởng Gấu tận tuỵ Trần Anh Mỹ đã tin tưởng trao cho Vững Tiến được quyền phổ biến rộng rãi bài viết, để cho quí Trưởng và quí độc giả được biết và cũng để lưu lại cho thế hệ mai sau. Vững Tiến ước mong được tiếp nhận thêm những bài biên khảo công phu về lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam của Trưởng.

“Trong số báo kế tiếp, Vững Tiến sẽ đăng toàn bộ nguyên văn bài: “Cuộc phỏng vấn ông Hội trưởng Hướng đạo đoàn ở Huế” của nhà báo Thiết Mai”, do Trưởng Gấu tận tuỵ Trần Anh Mỹ. sưu tầm. Mời đón xem.

GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI SÁNG LẬP

     Không phải chỉ riêng Huân tước Robert Baden-Powell có hoài bão và ước mơ dành cho thanh thiếu niên Anh Quốc, mà cho cả thế giới nữa! Trưởng Trần Văn Khắc cũng có những giấc mơ như vậy, và mong muốn tuổi trẻ ba xứ Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ đi theo con đường của Người Sáng lập.

     Trước khi từ biệt đất Bắc vào Nam, Trưởng Trần Văn Khắc cũng đã hứa hẹn với anh em Hướng đạo Hà Thành là sẽ cùng nhau về họp mặt tại chốn Đế đô. Nhưng tiếc thay sự việc đã không như mong muốn, vì nhiều lý do mà cuối cùng anh em Hướng đạo hai miền Nam-Bắc đã chưa có dịp gặp nhau, cắm trại bên bờ sông Hương, chân đỉnh núi Ngự. Tháng 5 năm 1932, Trưởng đã lên đường vào Sài Gòn trong sự mến tiếc của anh em Hướng đạo Bắc Kỳ.

     Trên tờ Bắc Kỳ Thể Thao (Số 130, ra ngày 6-6-1933), không từ bỏ niềm mơ ước của mình, Trưởng Trần Văn Khắc đã bày tỏ công khai trên báo chí, liệu có giải pháp nào để Trung Kỳ có thể lập một đoàn Hướng đạo?

     Nhưng trước đó, từ văn phòng Hoàng thượng, ông Phạm Quỳnh, quan Thượng thơ Bộ Giáo dục đã đáp lời yêu cầu của ông Phạm Văn Bính (sau này là Trưởng Hướng đạo Bắc Kỳ) về một bức thư đề ngày 23-5-1933, đã đăng trên tờ L’Annam Nouveau, nêu lên những nguyện vọng của Trưởng Trần Văn Khắc và của tất cả anh em Hướng đạo nước nhà. Nguyện vọng đã được Đức Kim thượng chú ý và quan Thượng Phạm đích thân xúc tiến công việc.

    Cuối cùng rồi ở Huế đã có Viên ngoại Trần Bá Vỵ đứng ra thành lập được hai đoàn Hướng đạo vào đầu năm 1934. 

Năm 1884, người Pháp sau khi chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, miền Trung trở thành xứ bảo hộ, Trung Kỳ nằm trong Liên bang Đông Dương cho đến năm 1948. Thủ đô đặt tại Huế và thành phố “nhượng địa” lớn nhất là Tourane (Đà Nẵng).

     Lật trang sử cũ thì các vị vua của chúng ta đã từng ngự trị tại vùng đất Cố đô này kể từ năm 1885 là vua Đồng Khánh, kế đó là các vị vua Thành Thái (từ 1889-1907), Duy Tân (1907-1916), Khải Định (1916-1925) và cuối cùng là vua Bảo Đại (1925-1945).

     Như chúng ta đã biết, bóng dáng Hướng đạo sinh bắt đầu xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1928 ở trường Lycée Albert Sarraut. Nhưng mãi đến tháng 9 năm 1930, Trưởng Trần Văn Khắc mới thành lập được một đoàn Hướng đạo người Việt (trước gọi là Đồng Tử Quân) ngay tại Trường Thể Dục Hà Nội, mang tên người anh hùng áo vải Lam Sơn – Lê Lợi.

     Người Việt Nam thời buổi này nhìn thấy phong trào Hướng đạo rất xa lạ, mặc dù Trưởng Hoàng Đạo Thúy có viết nhiều bài báo giới thiệu và giải thích cặn kẽ trên báo chí, kể cả cuốn “Đoàn Hướng đạo, thêm một bài thể thao rễ tập” (1930), với bút hiệu Ba Tô, in và bán tại nhà in Đông Tây, phố Hàng Bông (Hà Nội). Khoảng năm 1930, Trưởng Hoàng Đạo Thúy cũng đã từng tổ chức cho các em học sinh trường Yên Thành (Hà Nội) tham gia sinh hoạt ngoài trời, áp dụng phương pháp của Hướng đạo, để các em có thể hòa mình với thiên nhiên, sống tự lập, tháo vát và biết ứng phó với mọi điều kiện khó khăn. Nhưng việc tổ chức một đoàn Hướng đạo vào thời buổi này là không phải dễ!

     Tháng 10 cùng năm, Trường Thể Dục Hà Nội nhận thêm vài chục đoàn sinh nhỏ gọi là Sói con (đoàn Vạn Kiếp), do Trưởng Hoàng Đạo Thúy hướng dẫn. Thế là phong trào Hướng đạo tại miền Bắc càng ngày càng được phát triển rộng rãi và không ngừng thẳng tiến!  

