Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

“TIỆM TIẾN”

 

Hôm lên thăm linh mục Anton Nguyễn Thanh Vũ, Phó tuyên uý HĐS Công giáo Giáo phận Đà Nẵng, đang quản nhiệm giáo họ biệt lập Tam Lãnh (Kỳ Sơn), thuộc giáo hạt Tam Kỳ, tôi được cha dẫn ra phía sau nhà xứ của cha, và hái cho quả đu đủ chín cây, ươm vàng, căng tròn, bóng láng. Đây là quả đu đủ chín trên cây, tức là “chín đúng qui trình”, chín từ từ ngày này qua ngày khác, chứ không phải chín do thúc ép, hay do rấm, dú, nên rất ngon: hương vị thơm phức, ngọt lịm và rất chất lượng nữa. (thông thường đu đủ hay chuối được rấm chín bằng cách cho đu đủ hay chuối vào trong một cái lu, chum hay khạp, chính giữa lu, chum hay khạp thắp vài cây hương cho nóng, rồi đậy lu, chum hay khạp kín lại, vài ngày sau là trái cây chín ngay, và dĩ nhiên không chất lượng bằng trái chín cây).



    Từ hình ảnh quả “đu đủ chín cây” này, tôi lại liên tưởng đến phương pháp giáo dục “tiệm tiến” của Baden Powell. Đây quả là một phương pháp rất tuyệt vời, để ươm trồng các em thành những con người chín chắn (chín cây), có nhân cách, có năng lực và có trí tuệ… một cách thực chất nhất.

    Từ lãnh vực sinh hoạt đến lãnh vực huấn luyện, BP đều áp dụng phương pháp “liên tục và tiệm tiến” này.

    Vậy tiệm tiến là gì?

    Theo định nghĩa thông thường thì tiệm: là dần dần; tiến: là bước tới. Tiệm tiến là tiến dần lên, là tiến triển dần dần, từ thấp lên cao, từ dễ đến khó. Không nóng vội, không mặc áo quá đầu, không dồn nén, không thúc ép, không đốt cháy giai đoạn…

    BP nhắc nhở các Trưởng, khi cầm đoàn (sinh hoạt) và khi giáo dục (huấn luyện) thì phải biết rõ nội dung sinh hoạt và huấn luyện của từng giai đoạn, của từng lứa tuổi tâm sinh lý, để không vượt quá nội dung đã được qui định cho từng ngành, và từng cấp độ (huấn luyện). BP đã chia lứa tuổi thanh thiếu niên ra làm 4 giai đoạn: Ấu – Thiếu – Kha – Tráng. Mỗi giai đoạn có một chương trình sinh hoạt giáo dục riêng, phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Kỵ nhất là Trưởng muốn đoàn sinh của mình giỏi, cừ, nên huấn luyện trước cho các em chương trình của ngành trên, đến khi các em đó được chuyển lên ngành trên, thì cảm thấy chán nản, không còn thích thú vì chương trình này mình đã biết cả rồi. Do đó HĐ đã có một chương trình tiệm tiến từ Ấu lên Tráng:

    Ấu có chương trình: Sói Giò non – Sói 1 sao – Sói 2 sao, rồi lên Thiếu.

    Thiếu có chương trình: HĐ tân sinh – HĐ hạng nhì – HĐ hạng nhất – HĐ Việt Nam, rồi lên Kha.

    Kha có chương trình: Dự Kha – Tân Kha – Thuần Kha – Kha tiền phong – Kha nghĩa sĩ, rồi lên Tráng.

    Tráng có chương trình: Dự Tráng - Tân Tráng – Tráng sinh lên đường.

    Như vậy, chương trình giáo dục sinh hoạt của HĐ là một chương trình liên tục và tiệm tiến, chúng ta không thể đốt cháy giai đoạn, để duy trì sự liền mạch và thích thú khám phá cho các em mỗi khi được chuyển lên ngành trên.

    Cũng như trong chương trình trại huấn luyện, các cấp cũng được tiến hành một cách tiệm tiến, không nóng vội. Khoá Căn bản chỉ cần một Trainer (T) làm Khoá trưởng. Dĩ nhiên HLV cũng do các Trainer đảm trách là đủ rồi, và đó cũng chính là đất sống của các Trainer, đâu cần nhiều LT và ALT. Đến khi lên Dự bị thì cần một ALT làm Khoá trưởng. Khi lên HHR mới cần một LT làm Khoá trưởng. Có tiệm tiến như vậy mới tạo được chất lượng, sự thích thú và sự mới mẻ cho khoá sinh. Đừng làm cho khoá sinh nhàm chán vì đã “gặp rồi”, “biết cả rồi”.

                                                                  Phạm Cảnh Đáng. RS

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26