Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

CÂU CHUYỆN "TÊN RỪNG" ĐÔI ĐIỀU CHƯA KỂ

Vĩnh Đào 

Cò Trầm Lặng 

Tập tục, hay "trò chơi", đặt tên Rừng vẫn được thích thú, ham chuộng và là đề tài của rất nhiều công trình tra cứu, sưu tập, và mới đây nhất là quyển "Chuyện kỳ thú về 4.875 dân rừng Bách Hợp" của Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn, một công trình khảo cứu đồ sộ gần 900 trang, xuất bản năm 2016. Chứng tỏ là sinh hoạt này vẫn thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của nhiều người, vì tính cách đặc biệt pha lẫn nhiều nét bí mật và huyền thoại của nó. 

Đây là một tập tục ra đời rất lâu, gần như là cùng lúc với sự xuất hiện và lan rộng của Phong trào Hướng Đạo tại châu Âu. Nó cũng được du nhập vào Việt Nam khi Hướng Đạo Pháp đưa phong trào Hướng đạo vào Việt Nam trong thập niên 1920-1930. Tuy là một sinh hoạt có tính cách lâu đời như vậy, nhưng tập tục này không bao giờ được nhìn nhận là một sinh hoạt chính thức của Hướng đạo, mà chỉ là một sinh hoạt "bên lề", có lúc đã bị chỉ trích dữ dội và nhiều hội Hướng đạo trên thế giới đã phải nghiêm cấm trò chơi này. 

Tại sao lại nghiêm cấm? "Tên Rừng" xuất hiện trong hoàn cảnh nào? BP có tên Rừng không? Ý kiến của BP về tập tục này ra sao? Tập tục này được du nhập vào Việt Nam và được HĐVN biến cải ra sao? Đó là những câu hỏi mà tài liệu này sẽ cố gắng đưa ra lời giải đáp. 

Đề cập đến tập tục này phải trình bày những mặt tích cực và cả những mặt tiêu cực của nó. Nói đến những điểm tiêu cực có thể làm cho một số người đọc "dị ứng", nhưng cần phải trình bày để thấu hiểu vấn đề, tuy rằng không cần thiết phải nhấn mạnh quá đáng. Có thể nói trước là những mặt tiêu cực với thời gian đã lần lần bị đẩy lui, nhờ vậy trò chơi này vẫn còn tồn tại và còn được ham thích cho đến ngày nay. 

Tập tục từ đâu có?

Năm 1902, một tác giả người Anh sau đó nhập tịch Mỹ tên là Ernest Thompson Seton (1860-1946) cho xuất bản tại New York một quyển sách có tên Birch- bark Roll of the Woodcraft Indians trong đó ông đề xuất một số sinh hoạt ngoài trời và cắm trại cho thanh thiếu niên. Sách hình như được đón tiếp một cách nồng nhiệt vì được liên tiếp tái bản nhiều lần (1) . Trong sách, tác giả đề nghị đặt ra một buổi lễ để đặt tên một con thú cho trẻ em tham gia sinh hoạt ngoài trời. 

Khi Baden-Powell (BP) cũng chú ý đến sinh hoạt thanh thiếu niên và viết quyển Scouting for boys ("Hướng đạo cho trẻ em", xuất bản năm 1908) và phát động phong trào Hướng đạo, chắc chắn ông có tham khảo tác phẩm của Ernest Thompson Seton, và vay mượn nhiều sáng kiến trong đó, nhưng trong sách Scouting for boys ("Hướng Đạo cho trẻ em"), BP không lấy lại ý kiến đặt tên một con thú cho thiếu niên; trong sách không hề nhắc đến việc này. Như vậy có thể xác nhận là thủ tục "đặt tên một thú rừng" đã có khi BP thành lập phong trào Hướng đạo nhưng ông không đưa chuyện đó vào Hướng đạo. 

Tuy nhiên, khi phong trào bắt đầu lan rộng tại Anh sau năm 1910, rất có thể một số' đơn vị hướng đạo tại Anh đã thực hành lễ "đặt tên thú rừng" như sách của Ernest Thompson Seton đề xướng. Sau cuộc họp bạn quốc tế tại Birmingham năm 1913 (sau được gọi Jamboree Hướng Đạo toàn thế giới lần thứ nhất), một Hướng đạo sinh thuộc hội Hướng Đạo Tin Lành Pháp tên Jacques Guérin- Desjardins trở về nước viết một bài báo và ký tên là Nai Nhanh Nhẹn ("Cerf Agile"). Có lẽ ông là người Hướng đạo Pháp đầu tiên có "tên Rừng", được một đơn vị Hướng đạo Anh đặt nhân cuộc họp bạn Hướng Đạo Thế Giới đầu tiên năm 1913. 


 Tập tục lan rộng


Bắt đầu từ thập niên 1920, tập tục đặt tên Rừng lan rộng trong tất cả các hội trong Liên Hội Hướng Đạo Pháp. Tên Rừng được gọi là "totem" và lễ đặt tên Rừng gọi là "totémisation". 

"Totem" theo định nghĩa của từ điển là một linh vật (một con thú, cây cỏ hay một đồ vật) có tính cách linh thiêng và được tôn thờ như một thần linh bảo trợ cho bộ lạc. Trong nhiều bộ lạc thổ dân ở Bắc Mỹ, linh vật này được khắc tượng trên một khúc gỗ, sơn phết nhiều màu sắc và đặt giữa làng. 