     Mặc dầu việc thành lập Hướng đạo ở Huế tuy đã có giấy phép từ ngày 15-12-1933, nhưng mãi đến ngày 20-1-1934 mới có một cuộc họp ngay tại nhà Viên ngoại Bộ Hình[1] Trần Bá Vỵ, để bầu Ban trị sự và nghe Trưởng Cao Minh Phú ở đoàn Gia Long (Hải Phòng) và Trưởng Thái Thúc Hồ ở đoàn Lê Lợi (Hà Nội) thuyết trình về mục đích của phong trào Hướng đạo. Có các quan, các ông bà, nam nữ học sinh ở Huế đến nghe rất đông. Kết quả là Ban trị sự đã bầu Trần Bá Vỵ làm Trưởng ban, Trưởng Cao Minh Phú làm Đoàn trưởng đoàn Paul Doumer toàn Sói con, Trưởng Thái Thúc Hồ phụ trách và hướng dẫn các em lớn tuổi hơn trong đoàn Gia Long. Thế là ngọn cờ Hướng đạo từ nay bắt đầu bay phất phới ở đất Thần Kinh![2]. Các đoàn ra đời sau đó ở Huế có Bạch Mã, Paul Bert, Túy Vân

     Phong trào Hướng đạo ở miền Trung nhanh chóng lan tỏa và được sự hưởng ứng ở khắp mọi nơi, nhiều đơn vị lần lượt ra đời. Ở Đà Thành đã có đoàn Phan Thanh Giản (về sau có thêm bầy Quang Trung) được thành lập. Ngày 18-11-1934, lần đầu tiên đoàn đã làm lễ tuyên hứa cho các đoàn sinh, trước sự chứng kiến của các quan Công sứ, quan Phó sứ, cùng các quan Tây Nam và phụ huynh đoàn sinh. Anh Hội trưởng Hội Hướng đạo Đà Thành, Đặng Xuân Mai và anh Đoàn trưởng Lê Văn Tư, là những Trưởng tiên phong của phong trào Hướng đạo ở đầu biển cuối sông[3]. Cũng nên biết là ngày 19-9-1937, hưởng ứng với các anh em Hướng đạo ở Huế và khắp nơi, đoàn Phan Thanh Giản đã tổ chức quyên tiền giúp đồng bào bị bão lụt ở miền Bắc được 98$85, và sau đó đã giao cho quan Đốc lý chuyển giao lên cho quan Khâm sứ Trung Kỳ, được khen ngợi hết lời về tấm lòng từ thiện của đoàn cũng như bà con trong thành phố (Tràng An báo đăng ngày 19-10-1937).

     Ngày 7-4-1935 đoàn Hướng đạo Quảng Ngãi đã tổ chức lễ tuyên hứa cho 1 nữ và 5 nam đoàn sinh tại sân đá bóng của Hội Pháp-Việt Thể thao, dưới sự chứng kiến của quan chánh công sứ Delage, quan lớn Tuần vũ Đinh Văn Chấp và linh mục Thomas Côté (thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Huế) và một số vị quan khách. Ông Rossi chánh Sở Liêm phóng (tức Sở Mật thám), chánh Hội trưởng Hội Hướng đạo Quảng Ngãi đã ngợi khen ông Vũ Đình Ban là tổng đoàn ở Huế “đã tận tâm vì nghĩa vụ, giảng nghĩa đại lược về chủ nghĩa Hướng đạo, nói qua về lịch sử lửa trại, ca tụng cái cách học mà chơi, chơi mà học của Hướng đạo, rồi ngài khuyên các Hướng Đạo sinh hãy noi theo Luật Hướng đạo, trau dồi trí não và tâm linh để trở nên người có ích cho tổ quốc, cho nhân quần.

     Sau đó các Hướng Đạo quân bắt đầu đốt lửa trại và hát những bài hát vui vẻ hùng hồn như Va scout d’Annam, La Légende du feu, Le cor, L’alouette…vân vân.” (nguyên văn)[4]

     Ngày 6-11-1935, theo nghị định của quan Khâm sứ Trung Kỳ, đoàn Hồng Lam chính thức được thành lập ở Vinh do trưởng Trần Bá Vinh phụ trách. Thanh thiếu niên từ 6 tuổi trở lên đều được tham gia năm đầu không phải đóng gì cả, chỉ cần tự sắm đồng phục vài đồng bạc và hạnh kiểm tốt[5]. Số đoàn sinh phát triển, Vinh có thêm bầy Hồng SơnLam Giang.

     Đồng thời ở Quảng Bình cũng đã có các Trưởng Demay (chủ sở rượu Sica ở Đồng Hới), Ozaune, Huỳnh Tăng Khiêm (Phó Hội trưởng HĐ), Hồng Lô (tự Khanh, làm Phán sự Tòa sứ Đồng Hới), Nguyễn Tô Điềm (Đốc học), Nguyễn Trung Thầm (thương gia), Astier (chủ Thương chánh Quảng Khê, Chánh Hội trưởng HĐ Quảng Bình)… và đoàn Hướng đạo Trương Phúc Phấn ở Badon do Trưởng Hồ Nhỏ làm đoàn trưởng (sau này có nhà giáo, Trưởng Nguyễn Văn Tỷ phụ trách)… Tất cả họ đều là những người có công lớn thành lập các đoàn Hướng đạo ở Quảng Bình trong thời gian đầu[6].

     Ngoài ra, ở miền Trung còn phải kể đến Thanh Hóa có đoàn Nguyễn Hoàng, Nguyễn Kim Võ Tánh. Quảng Trị có Ái Tử, Đồng Hới có Lệ Thủy, Đào Duy Từ, Nhật Lệ, Thọ Linh… và ở Kontum có đoàn Le Kontum của trưởng Nguyễn Hữu Đô phụ trách.

     Riêng ở Đà Lạt (thời Pháp thuộc trực thuộc Trung Kỳ) thì đến năm 1937 mới có đoàn Hướng đạo Lâm Viên chính thức được thành lập sau các đoàn Hướng đạo Pháp lâu đời tại trường Le Petit Lycée de Dalat và đoàn Maréchal Lyautey.

NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ

     Cuối năm 1935, Trưởng Trần Bá Vỵ đã hướng dẫn đoàn Hướng đạo Trung Kỳ đi tham dự “Trại Huynh Đệ” (Camp de Fraternite) tại sân Mayer Sài Gòn, qui tụ hơn 600 trại sinh thuộc các xứ Đông Dương: Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ, và Cao Mên cùng với các đoàn Đồng Tử Quân của Trung Hoa ở Chợ Lớn, các đoàn Hướng đạo Pháp.

     Sau trại họp bạn, Trưởng Trần Bá Vỵ đã thiết tiệc trà tại nhà người em, có mời anh em Hướng đạo Bắc Kỳ, mấy Trưởng Ủy viên Sài Gòn và ông Hội trưởng Hướng Đạo Nam Kỳ. Đến 8 giờ tối, Trưởng Trần Văn Khắc đã dẫn anh em Trung Kỳ vô Chợ Lớn thăm cảnh thành phố khách ban đêm và viếng thăm anh em Hướng đạo Trung Quốc. Sau cùng đến 9 giờ tối thì anh em Trung Kỳ đáp xe lửa đêm về trở lại Huế[7].

     Tưởng cũng nên nhắc lại là trên đường đi dự trại “Huynh Đệ” ở Sài Gòn, phái đoàn Hướng đạo Bắc Kỳ đã được anh em Hướng đạo Thần Kinh đón rước rất ân cần và thân mật ngay từ khi đoàn tàu dừng ga Huế lúc 4 giờ sáng ngày 24-12-1935, trong lúc thời tiết mưa dầm dề và rét buốt.

     Đáng nhớ nhất là buổi sáng sớm, đoàn Hướng đạo Bắc Kỳ do Trưởng Trần Duy Hưng (sau này là Thị trưởng thành phố Hà Nội) dẫn đầu đã đến thăm cha cố Rédemptoristes, và sang viếng thăm Trường Thiên Hữu (Collège Providence), mà nhà trường đã cho phép học sinh vào học chậm hai giờ để đón tiếp đoàn.

     Kế đó là đoàn Hướng đạo Bắc Kỳ cũng được hướng dẫn đến thăm đài Trận vong Tướng sĩ[8], đến nhà Xã Thừa Thiên rồi sang qua cầu Trường Tiền để đến thăm nhà ông Hội trưởng Trần Bá Vỵ, tòa soạn báo Gazette de HuéTràng An báo.

     Trưởng Emmanuel Niédrist, kỹ sư nhà máy điện nước Société des Eaux et Electricité en Annam (Huế), sau trở thành Phó giám đốc, cũng có đến thăm hỏi và chuyện trò rất vui vẻ. Đến chiều Hướng đạo Thần Kinh dẫn đến Điện Kiến Trung chào cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh và được cụ đãi cho hai tấm các để đi coi Lăng và Cung Điện. Sau đó đoàn đã đến thăm các lăng Gia Long, Tự Đức, Khải Định… và đến tối tại nhà anh Ủy viên Võ Thanh Minh có đãi tiệc mừng.

     Thật là một kỷ niệm không hề phai của các anh em Hướng đạo Thần Kinh và Bắc Kỳ, đã được tường thuật chi tiết trong một số báo đặc biệt của Thẳng Tiến (Năm thứ 1, số 6, ra ngày 20 Janvier 1936).

     Đến năm 1936, ở Trung Kỳ có một sự kiện lịch sử của phong trào Hướng đạo, đó là trại Huấn luyện Trưởng đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt dành cho các Trưởng của 5 xứ Đông Dương, từ ngày 1 đến 14 tháng 8. Các Trưởng từ miền Trung tham dự gồm có: Võ Thanh Minh, Nguyễn Hy Đơn, Tráng Cử, Nguyễn Trình, Nguyễn Thúc Toản, Ngô Đức Thọ, Hồ Ngọc và Bửu Biên ở Huế, Lê Văn Thưởng ở Quảng Ngãi, Trương Đức Thắng, Nguyễn Triển và Jean Baptiste Nguyễn Văn Nhiều ở Đồng Hới, Hồ Nhỏ và Nguyễn Hoài ở Quảng Bình, Nguyễn An và Nguyễn Xuân Khốn ở Thanh Hóa, Hoàng Thụy Vân, Nguyễn Trọng Dzĩnh và Nguyễn Đình Tránh ở Vinh… cùng với các Trưởng Huấn luyện viên người Pháp như: Emmanuel Niédrist ở Huế, Raoul Serène (Institut Océanographique Nha Trang) và Dr. Tournier, Farraut ở Đà Lạt… Trại tổ chức thành công với hơn 64 trại sinh, Trại trưởng là Trưởng Raoul Serène.