Từ thập niên 1920 cho đến thập niên 1950 trong các hội Hướng Đạo Pháp có một trào lưu rất thịnh hành, là trào lưu "da đỏ". Các đơn vị Hướng đạo ngành Thiếu sinh hoạt tưởng tượng như trong một bộ lạc da đỏ , dùng đầy rẫy những từ ngữ thổ dân da đỏ như những tiếng lóng, ví dụ tipi (lều), scalp (da đầu, chiến lợi phẩm của chiến sĩ da đỏ, chỉ tua vai hướng đạo), VP (viết tắt của "Visage Pâle", "Mặt trắng", tiếng người thổ dân chỉ người da trắng; trong hướng đạo, "VP" chỉ người không phải là hướng đạo), sachem (lãnh tụ bộ lạc, chỉ người Hướng đạo đã có tên Rừng), papoose (trẻ em, chỉ đoàn sinh chưa có tên Rừng) v.v. 

Theo tục lệ một số bộ lạc, nhiều thủ lãnh và nhân vật da đỏ (2) nổi tiếng được đặt tên một con thú kèm theo một tỉnh từ hay một danh từ chỉ nơi chốn nào đó, như Sitting Bull (Bò Rừng Ngồi), một thủ lãnh bộ lạc Sioux hồi cuối thế kỷ 19, Crazy Horse (Ngựa Điên), một phụ tá của thủ lãnh Bò Rừng Ngồi. Một số nhân vật khác có tên là Red Hawk (Chim Ưng Đỏ), Standing Bear (Gấu Đứng), Red Cloud (Mây Đỏ), hay Rain in the Face (Mưa Trên Mặt)... 

 Phong trào Hướng Đạo ở Pháp lúc đó đang vào thời kỳ mà trào lưu "da đỏ" đang nở rộ. Nhiều trưởng Hướng đạo đem tục lệ đặt tên "totem" (tên "thú thần linh") vào sinh hoạt của đơn vị mình. 


Đối tượng được đặt tên là một thiếu sinh đã có một số' năm thâm niên, đã tuyên hứa, đã qua giai đoạn tân sinh và sắp sửa được gắn đẳng hiệu Hướng đạo "Hạng Nhì". Thường là sau một buổi lửa trại, lúc gần nửa đêm, đoàn sinh đã vào lều ngủ từ lâu. Một nhóm người đến đúng lều của "đối tượng", chụp lấy nạn nhân, bịt mắt và dẫn đi, không cần biết "đối tượng" có đồng ý hay không. Khi được tháo miếng vải bịt mắt ra, đương sự thấy mình được dẫn đến trước một đống lửa, ở cách xa nơi cắm trại. Ngồi chung quanh là một số' trưởng và Hướng đạo sinh đã có tên "thú thần linh", tất cả họp lại thành "Hội đồng thủ lãnh" (Conseil des sachems). Chủ trì buổi lễ là "Đại thủ lãnh" (Grand sachem), người thâm niên nhất trong nhóm. Không khí rất trang nghiêm, vì không có ai trong nhóm có vẻ muốn đùa giỡn. 

Đối tượng sắp được đặt tên "thú thần linh" phải tuần tự vượt qua nhiều thử thách để chứng tỏ một số đức tính cần thiết: gan dạ, bền bỉ, cương nghị, tinh thần vững chắc... Các thử thách được đặt trên bốn chủ đề: lửa, đất, không khí, nước. Sau khi vượt qua các thử thách, đối tượng được "Hội đồng thủ lãnh" đặt cho một tên "thú thần linh". Từ đó, đối tượng được công nhận như là một "thủ lãnh" và tham gia "Hội đồng thủ lãnh" trong các buổi lễ về sau này. 

Trong buổi lễ đặt tên "thú thần linh", có một nhân vật chỉ chứng kiến mà không bao giờ lên tiếng, có nhiệm vụ canh chừng và châm củi cho đống lửa. Người này được gọi là "Chó Đỏ" (Chien Rouge), là người mới được nhận tên "thú thần linh" trong một buổi lễ gần đây nhất và nay tham gia "Hội đồng thủ lãnh" lần đầu tiên. Sau buổi lễ này, anh ta sẽ được gắn một lông chim trên đầu như các chiến sĩ da đỏ, và nhường vai trò "Chó Đỏ" cho một thành viên mới khác. Mỗi "thủ lãnh" sau khi tham gia một buổi lễ đặt tên "thú thần linh" cũng có thêm một lông chim trên đầu và "Đại thủ lãnh" thường đã phải có ít nhất 7 hay 10 lông. Mô hình "da đỏ" được vận dụng tối đa. 

Giáo dục hay phản giáo dục? 


Sinh hoạt đặt tên "thú thần linh" có những lợi ích giáo dục hiển nhiên: rèn luyện tính can đảm, cương nghị, không sợ hãi trước những thử thách, và củng cố' tinh thần đồng đội, gắn bó với nhóm... Nhưng vì sinh hoạt này không được thừa nhận như là một sinh hoạt Hướng đạo chính thức, nên không được cấp Hội ở trung ương kiểm soát và hướng dẫn. Thủ tục đặt tên tùy thuộc từng đơn vị Hướng đạo (thiếu đoàn), nằm trong quyền chủ động của một nhóm trưởng, nhiều khi chưa quá 18 tuổi. Do đó, tình trạng này dễ đưa tới những lạm dụng, lệch lạc. Những "thử thách" nhiều khi quá mạnh tay để trở thành nguy hiểm, tương tự như những nghi lễ kết nạp vào một hội kín hay là những trò thử thách và đày đọa sinh viên mới tại một số trường đại học hay quân trường (tiếng Anh "hazing", tiếng Pháp "bizutage"). 


Thêm vào đó, có một luật bất thành văn là những người tham dự vào một nghi lễ đặt tên "thú thần linh" phải hoàn toàn giữ "bí mật" về những gì xảy ra. Khi màn bí mật phủ lên những hoạt động âm thầm, càng dễ che đậy những hành động quá trớn, không muốn phơi bày cho mọi người biết. Về phần đoàn sinh, phần lớn cũng biết loáng thoáng những gì xảy ra khi chứng kiến những cuộc "bắt cóc" ban đêm, và qua những lời đồn đãi, rỉ tai. Một số' vì sợ hãi khi nghe những điều "ghê rợn" đành quyết định bỏ đoàn trước khi giai đoạn đó đến với mình. Đó là một điều đáng tiếc. 

Từ một trò chơi hào hứng lúc ban đầu (cho đến khoảng 1928), việc đặt tên "thú thần linh" trở thành một sinh hoạt không còn tính giáo dục. Các "Hội đồng thủ lãnh" hoạt động trong vòng bí mật, biến thành như những hội kín hoạt động bên lề phong trào Hướng đạo trong thập niên 1940. Còn phức tạp hơn nữa khi có những tổ chức tự xưng là "Khăn quàng máu" (!), áp dụng những nghi thức tương tự như lễ đặt tên thần linh nhưng dựa trên mô hình sinh hoạt của những tập đoàn hiệp sĩ thời xưa. 

Trước những hành động lệch lạc, thái quá, nhiều hội Hướng đạo tại châu Âu quyết định cấm những trò chơi này. Đến nay, tập tục này đã mất hẳn tại nhiều nước, vẫn tồn tại ở nhiều nơi, nhưng đã tự động chuyển từ hình thức "cứng" sang một hình thức "mềm". 

Tập tục du nhập vào Việt Nam 


Một số trưởng Hướng đạo người Pháp đem phong trào Hướng đạo vào Việt Nam trong thập niên 1920 qua việc thành lập những đơn vị Hướng Đạo Pháp, chủ yếu thuộc hai hội Scouts de France (SDF - Hướng Đạo Công giáo Pháp) và Éclaireurs de France (EDF - Hướng Đạo thế tục), sau đó tiến tới việc thành lập một Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương dưới sự chỉ đạo của các trưởng Pháp và Việt Nam. Năm 1930, một đơn vị hướng đạo hoàn toàn Việt Nam ra mắt tại Hà Nội, đánh dấu sự hình thành một Phong trào Hướng Đạo Việt Nam. 

Một số trưởng người Việt Nam trong thời gian ban đầu đã nhận tên "thú thần linh" qua các trưởng hướng đạo Pháp. Điển hình là Tr. Hoàng Đạo Thúy, người thành lập thiếu đoàn Việt Nam đầu tiên tại Hà Nội, có tên là "Tigre Édenté" (Cọp Sún Răng), sau chuyển sang tiếng Việt là "Hổ Sứt". Tr. Tạ Quang Bửu, cựu Tổng Ủy viên Hướng Đạo Trung Kỳ trong Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương, có tên là "Fennec", là một loại chồn nhỏ sống ở sa mạc Sahara, Bắc Phi. Có thể trong tên này còn thiếu một tỉnh từ, theo thông lệ của các "tên thần linh", nhưng cũng có thể đây là một trường hợp ngoại lệ. 

Tr. Trần Văn Lược, Tổng Ủy viên HĐVN từ 1969 đến 1975, được đặt tên là "Taureau Furieux" (Bò Mộng Hung Dữ), sau chuyển sang Việt ngữ thành "Bò Rừng Lém". 

Tập tục đặt tên thần linh từ Pháp được Hướng Đạo Pháp đưa nguyên trạng vào Việt Nam, với mô hình "da đỏ" và những "Hội đồng thủ lãnh". Các thử thách, thay vì có 4 chủ đề như đã trình bày ở phần trên, chỉ còn ba, và hơi khác. Đó là các thử thách "lửa, nước và máu". Các hành động thái quá vẫn tiếp diễn, ít nhất là cho đến cuối thập niên 1950. Sau Hiệp định Genève năm 1954, vẫn có một số đơn vị Hướng đạo Pháp dưới danh nghĩa Scouts de France và Éclaireurs de France hoạt động, song song với các đơn vị thuộc Hội Hướng Đạo Việt Nam. Rồi các trưởng người Pháp đã lần lượt trở về nước, trong các đoàn Hướng đạo Pháp tại Việt Nam chỉ còn đoàn sinh và trưởng Việt Nam theo học tại các trường trung học Pháp tại Sài Gòn. Trong thời gian này các đơn vị Hướng Đạo Pháp đã loại bỏ hẳn những hình thức thô bạo, mạnh tay, trong tập tục đặt tên thần linh, để chuyển sang hình thức "mềm". Đến giữa thập niên 1960, hai Liên đoàn Hướng Đạo Pháp còn lại sáp nhập vào Hội Hướng Đạo Việt Nam để lập nên Đạo Diên Hồng. 

Trong các đơn vị thuộc Hội Hướng Đạo Việt Nam, ngay từ đầu, tập tục của Hướng Đạo Pháp được tiếp nhận một cách nhiệt thành, nhưng với những biến cải quan trọng. Trước hết, mô hình "da đỏ" không phổ biến tại Việt Nam. Khung cảnh được chọn là khung cảnh rừng. "Hội đồng thủ lãnh" trong mô hình da đỏ được thay thế bằng một "Hội đồng Rừng", do một "Chúa Sơn lâm" chủ trì. Mặt khác, sinh hoạt này không áp dụng cho các thiếu sinh nhỏ tuổi, chỉ dành cho trưởng và tráng sinh. 

Đối tượng là một "thú muốn nhập rừng" trên căn bản tự nguyện, được trình diện trước "Chúa Sơn lâm". Các thử thách có hình thức rất nhẹ nhàng, như giữ thăng bằng, đánh lạc hướng... Sau các thử thách, có tính cách là những trò chơi, đối tượng nhận được một "tên Rừng". Tập tục này rất được ưa chuộng, vì có một "tên Rừng" mới thật sự là Hướng đạo sinh, và đó là một kỷ niệm đáng ghi nhớ trong quảng đời Hướng đạo. 

BP có tên Rừng không?  