     Một sự kiện lịch sử khác của phong trào là ngày 28-2-1937 sau kỳ họp lịch sử tại trường Lycée Albert Sarraut (bây giờ là Trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự có mặt của các Trưởng Raymond Schlemmer (SdF), Trần Văn Khắc (Nam Kỳ), Hoàng Đạo Thúy (Bắc Kỳ), Võ Thanh Minh (Trung Kỳ), Raoul Serène (Représentant de l’Association des Scouts de France), Auguste Bernard và Emmanuel Niédrist (Représentant l’Association des Eclaireurs Unionistes de France), Jean Grassin (Représentant des Scouts de France)… (các Trưởng Hướng đạo Cao Miên và Lào vắng mặt) quyết định thống nhất các Hội Hướng đạo lại thành một.

     Cả hai sự kiện lịch sử, trại huấn luyện Trưởng ở Đà Lạt hồi năm 1936 và tổ chức Liên Hội đều do sự đề nghị và ý kiến của  Tổng Ủy viên Hướng đạo Thế tục Pháp (Commissaire Général des Éclaireurs de France) André Lefèvre.

     Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme) chính thức được thành lập, trụ sở tạm thời đặt tại Huế, số 46 quai de Forçant (sau đó dời về 26 Avenue Khai Dinh). Điều lệ (Statuts de la Féderation Indochinoise des Associations de Scoutisme) được soạn thảo và phổ biến trên các báo chí Hướng đạo Đông Dương và trên tờ CHEF (Revue mensuelle Organe Officiel des Chefs)[9].

     Năm 1941, một kỳ trại họp bạn mang tên “Thần Kinh” đã diễn ra tại rừng Quảng Tế, cách kinh thành Huế chừng ba cây số, từ ngày 12 đến 14 tháng 4 do Trưởng Tạ Quang Bửu làm Trại trưởng, Tổng thư ký là Trưởng Nguyễn Thúc Toản (Tam Tòa, Huế), Quảng cáo và Thông tin Trưởng Phan Ngân (Bộ Hình, Huế) phụ trách, Thủ quỹ có Linh mục Georges Lefas (Providence, Huế). Các tiểu trại có các Trưởng phụ trách như Hoàng Đạo Thúy, Võ Thanh Minh, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Tấn Đức, Thái Văn Phan, Nguyễn Xuân Trâm… Chương trình có buổi đi thăm các lăng Thiệu Trị, Tự Đức, đồi Belvédère. Tối có đốt lửa trại và ngày cuối cùng là đi thăm Hoàng Thành.

     Thật là một kỳ trại vô cùng thích thú với khoảng 3000 trại sinh tham dự, đặc biệt là Hoàng đế Bảo Đại đã đến thăm trại. Dân chúng cũng tấp nập đến xem, và hầu như không còn chỗ trống để được vào xem những sinh hoạt thật hấp dẫn của Hướng đạo sinh trong trại!

     Song bên cạnh đó, phong trào Hướng đạo tại miền Trung còn được Đức vua Bảo Đại tài trợ để xây dựng một trại trường huấn luyện Trưởng Hướng đạo ở Đông Dương ngay tại đồi Bạch Mã[10]. Trưởng Raymond Schlemmer chính là người đã trình bày với Đức vua về việc thiết kế trại và được Ngài ủng hộ 2000$ đồng để xúc tiến việc xây dựng từ năm 1937 và đến năm 1938 đã đưa vào hoạt động (cho đến năm 1944 thì tạm ngưng). Trưởng Raymond Schlemmer là Trại trưởng đầu tiên, kế đó là Trưởng Tạ Quang Bửu.

     Năm 1942, Hướng đạo Trung Kỳ được chánh phủ trợ cấp 3000$. Theo bản tin của Tràng An báo đưa tin là dự chi cho năm 1943 sẽ lên tới 7000$. Đó chính là sự ưu ái của chánh phủ thuộc địa dành cho một tổ chức đáng tin cậy ở miền Trung, từ nhân số 389 đoàn sinh vào năm 1939 mà đến năm 1940 đã lên tới 744 người, năm 1941 có 1203 và năm 1943 nhảy lên vọt lên đến 1865 bao gồm 407 Sói con, 808 Thiếu sinh, 509 Tráng sinh và 141 Trưởng.[11]

NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG CỦA PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO MIỀN TRUNG

    TRẦN BÁ VỴ (1895-1955) là Viên ngoại tại Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn và cũng là Hội trưởng Hội Hướng đạo Trung kỳ (Association des Éclaireurs d’Annam). Trưởng là người thành lập hai thiếu đoàn Hướng đạo, Gia LongTriệu Tổ dưới sự hướng dẫn của Trưởng Cao Minh Phú từ Hải Phòng. Trưởng Trần Bá Vỵ từng dẫn đoàn Hướng đạo Trung kỳ đến gặp Hoàng đế Bảo Đại và được Ngài đón tiếp ngay tại Điện Kiến Trung (Huế) vào ngày 2 tháng 4 năm 1934. Đức vua Bảo Đại đã nhận lời mời của Hội làm Hội trưởng Danh dự (Membre d’Honneur) Hội Hướng đạo Trung kỳ thời đó.