Vị sáng lập phong trào Hướng đạo đôi khi được nhắc đến với những tên " Kanatankis" ("Người đội nóng rộng vành") hay " Impee a " ("Linh cẩu", nhiều lúc được dịch sai là "Sói không bao giờ ngủ") và nhiều người xem đó là "tên Rừng" của ông. Thật ra, đó chỉ là những biệt danh do các bộ lạc châu Phi tặng ông trong thời gian BP phục vụ quân đội Anh tại châu Phi, không phải là "tên Rừng" theo nghĩa của Hướng đạo. Ông đã có những tên này trước khi phong trào Hướng đạo ra đời. 

Như đã nói, BP không đưa sinh hoạt đặt "tên Rừng" vào trong sinh hoạt Hướng đạo. Trái lại, ông đã có vài nhận định nghiêm khắc về việc này. Chứng cớ là những lời phát biểu sau đây trong một bài báo viết năm 1919, khi trò chơi đặt tên Rừng bắt đầu lan rộng: 

"Tôi nghĩ rằng một đứa trẻ muốn trở thành một người Hướng đạo thật sự, theo lý tưởng mà trưởng của em vạch ra, không cần phái có một tên gì đó. Không cần thiết em phái mang tên Cọp Xanh hay Sói Xanh lá cây, không cần thiết phái mặc áo màu sặc sỡ thay vì áo đồng phục Hướng đạo, và cài mây sợi lông trên đầu... Mang giấc mơ mình là một người Hướng đạo, theo tôi, chứa đựng nhiều lý tưởng và nhiều lâng mạn, nhiều ý nghĩ tích cực về lòng tận tụy, về hạnh phúc, hơn là mơ mình là người da đỏ." (Headquarters Gazette, tháng 11, 1919) . (3) 

(3) Headquarters Gazette là một tạp chí dành cho trưởng Hướng Đạo, xuất bán từ năm 1909 đến năm 1923.  

Tập tục bị cấm tại châu Âu 


Tập tục đặt tên Rừng đã phát triển mạnh tại châu Âu rất sớm, kể từ đầu thập niên 1920, có thể sớm hơn. Các khuynh hướng lệch lạc, lạm dụng cũng đã nhanh chóng xảy ra. Chính BP đã đưa ra lời cảnh cáo ngay từ năm 1919. Tại Pháp, các Trưởng lãnh đạo các Hội cũng lên tiếng chống lại những sinh hoạt này. 

Linh mục Jacques Sevin - tên Rừng là "Cáo Đen" (Renard Noir) - không chỉ trích trực tiếp tập tục đặt tên Rừng mà nhận xét chung về mô hình "da đỏ" trong sinh hoạt Hướng đạo. Cần nói rõ là dùng mô hình này hay mô hình kia là điều bình thường trong phương pháp giáo dục Hướng đạo, đó là yếu tố "khung cảnh biểu tượng". Mô hình da đỏ cũng là một khung cảnh biểu tượng, một cách kích thích trí tưởng tượng của đoàn sinh, khiến cho sinh hoạt Hướng đạo hấp dẫn hơn, linh hoạt hơn. Mô hình da đỏ thịnh hành một thời, đến thập niên 1960 thì bị thay thế bởi mô hình hiệp sĩ thời Trung Cổ (tương đương với mô hình "tráng sĩ trừ gian diệt bạo" trong HĐVN), rồi đến mô hình nhà thám hiểm rừng xanh, người khai phá những vùng đất mới... 

Linh mục Jacques Sevin là người sáng lập Hội Hướng Đạo Công giáo Pháp SDF vào năm 1920. Trong tờ báo Trưởng ("Le Chef") số tháng 6-1922, ông viết như sau: "Tôi nói thẳng thắn rằng người da đỏ không phải là mẫu mực cho người Hướng đạo, về mặt thể chất, cũng như mặt đạo đức, tinh thần. Nhưng có nên chăng loại bỏ trào lưu này, trong khi đoàn sinh của chúng ta rất ham chuộng? Trong tay một trưởng có tài, biết vận dụng một cách khéo léo, mô hình này có công dụng sư phạm của nó." 

Đề cập trực tiếp đến tập tục đặt tên Rừng, nhiều Trưởng Hướng đạo ở cấp trung ương đã thẳng thắn lên án, như Ủy viên ngành Thiếu SDF Michel Menu đã viết trong một bài báo năm 1953: "Mong lắm thay! Đừng làm cho trẻ con quen với những trò quỉ quái của những kẻ rối loạn thần kinh [...]. Trong nghệ thuật phá hoại này, các trò chơi đặt tên "thần linh" còn nhiều hấp dẫn với những kẻ bị ám ảnh bởi những trò lột da dầu của dân da đỏ. Không bao giờ có thể giáo dục trẻ bằng sự sợ hãi. Miệt thị và sỉ nhục lại càng không được." 

Một Ủy viên ngành Thiếu khác, François Labouteux, cũng gay gắt lên án: "Cùng với những ngày đẹp trời, lại đến mùa những nghi lễ đêm khuya của những tín đồ của 'búa trận' , và lại tiếp diễn những trò đặt tên thần linh, bùa phép của những thiếu đoàn xoàng xỉnh và những trưởng Hướng đạo thiếu sáng kiến." (Tập san "Trưởng", 01¬1961). 

Do tình hình lan tràn không kiểm soát của những trò chơi đặt tên thần linh và những hành vi đi quá trớn kèm theo, khiến một số' Trưởng phải có những lời lên án gay gắt ngay từ thập niên 1950, nên đa số các hội Hướng đạo tại Pháp trong thập niên 1960 đã ra lệnh cấm tập tục này trong toàn thể các đơn vị Hướng đạo. 

Đặt tên Rừng ngày nay 


Tuy rằng tập tục đặt tên Rừng xuất phát tại Anh, nhưng lại không gặp thành công mấy, rồi lần lần mất đi tại Anh và các nước nói tiếng Anh. Trái lại, tập tục này rất được ưa chuộng tại Pháp cũng như các nước nói tiếng Pháp (Bỉ, Thụy Sĩ, vùng Québec nói tiếng Pháp ở Canada, các nước châu Phi thuộc Pháp cũ...). Tuy rằng bị cấm trong thập niên 1960, nhưng tập tục tên Rừng vẫn tồn tại trong những hình thức "mềm", và từ đó không còn gây tiếng tăm nữa. Sau đây là tình hình tại số' hội Hướng Đạo các nước. 

Ngày nay, tại Pháp hầu như tất cả các hội Hướng đạo vẫn giữ lệnh cấm nhưng mặc nhiên chấp nhận khi tập tục này chuyển sang một hình thức "mềm" và chỉ dành cho Trưởng và tráng sinh (18-25 tuổi), thay vì các đoàn sinh trẻ tuổi ngành Thiếu. 

Tại Bỉ, tập tục này vẫn còn phổ biến nhưng trở thành một "lễ hội" để một đoàn sinh mới hội nhập vào cộng đồng Hướng đạo. Yếu tố' "bí mật" được hiểu với một nghĩa tích cực (thí dụ giữ bí mật để dành sự bất ngờ trong một lễ sinh nhật). Ở đây, lễ đặt tên Rừng dành cho những đoàn sinh đã gia nhập đoàn được 3, 4 tháng. Sau khi có thời gian nhận xét tính tình và những đức tính của em, Đoàn tổ chức một lễ để tặng cho em một tên mới: "Quà tặng là một cái gì mình trao tặng, không đòi hỏi phải vượt qua một số' thử thách mới xứng đáng nhận lãnh. Đó là một buổi lễ mà tân đoàn sinh là nhân vật chính, Đoàn dành cho em những ngạc nhiên thích thú trong một buổi lễ có những giây phút trang nghiêm, để cho em có một kỷ niệm khó quên về sau". 

Tại Ý, tập tục này rất phổ biến và cũng dành cho đoàn sinh nhỏ tuổi. Buổi lễ được tổ chức như là một "nghi thức nhập cuộc" để đoàn sinh hội nhập với Đoàn. Trong buổi lễ, em được trao một tên gọi là "tên đi săn" (nome di caccia). Các "thử thách" là những trò chơi, như trò chơi Kim, kể chuyện, diễn một vở kịch ngắn... có thể xảy ra trong khung cảnh một cuộc hội họp có hóa trang. Đây là một sinh hoạt "bí mật" của Đoàn, vì chỉ có những đoàn sinh đã qua "nghi thức nhập cuộc" mới được tham dự. 

Tại Đức, Áo, Thụy Sĩ (trong những vùng nói tiếng Đức), tên Rừng được gọi giản dị là "tên Hướng đạo" (Pfadfindername) hay "tên đồng hành" (Fahrtenname). Buổi lễ xảy ra dưới hình thức một "nghi thức nhập cuộc" (Taufritual). Tên Hươ'ng đa.o đươ.c đă.t cho ca'c em ơ’ tuô’i thiếu, trong một kỳ trại, sau khi đã sinh hoạt trong đoàn khoảng một năm. Các thử thách cũng mang tính cách những trò chơi Hướng đạo. - Vượt chướng ngại vật: đoàn sinh phải vượt qua một đoạn đường nhiều chướng ngại, đôi khi bị bịt mắt lại. 

Ví dụ: 

- Con đường đèn cầy: trên một con đường mòn để nhiều đèn cầy cách từng đoạn, đoàn sinh phải đi một mình theo những ánh đèn cầy tới mục tiêu trong một thời gian qui định. 

- Món ăn nhập môn: cuối buổi lễ, đoàn sinh phải ăn một "món ăn nhập môn". Món ăn nầy là một thứ loạn xà ngầu nấu bằng mọi thứ có thể ăn được. Một qui tắc phải tuân theo là người soạn món ăn đó phải ăn thử món đó trước. 

Việc chọn lựa "tên Hướng đạo" hết sức tự do. Có thể chọn tên núi, rừng, sông, biển, hồ, sa mạc, thành phố, cây, cỏ, chim, thú, tên danh nhân, tên trong thần thoại, cổ tích... không cần một tính từ nào kèm theo. 

Tại Hoa Kỳ, Hội Hướng Đạo Hoa Kỳ (BSA) không có thủ tục đặt tên Rừng, nhưng có một hiệp hội hoạt động song hành với BSA có những tập tục có thể đồng hóa với việc đặt tên Rừng. Tổ chức "Order of the Arrow" thành lập năm 1915, thâu nạp hội viên là những thành phần ưu tú của BSA, dưới 21 tuổi, ít nhất có đẳng thứ Hạng Nhất, đã trải qua ít nhất 15 đêm dưới lều, trong đó có ít nhất 5 đêm cắm trại liên tục. Hội viên sinh hoạt trong những "tổ" (lodges) và phải trải qua 3 giai đoạn trong một thời gian ít nhất 2 năm: "Thử thách" (Ordeal), "Huynh đệ" (Brotherhood), và "Canh tuần danh dự" (Vigil Honor). Sau khi qua giai đoạn thứ 3 này, hội viên được trao một "tên Rừng" theo truyền thống các bộ lạc da đỏ. 

Tại Canada, các sinh hoạt liên quan đến việc đặt tên Rừng do một hội đoàn có tên là "Nation Impeesa" tổ chức. Hội được thành lập năm 1989 tại Québec, có mục đích "bảo tồn và phát huy các truyền thống liên quan đến 'vật thần linh', phù hợp với các nguyên tắc, điều luật và giá trị của Phong trào Hướng Đạo". 