     Sau khi tổ chức xong các đoàn Hướng đạo, Trưởng Trần Bá Vỵ đã xong nhiệm vụ, và ngày 21-2-1936 Hội Hướng đạo Trung kỳ đã làm lễ tiễn đưa Viên ngoại Trần Bá Vỵ trở về Bắc tại Hội Quảng Tri trước sự chủ tọa của ông Hồ Phú Viên và đông đão Hướng Đạo sinh Trung Kỳ do Trưởng Nguyễn Hy Đơn (cũng là thầy giáo Trường Paul Bert) hướng dẫn. Trưởng Lê Thanh Cảnh sau này được đề cử làm Hội trưởng Hội Hướng đạo Trung Kỳ.

     Trưởng Trần Bá Vỵ cũng là người đã từng viết tựa cho cuốn “Baden Powell Thi tổ Chủ nghĩa Hướng đạo” do Đoàn Văn Phong dịch, xuất bản bởi Thông Hoạt Thư Quán (Quảng Trị), in tại nhà in Cảnh Tân (Huế) năm 1935.

     Trong số báo kế tiếp, Vững Tiến sẽ đăng toàn bộ nguyên văn bài “Cuộc phỏng vấn ông Hội trưởng Hướng đạo đoàn ở Huế” của nhà báo Thiết Mai, đón xem.  

     Ngoài Hội Hướng đạo Trung kỳ còn có một hội thứ hai là Association des Jeunes Gens d’Annam, mà đoàn sinh hầu hết là Hướng Đạo sinh Công giáo. Lần lượt ở miền Trung đã ra đời các đoàn: LyauteyTrường Thiên Hựu (Institut de la Providence, đoàn trưởng là Paul Tuyền và Bà Sylvestre), Paul Doumer (đoàn trưởng Nguyễn Hy Đơn), Paul Bert (đoàn trưởng Tráng Cử), Võ Tánh (đoàn trưởng Ngô Đức Thọ), và Đỗ Hữu Vị (đoàn trưởng Nguyễn Trình)…

     TẠ QUANG BỬU (1910-1986) là người đã từng được cử đi Anh quốc để thụ huấn Gilwell Park vào khoảng cuối năm 1939 (cùng thời gian đi tham dự Trại Họp bạn Tráng Sinh thế giới lần thứ 3 - 3rd World Rover Moot ở Monzie, Éscosse), và sau đó được phong nhiệm là DCC (Député Chef de Camp/Ủy viên Huấn luyện) từ năm 1942 để giữ chức vụ Trại trưởng Trại trường Bạch Mã của Liên Hội Hướng đạo Đông Dương (Fédération Indochinoise des Associations de Scoutisme) sau Trưởng Raymond Schlemmer, và được đề cử là Tổng Ủy viên Hướng đạo Trung kỳ (Commissaires Généraux).

     Năm 1941, trưởng Tạ Quang Bửu còn là Trại trưởng Trại Họp bạn “Thần Kinh” với 3000 trại sinh tham dự. Từ sau năm 1945, Trưởng đã cùng một số Trưởng như Trần Duy Hưng tham gia kháng chiến chống Pháp, một thời gian sau Trưởng Tạ Quang Bửu trở thành Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (1965-1976), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1946-1948)…

     Linh mục NGUYỄN VĂN THÍCH (1891-1978) từng là giáo sư Trường Thiên Hựu (l’Institut de la Providence)[12] từ năm 1933-1937. Đến năm 1949 Ngài trở thành Tổng Tuyên úy Hướng đạo Công giáo Huế, và Tổng Tuyên úy Hướng đạo Toàn quốc từ năm 1953. Ngài còn là tác giả bài “Nguồn Thật” (Đến nơi nguồn thật) mà các HĐS Việt Nam chúng ta thường hay sử dụng trong nghi thức của phong trào. “Anh em chúng ta chung một đường lên. Chung một đường lên đến nơi nguồn thật. Nguồn thật là đây sức sống vô biên. Sống vô biên là sống cùng tạo vật” (Ghi chú: bài này hát nghiêm trang, không vỗ tay).

     Linh mục GEORGES LEFAS (1906-2002) thuộc nhóm truyền giáo hải ngoại Paris-Missions Étrangères de Paris (MEP), hơn 40 năm gắn bó với các trường l’Institut de la Providence, Institution Jeanne d’Arc Facutés des Lettres et de Pédagogie, Université  de Hué (Khoa Nhân văn và Sư phạm, Đại học Huế).

     Khi đoàn Lyautey được thành lập tại Trường Thiên Hựu (một đoàn Hướng đạo nửa Tây nửa Mít) thì Linh mục Lefas trở thành tuyên úy cho đoàn. Năm 1937 Liên Hội Hướng đạo Đông Dương hình thành từ 5 xứ nhập lại như Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Mên và Ai Lao thì Linh mục Lefas được cử làm Tổng tuyên úy (Aumonier Général de la Fédération Indochinoise des Associations du Scoutisme) cho đến năm 1945.

     Ngài đã từng tham dự trại huấn luyện Trưởng đầu tiên vào năm 1936 tại Đà Lạt cùng với Raoul Serène, Emmanuel Niédrist, Hoàng Đạo Thúy, Trần Văn Khắc…

     Cuối đời Ngài có dịp trở lại Huế vào năm 2001, và một năm sau Ngài mất, hưởng thọ 96 tuổi.

     VÕ THANH MINH (1906-1968) đã từng liên lạc với Trưởng Trần Văn Khắc ở Sài Gòn để tiến tới thành lập một đoàn Hướng đạo tại Trường Tiểu học Hồng Lạc (còn gọi là Trường Bình Dân) nơi mà Trưởng đang làm hiệu trưởng.