Tên Rừng các nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo 


Tập tục đặt tên Rừng thịnh hành nhất ở Pháp. Trong thời gian cho đến thập niên 1960, sinh hoạt này dành cho các thiếu sinh sau khi ở một thời gian 2-3 năm trong Đoàn. Rất đông các nhà lãnh đạo chính trị tại Pháp cũng như Bỉ có sinh hoạt Hướng đạo trong thời niên thiếu, vì vậy rất nhiều người có tên Rừng, mặc dầu không có ai là trưởng Hướng đạo. 

Có thể kể: 

- Jacques Chirac (Bò Rừng Tự Kỷ, "Bison Égocentrique"), cựu tổng thống (từ 1995 đến 2007). 

- Michel Rocard (Chuột Đồng Uyên Bác, "Hamster Érudit"), và Lionel Jospin (Lưỡi Nhanh Nhẹn, "Langue Agile"), cả hai là cựu thủ tướng.  


Thủ tướng Michel Rocard. Hí họa trên báo Pháp 

- Simone Veil (Thỏ Rừng Xộn Rộn, "Lièvre Agitée"), cựu tổng trưởng Tư Pháp, cựu nữ Chủ tịch Quốc Hội Âu châu, nay là viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp. 

- François Léotard (Ngựa Vằn Lý Tưởng, "Zèbre Idéaliste"), cựu tổng trưởng Quốc Phòng. 

- Michel Giraud (Heo Rừng Thiện Cảm, "Marcassin sympathique"), cựu tổng trưởng Lao Động. 

- Bernard Stasi (Trâu Rừng Dễ Giận, "Auroch Susceptible"), cựu tổng trưởng Lãnh thổ Hải ngoại. 

- Robert Vivien (Rắn Mối Lười, "Lézard Paresseux"), cựu dân biểu và bộ trưởng... 

Ở Bỉ, trước hết phải kể Quốc vương Bỉ Baudouin Đệ nhất (1930-1993). Nhà vua đã nhập Bầy Sói con năm 1937 lúc 7 tuổi, lên ngành Thiếu năm 1942 cho đến năm 1944 thì sinh hoạt Hướng đạo gián đoạn vì Hoàng gia Bỉ bị đày sang Đức rồi Áo, trước khi được quân đội Đồng Minh giải thoát năm 1945. Nhà vua đã nhận tên Rừng Nai Trung Thực, "Élan Loyal", trong thời gian sinh hoạt với Thiếu đoàn. 

Quốc vương Bỉ trong thời gian ở Thiếu đoàn  

Trong số dân biểu, tổng bộ trưởng của Vương quốc Bỉ, có rất nhiều nhân vật đã mang tên Rừng. Có thể kể: Georges Clerfayt (Gà Gan Dạ, "Coq Hardi"), Gérard Deprez (Nai Sừng Tấm Tim Sư Tử, "Élan Cœur de lion"), François-Xavier De Donnea (Chim Ngói Bác Học, "Tourterelle Savante"), Josy Dubié (Mèo Rừng Khiêm Tốn, "Mangouste Modeste"), Arthur Gilson (Bọ Chét Hay Cười, "Puce Rieuse"), Didier Gosuin (Đại Bàng Con Chuyên Cần, "Aiglon Assidu"), Jean-Pierre Grafé (Sẻ Khướu Giúp ích, "Pinson Serviable"), Raymond Langhendries (Chim Ác Là Tháo Vát, "Pie Débrouillarde"), Guy Lutgen (Beo Trung Hậu, "Jaguar Loyal"), Charles Michel (Ngựa Non Kiên Trì, ("Poulain tenace"), Charles-Ferdinand Nothomb (Quạ thông mưu lược, "Geai astucieux"), Richard Miller (Hải Ly Cười, "Castor Tout- Sourire"), Charles Picqué (Chồn Lễ Độ, "Belette Courtoise") v.v. 

Ở Canada, tỉnh Québec là vùng nói tiếng Pháp, có thể kể tên Rừng của một số nhân vật chính trị như: Jacques Parizeau, cựu thủ tướng (1994-1996), có tên Chồn Lay Động "Belette Vibrante", Pauline Marois, cựu nữ thủ tướng (2012-2014), là Gấu con vui tính,"Ourson  


Thầy Thích Đức Tâm với Hướng đạo tại Huế 

Bel Humeur", Jérôme Choquette, cựu tổng trưởng, tên là Nai Chửa Lửa, "Wapiti Pompier"... 

Trong số các hội Hướng Đạo Pháp, Hội Hướng Đạo Công giáo Pháp (SDF) là hội đông đoàn sinh và trưởng nhất. Không lạ gì khi trong hội có nhiều vị linh mục giữ các nhiệm vụ tuyên uý, tổng tuyên úy, có nhiều vị ra giữ những trách nhiệm cao cấp trong giáo hội. Trong số những linh mục được xem là sáng lập Hội Hướng Đạo Công giáo và những Trưởng kỳ cựu khác, có thể kể LM Jacques Sevin (Cáo Đen, "Renard Noir"), Antoine-Louis Cornette (Sói Già, "Vieux Loup"), Andréis de Bonson (Hắc Xà Tim Sư Tử, "Serpent Noir Cœur de Lion"). 

Một vị tu sĩ là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, rất được dân chúng Pháp mến chuộng là Henri Groues, thường được biết dưới tên Abbé Pierre, có tên Rừng là Hải Ly Tư Lự ("Castor Méditatif"). 

Trong số những vị giữ những trách nhiệm cao cấp trong giáo hội: Tổng Giám mục Pierre Ramondot có tên Baloo Những Đêm Trăng Bạc ("Baloo des Nuits Argentées"), Hồng Y Paul Richaud (1887-1968), Tổng Giám mục giáo phận Bordeaux, cựu tuyên úy Hướng đạo: Sói Hung Dữ ("Loup Féroce"), một tỉnh từ khá bất ngờ đối với một vị tu sĩ. 

Trong hàng ngũ HĐVN, vị tu sĩ công giáo có chức vụ cao nhất là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (1928-2002), có tên Rừng là Phượng Hoàng Từ Ái. Ông đã giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tại toà thánh Vatican từ năm 1998 đến 2002, cũng là người Á châu duy nhất giữ trọng trách này bên cạnh Giáo hoàng. 

Về phía Phật giáo, có thể kể Hoà thượng Thích Đức Tâm (1928-1988), có tên Rừng là Báo Gốm Đạo Hạnh. Ông là một nhà hoạt động văn hóa, người sáng lập Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán tại Huế, rất gắn bó với phong trào HĐVN tại Thừa Thiên trong những năm 1950-1980. 

Những tên Rừng ngoại lệ 


Phần lớn các tên Rừng gồm có tên một con thú (người được đặt tên có vóc dáng làm liên tưởng đến con thú), kèm theo một tỉnh từ diễn tả đức tính nổi bật nhất của đương sự. Tỉnh từ thường là tốt, vì Hướng đạo chú trọng phát huy những điểm tích cực (cần mẫn, siêng năng, lịch thiệp, gan dạ...). Có thể có tỉnh từ nói lên một tính xấu (lười, bướng bỉnh, hung dữ.), nhưng rất hiếm. Nhiều khi, có một tính xấu nổi bật, lại được đặt một tỉnh từ có nghĩa ngược lại để người được đặt tên Rừng cố' gắng sửa đổi nhược điểm của mình (thí dụ: chậm chạp đổi thành nhanh nhẹn). 

Cũng có thể có trưòng hợp tỉnh từ chỉ một trạng thái nào đó, không tốt mà cũng không xâu. Ví dụ: Sóc Già, Báo Đen... 

Theo nguyên tắc trên, thì những tên Rừng như sau gặp rất nhiều: Trâu Cần Man, Bồ Câu Khiêm Tốn, Báo Nhã Nhặn... Hội đồng Rừng không cần phải động não nhiều để tìm ra những tên như vậy. 

Có những trường hợp ngoại lệ, và những trường hợp này rất hiếm. Thay vì tỉnh từ chỉ một đức tính, là một danh từ hay là một cụm từ chỉ một nơi chốn nào đó. Thí dụ, tên Rừng của Tr. Trần Văn Tuyên: Ngỗng Trắng Ngoài Trời. Tr. Nguyễn Thúc Tuân cũng có tên Rừng theo mẫu này: Sơn Ca Ngoài Trời. Cùng loại này là những tên Rừng như: Gà Nòi Xứ Bắc, Mèo Hoang Ba Xuyên, Sấu Tiền Giang... 

Đôi khi, thay vì một tỉnh từ, tên Rừng lại kèm theo hai tỉnh từ. Có thể thấy vài trường hợp, nhưng rất hiếm, trong số các tên Rừng Pháp, nhưng chưa gặp ở Việt Nam: Chim Cổ Vàng Ngạo Nghễ và Quyết Tâm ("Caffra Arrogant et Décidé", tên Rừng của ca sĩ Jean-Jacques Goldman), 

Linh Miêu Cương Quyết và Chế Giễu ("Lynx Énergique et Moqueur", tên Rừng của Pierre Joxe, cựu tổng trưởng Nội Vụ), Mèo Rừng Mỉa Mai và Khôn Lanh ("Ocelot ironique et futé", Frédéric Saint-Geours, một nhà kỷ nghệ Pháp)... 

Cũng kể là trường hợp ngoại lệ khi Hội đồng Rừng có sáng kiến tìm những tên Rừng độc đáo, đặc biệt là bằng cách chơi chữ như: Đà Điểu Điều Độ (tên Rừng của Giáo sư Y khoa Phạm Biểu Tâm), Cỏ Còm Cỏi, Cừu Cứng Cỏi, Diệt Dịu Dàng, Cóc Cộc Cằn, Mèo Mun Mủm Mĩm, Chiền Chiện Chăm Chỉ, Gấu Gần Gũi, Sếu Sắc Sào, Se Sẻ Sốt Sáng... (5) Cũng có thể xem là một hình thức chơi chữ khi Hội đồng Rừng đặt cho Huyền Tôn Nữ Hiếu Hạnh ở Huế tên Rừng là Vành Khuyên Hiếu Hạnh

Những tên Rừng lãng mạn 


Có những tên Rừng thật đặc biệt, đi ra ngoài lề lối thông thường và mang một nét thơ mộng, lãng mạn ít thây. Một thí dụ nổi bật là tên Rừng của Tr. Võ Thành Minh: Hồng Sơn Dã Mã, dịch nghĩa là "Ngựa hoang ngọn núi Hồng", một tên làm liên tưởng đến những đồng cỏ xanh bát ngát đến tận chân trời, dẫn đến chân một ngọn núi huyền thoại. Tr. Võ Thành Minh được báo chí tại miền Nam lúc đó gọi là "người thổi sáo bên hồ Léman", vì ông đã cắm lều, thổi sáo để phản đối việc chia cắt đât nước đang bàn thảo tại Genève năm 1954. Điều trớ trêu là bên trong, quanh bàn hội nghị là hai trưởng Hướng đạo khác: Chồn sa mạc Tạ Quang Bửu, và Ngỗng Trắng Ngoài Trời Trần Văn Tuyên, hai nhân vật cao cấp trong hai phái đoàn đối nghịch. 

Sau đây là vài thí dụ khác về những tên Rừng lãng mạn: Tổng Giám mục Pierre Ramondot có tên là Baloo Những Đêm Trăng Bạc ("Baloo des Nuits Argentées"). 


Trại trưởng Trại huấn luyện quốc gia của Hướng Đạo Thế tục Pháp Émile Guillien có tên là Nai Nhanh Nhẹn Vùng Kim Thủy ("Cerf Agile des Eaux Dorées"). 