     Đầu tháng 11-1936, Võ Thanh Minh đã tổ chức một kỳ trại tại Động Thâm (Thanh Thủy) với đoàn Hướng đạo Trung Kỳ ở Huế có sự tham dự của các Trưởng Tạ Quang Bửu, Emmanuel Niédrist và Tráng Cử. Riêng Võ Thanh Minh đã dẫn các Tráng sinh (Routiers) thám du miền Thanh Thủy khoảng 30 cây số. Trong buổi khai mạc trại, Võ Thanh Minh đã đọc bức thư của quan Thượng thơ Bộ Giáo dục Phạm Quỳnh gởi cho Trưởng Lê Thanh Cảnh (Hội trưởng Hướng đạo Trung Kỳ), phụng sắc Hoàng đế ban lời khen ngợi hết thảy đoàn Hướng đạo Trung Kỳ đã cử đại biểu đi dự lễ Vạn Thọ Đức Bảo Đại vào ngày 6 tháng 11 (Tin từ Tràng An báo số 175 ra ngày 20-11-1936).

     Từ năm 1937, Võ Thanh Minh được cử làm Tổng Thư ký Liên Hội (Secrétaire du Bureau) khi Liên Hội Hướng đạo Đông Dương được thành lập.

     Chi tiết về Võ Thanh Minh có thể đọc thêm cuốn: “Kể về Trưởng Võ Thanh Minh Hồng Sơn Dã Mã” của Trưởng Phạm Cảnh Đáng hiện đang có sẵn ấn bản năm 2022.

     Miền Trung còn có rất nhiều Trưởng tiên phong trong phong trào Hướng đạo ở thời kỳ phôi thai, trong đó phải kể đến những công lao và sự đóng góp của một số Trưởng như: Ngô Trọng Lữ (đoàn Lê Thánh Tôn), Vũ Đình Bảng, Phan Tây, Nguyễn Giáo (Bầy Hồng Sơn), André Định (đoàn Pellerin), Nguyễn Hy Đơn (đoàn Paul Doumer), Nguyễn Thúc Toản (đoàn Bạch Đằng), Nguyễn Đức Đô (đoàn Phú Xuân), Nguyễn Trình và Lê Văn Ngoạn (bầy Đỗ Hữu Vị), Ngô Đức Thọ, Tráng Thông, Thái Văn Phan (đoàn Túy Vân ở Huế), Trần Phước Chu, Lê Văn Tư (đoàn Phan Thanh Giản), Nguyễn Xuân Trâm và Hồ Văn Đệ (Tourane), Nguyễn Xuân Quế (đoàn Long Giang ở Vinh), Phạm Văn Thanh (bầy Nhật Lệ) và Phạm Văn Mai ( đoàn Lệ Thủy ở Đồng Hới), Trần Trải Thủy (bầy Sông Lam ở Nghệ An), Bùi Kính Lãng và Trần Điền (Thanh Hóa), Bùi Ân Kiếm (Quảng Nam), Võ Hữu Xáng, Lê Chí Khiêm và Nguyễn Tấn Đức (Quảng Ngãi), Nguyễn Tăng Diên, Trần Ngọc Trác và Bùi Ngươn Khánh (đoàn Ngô Quyền, Nha Trang)…

     Họ đã tô điểm cho miền Trung nước Việt đầy màu sắc Hướng đạo thật cực kỳ rực rỡ, những nét son thật tuyệt vời trong những năm đầu thập niên 30, 40 của thế kỷ trước! Họ không bao giờ bị lãng quên, và những dấu ấn lịch sử mà chúng ta trân trọng gìn giữ sẽ mãi mãi là những viên ngọc quí!

                                                  

                                                   Gấu tận tụy Trần Anh Mỹ

Tài liệu tham khảo:

.CHEF, tạp chí của Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương, bản Pháp ngữ 1937-1941

. “Kỷ yếu Hướng Đạo Việt Nam 1930-1945” của Phạm Văn Nhơn, nhà xuất bản Văn Nghệ, TP. HCM 2009

. “Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam” hồi ký của Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc, do Liên đoàn Chi Lăng HĐVN tại Toronto, Canada ấn hành năm 1985.

.Youth Mobilization in Vichy Indochina 1940-1970 của Anne Raffin. Nhà xuất bản Lexington Books, 2005.

.Thẳng Tiến, báo Hướng đạo xuất bản tại Hà Nội 1935-1936

.Hướng Đạo, nguyệt báo, cơ quan chính thức của Tổng Cục Hướng Đạo Nam Kỳ, Sài Gòn

.Nội san Vững Tiến, lưu hành nội bộ

.Nội san Giữ Vững Mối Dây, lưu hành nội bộ

. “Theo Dấu chân của Sếu” (Gấu tận tụy Trần Anh Mỹ), lưu hành nội bộ 2024

và một số báo: Lục Tỉnh Tân Văn, Công Luận, Hà Thành ngọ báo, Bắc Kỳ Thể Thao, L’Écho Annamite, Sport Jeunesse d’Indochine, Đuốc Nhà Nam, Trung Hòa Nhật Báo, Sao Mai, Điễn Tín, Tràng An báo

 Chú thích:

[1] Bộ Hình hay Hình bộ (chữ Hán:刑部) là một cơ quan hành chánh nhà nước thời phong kiến. Bộ Hình có thể được coi là tương đương với Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao ngày nay. Viên ngoại là một chức quan giữ việc sổ sách tại các bộ, chức quan này quan trọng trong triều và được xếp ngang hàng với Tri phủ.

[2] Hà Thành ngọ báo (Số 1919 ra ngày 25 tháng 1 năm 1934) bài báo “Đoàn Hướng đạo đã thành lập ở Huế” của T.T.Q.

[3] Công Luận báo (Số 6701 ra ngày 28-11-1934), trang 2.

[4] Tràng An báo (Số 14 ra ngày 16-4-1935) bài báo Đoàn Hướng đạo ở Quảng Ngãi của H.

[5] Sao Mai (Số 19 ra ngày 15-5-1936) bài báo Đoàn Hướng đạo Hồng Lam của N.Đ.T. Cuối bài báo có ghi: “Ai muốn vào hội xin đến hỏi ông Nguyễn-đình-Chánh tại tòa Đốc lý Vinh hoặc ở đường Chaigneau số 22”.

[6] Tràng An báo (Số 125 ra ngày 22-5-1936) bài báo “Gia đình Hướng đạo” của Lê Thanh Cảnh. Ngoài ra, tin này cũng đã được đăng trên tờ Thẳng Tiến (Năm thứ 2, số 17, ra ngày 5-6-1936, trang 11). “Đoàn Hướng đạo Badon” (phủ Quảng Trạch, Quảng Bình) trong bản tin Tràng An báo số 224, 28-5-1937).

[7] Trích trong bài “Một Lá Thư” của Trưởng Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc đăng trên tờ Hướng Đạo (số 13, tháng Một năm 1936).

[8] Đài Trận vong Tướng sĩ, tức đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Huế còn được gọi là Bia Quốc Học, tọa lạc sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học. Công trình này được xây dựng vào đầu XX để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung Kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (Wikipedia).

[9] CHEF (Revue mensuelle Organe Officiel des Chefs de la Féderation Indochinoise des Associations de Scoutisme) No. 6, Mars 1938, trang 13 và 14. 

[10] Đồi Bạch Mã giờ chỉ còn lại một vài dấu vết còn sót lại mà chỉ có dân Hướng đạo mới tìm ra được! Nơi đây đã từng là nơi chứng kiến các trưởng lão thành như: Trần Văn Khắc, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Đoàn Văn Trinh… trúng cách Bằng Rừng (Huy hiệu Rừng/Badge de Bois) hai gỗ đầu tiên vào tháng 8-1938 do Raymond Schlemmer làm khóa trưởng (CHEF, số 22, tháng 7-1939). Và cũng ở nơi đây, trưởng Bạch Văn Quế (Gấu Kiên Nhẫn) đã từng được giữ chức quản lý trại trường cũng như ở Minh Nghĩa Đường, trại sinh nào cũng nhớ suốt đời bốn chữ ghi trên bức hoành phi “Thiên Hạ Nhất Gia” do trưởng Hoàng Đạo Thúy mang từ Hà Nội vào.

[11] Tràng An báo, Số 70 ra ngày 6-10-1942 với tựa đề: “Phong trào Thanh niên ở Trung Kỳ.” Ngoài ra, theo báo cáo của Jacques Lebas số 186-CGI ngày 12-11-1941 gởi cho Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l’Indochione Jean Decoux) thì ở Trung Kỳ có tổng số HĐS là 1350 so với Bắc Kỳ là 2250, Nam Kỳ là 900, Cao Miên là 500 và Lào là 200. Như vậy tổng số ghi danh chính thức của Hướng đạo Trung Kỳ có số tăng vượt bực.

[12] Trường Thiên Hựu, hay Thiên Hựu Học Đường (đúng như tên gọi mà Linh mục Nguyễn Văn Thích đã đặt từ những năm đầu thành lập) bây giờ là Trường Đại học Khoa học Huế, nằm trên ba đường phố lớn của thành phố là Nguyễn Huệ, Đống Đa và Lý Thường Kiệt.

     Nhắc đến Trường Thiên Hựu thì cũng không quên nhắc đến các Trưởng có gắn bó với trường và phong trào Hướng đạo như: Linh mục Georges Lefas, Trưởng Nguyễn Thành Thống (hay còn có tên gọi khác là Petrus Paulus Thống), Trưởng Tạ Quang Bửu, Trưởng Trần Điền (sau này là Thượng nghị sĩ VNCH và Tổng Ủy viên Hội HĐVN), Trưởng Trần Văn Tuyên (từng là luật sư, tráng sinh Tráng đoàn Lam Sơn của Trưởng Hoàng Đạo Thúy), Tôn Thất Thiện (đoàn sinh đoàn Maréchal Lyautey, trại sinh Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới (World Scout Jamboree) lần thứ VI tại Moisson, Pháp năm 1947 do Linh mục Georges Lefas đề cử)…

            Phần phụ chú hình ảnh cho bài viết    

          


Nguyện vọng của Trưởng Trần Văn Khắc cũng chính là nguyện vọng của anh em Hướng đạo nước nhà, ngọn cờ Hướng đạo sẽ bay phất phới nơi chốn Thần Kinh!

 

Trưởng Trần Bá Vỵ và đoàn Hướng đạo Trung Kỳ đến yết kiến với Đức vua Bảo Đại ở Điện Kiến Trung (Huế) ngày 2-4-1934 (Ảnh sưu tập của Joseph-Henri Cardona).   