Tráng sinh Hướng Đạo Công giáo Pháp Guy de Larigaudie có tên Báo Dưới Ánh Trăng ("Panthère au Clair de Lune"). Guy de Larigaudie (1908-1940) là tráng sinh, vừa là nhà văn và nhà thám hiểm. Cùng với Roger Drapier, một người bạn tráng sinh khác, anh là người đầu tiên nối liền Paris và Sài Gòn bằng xe hơi. Chiếc xe Ford cũ 19 mã lực của hai tráng sinh khởi hành vào tháng 8, 1937 từ Vogelenzang, Hoà Lan, là nơi đang xảy ra Trại họp bạn toàn thế giới lần thứ 5. Hai người vượt 15000 cây số, qua Paris, Vienne, Istanbul, Jérusalem, Bagdad, Calcuta, Rangoon... rồi Hà Nội và đến Sài Gòn vào tháng 3, 1938. Cuộc hành trình 7 tháng lúc đó hết sức gian nan. Phải phá đường, lội suối, dùng ván sửa chữa những cây cầu ọp ẹp, kết bè kéo xe sang sông. Anh có viết trong sách của anh: "Tôi sẽ tìm thây một con đường, nếu không, tôi sẽ làm lây một con đường". 

Khi về đến đích, Roger Drapier được hãng xe Ford ở Sài Gòn thâu nhận làm nhân viên. 

Chỉ hai năm sau, Guy de Larigaudie hy sinh tại chiến trường ở biên giới Luxembourg vào tháng 5, 1940. 

Nói về tính lãng mạn của tên Rừng, có thể nói chưa có tên Rừng nào vượt được tên của một ủy viên ngành Thiếu Hội Hướng Đạo Thế tục Pháp EDF vào cuối thập niên 1950. Ông có tên là Hồng Hạc Những Đồi Cát Xám ("Flamant des Dunes Grises"). 

Có lẽ Hội đồng Rừng cần có nhiều cảm hứng, vận dụng thêm óc sáng tạo để Rừng Việt Nam có thêm nhiều tên Rừng đi ra ngoài lề lối thông thường. 

Vài lời tạm kết 


Tập tục đặt tên Rừng đã phát xuất từ những năm 1920, trải qua nhiều biến đổi. Đến nay, hình thức đã thay đổi rất nhiều so với thời gian ban đầu. Mô hình "da đỏ" trở thành lỗi thời và không còn thích hợp.  

Những hành động mạnh tay không còn nữa. Nhiều nơi, như tại Pháp, tập tục này chỉ dành riêng cho trưởng và tráng sinh đã trưởng thành; nhiều nơi khác còn dành cho thiếu sinh nhỏ tuổi như một trò chơi nhập cuộc nhẹ nhàng và vui nhộn. 

Hướng Đạo Việt Nam đã du nhập tập tục này từ Pháp và chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp, nhưng ngay từ lúc đầu, HĐVN đã chọn dành nghi thức này cho tráng sinh và trưởng, từ chối mô hình "da đỏ" và từ chối hình thức "cứng". Ngày nay, có thể nói là Hướng Đạo Pháp cũng đi theo một con đường mà HĐVN đã chọn từ 70 năm trước. 

Một đêm trong một cuộc cắm trại 10 ngày nhân dịp lễ Phục sinh năm 1957, trong một thung lũng gần thị trấn Kala, vùng Cao Nguyên Di Linh, kẻ viết bài này đã chứng kiến, và là "nạn nhân", của một vụ đặt tên Rừng cuối cùng theo hình thức "cứng". Lúc đó còn có những tráng sinh và trưởng người Pháp trong những đơn vị Hướng Đạo Pháp tại Việt Nam. Sau cuộc chơi, người viết nhận được tên "Héron Tranquille", chuyển sát nghĩa sang Việt ngữ là cỏ Trầm Lặng. Tác giả còn cảm thấy mừng vì vượt qua cuộc thử thách mà không quá nhiều "tổn thất"; trước đó, những lời rỉ tai, đồn đãi được nghe "rùng rợn" hơn nhiều. Sau đó người viết đã tham dự, và chủ trì, nhiều cuộc đặt tên Rừng khác, với Hướng Đạo Pháp rồi với các đơn vị Hướng Đạo Việt Nam, tất cả đều dưới hình thức "mềm". Do đó, bài này được viết phần lớn dựa trên những kinh nghiệm bản thân. 

Tác giả xin được cảm ơn những lời góp ý, cung cấp thông tin của các Trưởng Tô Văn Phước (Gà Lôi), Nguyễn Ngọc Anh (Cú Mèo Nhiệt Tâm) ở Đức, Nguyễn Trí Tuệ (Kim Ngưu Năng Động), Trần Xuân Đức (Gấu Chăm Chỉ), Nguyễn Đình Tùng (Sư Tử Từ Bi) ở Hoa Kỳ, Phạm Văn Nhơn (Sáo Dễ Thương) ở Việt Nam. 

Phần còn lại là những thông tin sưu tầm trên mạng. Google là một nguồn tài liệu vô tận. 

Tháng 11. 2016
(1) Thư viện New York (New York Public Library) có lưu trử ấn bân thứ 7, xuất bân năm 1907, của quyển sách này.
(2) Từ "da đỏ" (Redskin) để chỉ những thổ dân ở Bắc Mỹ rất thông dụng tại những nước nói tiếng Anh trong các thế kỷ 18-19 (Pháp dịch là Peau Rouge). Tại Hoa Kỳ, từ"Indians" được dùng nhiều hơn. Về sau,"Redskin" được xem là có hàm ý xấu và có tính cách kỳ thị, và được thay bằng "Native American". 
(5) Những tên Rừng này trích trong tập sưu tầm của Tr. Phạm Vân Nhơn "Chuyện kỳ thú về 4.875 dân rừng Bách Hợp".  
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GVMD từ 18-25

  NHẤP VÀO HÌNH ĐỂ ĐẾN GVMD SỐ......