 Một tin mừng trong làng Hướng đạo Việt Nam” đăng trên tờ Bắc Kỳ Thể Thao số 130 ra ngày 6-6-1933 nơi trang nhất.

Cũng trong số báo 130 nơi trang 7 có đăng bài viết của trưởng Trần Văn Khắc “Bao giờ ở Huế có một đoàn Hướng đạo

Phản hồi của Nhất Nhân Khẩu về bài viết của trưởng Trần Văn Khắc đăng trên Bắc Kỳ Thể Thao số 132 (20-6-1933) 

Lễ tuyên hứa của đoàn Phan Thanh Giản, Đà Thành” báo Công Luận số 6701 ra ngày 28-11-1934

 


Ông Cố đạo và các vị trong Hội đồng của đoàn Hướng đạo Việt Nam tại Kontum khoảng năm 1935 (Ảnh: Société des Missions Étrangères de Paris

Theo lời mời của Trưởng Trần Bá Vỵ, Đức vua Bảo Đại (1913-1997) đã nhận làm Hội trưởng Danh dự (Membre d’Honneur) Hội Hướng Đạo Trung Kỳ (Association des Eclaireurs d’Annam) ngày 2 tháng 4 năm 1934. 

(Ảnh sưu tập của Joseph-Henri Cardona)

   



Trại huấn luyện Trưởng đầu tiên được tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 1 đến 14-8-1936 dành cho các trưởng ở 5 xứ ở Đông Dương (Ảnh trong bộ sưu tập của Thái Thuần)


                Bìa tờ Thẳng Tiến số 19 ra ngày 5-8-1936 số đặc biệt về trại huấn luyện Trưởng Hướng đạo Đông Dương đầu tiên ở Đà Lạt năm 1936.

 


              Hoàng đế Bảo Đại viếng thăm trại họp bạn Thần Kinh được tổ chức tại rừng Quảng Tế (Nam Giao), Huế, năm 1941

Một bài viết “Bao giờ anh em Hướng đạo ba kỳ sẽ có một buổi hội họp ở chốn Thần Kinh?” của Phạm Văn Bính đăng trên tờ Bắc Kỳ Thể Thao số 118 (14-3-1933)



Tin tức “Trại Họp Bạn Thần Kinh” đăng trên nhật báo Điễn Tín số ra ngày 11-4-1941 (hình bên trên), và “Cuộc Họp Bạn Hướng đạo ở Huế” đăng trên tờ Sài Gòn Nhựt Báo số ra ngày 17-4-1941.




Truyền thông đưa tin trước đó vài tháng về trại họp bạn “Thần Kinh” đã xuất hiện trên nhiều báo chí địa phương, trong đó có tờ Tràng An báo ra ngày 22-1-1941 và 19-4-1941


“Grand Rallye Scout à Hué, Le Scoutisme et la jeunesse” trên tờ L’Echo Annamite số ra ngày 17-5-1941 bằng Pháp ngữ (hình trên), và “Cuộc họp bạn Thần Kinh của Hướng đạo” trên tờ Trung Hòa Nhật Báo số ra ngày 19-4-1941.

 



Trưởng Tạ Quang Bửu, Trại trưởng trại Họp bạn Thần Kinh (hình bên trên bên trái). Chụp chung với trại trưởng Trại trường Bạch Mã Raymond Schlemmer khoảng năm 1938 (hình trên bên phải)

Trưởng Tạ Quang Bửu gặp gỡ trưởng Ngô Thế Tân (Pháp) tại Trại Họp bạn Tráng sinh Thế giới lần thứ 3 (3rd Rover Moot, Éscosse 1939) cùng đội nón lá gây ấn tượng đối với bạn bè khắp năm châu (Ảnh lấy từ tạp chí À la page l'Hebdomadaire des Jeunes. 10-8-1939)

Linh mục Nguyễn Văn Thích (đứng giữa, áo đen) từng làm Tổng Tuyên úy Hướng đạo Công giáo Huế từ năm 1949, sau đó Tổng Tuyên úy Hướng đạo toàn quốc từ năm 1953. 

Chân dung Linh mục Georges Lefas (1906-2002), Ngài rất tận tình với phong trào Hướng đạo ở Trung Kỳ trong những năm cực thịnh ở miền Trung.

 

 Trưởng Võ Thanh Minh (1906-2002) vào những ngày đầu năm Mậu Thân 1968 ở Huế do trưởng Huỳnh Ngọc Cúc chụp (Ảnh lấy từ FB của trưởng Nguyễn Xương)

 



 “Cuộc họp bạn rất lớn của 3000 Hướng đạo ở Thần Kinh” trên tờ Tràng An báo số 722 ra ngày 12-4-1941.

Một cử chỉ đẹp, sau hôm họp bạn ở Thần Kinh, có thư xin lỗi đăng trong mục “Tin Kinh Đô”, Tràng An báo số 729 ra ngày 22-4-1941

 







   BIA LƯU NIỆM TRẠI TRƯỜNG BẠCH MÃ HUẾ






Võ Văn Tiếng, tráng sinh Tráng đoàn Hải Đăng, Gia Định (mặc đồng phục Hướng đạo, đứng giữa) đơn thân độc mã cưỡi ngựa sắt từ Sài Gòn ra Hà Nội hồi năm 2015 đã dừng chân nơi Bạch Mã. Hình bên phải là một trong những tấm bia khắc tên các đơn vị Hướng đạo đã đặt chân đến đây, nơi mà ngày xưa là dấu ấn của trại trường.

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26