Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

CHUYỆN VỀ TẤM BIA ĐÁ CỦA HƯỚNG ĐẠO ĐÔNG DƯƠNG TRI ÂN HOÀNG ĐẾ BẢO ĐẠI

 Nam Trân

    Năm1935, Hướng Đạo Pháp cử trưởng DCC Raymmond Schlemmer sang Đông Dương lo việc huấn luyện huynh trưởng. Raymmond Schlemmer vốn là Thủy Sư Đô Đốc hồi hưu, là trưởng huấn luyện cao cấp của Hướng Đạo Pháp.

Ảnh Nguyễn Trọng Lâm cung cấp

    Sau khi chu du 5 xứ: Cao miên, Ai lao, Bắc kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ. Ông đến yết kiến Hoàng Đế Bảo Đại đang ngự trên sông Hương bằng Du thuyền của Hoàng gia mang tên Nam Phương Hoàng Hậu. Ông trổ tài điều khiển Du thuyền ngược dòng Hương giang lên vùng Bảng Lảng, Nam Hòa để nhà vua thăm lăng Gia Long, cùng đi có Miên Hoàng xong thả thuyền xuôi dòng Hương giang thăm điện Hòn Chén rồi về cập bến Phú Vân Lâu. Du thuyền lướt sóng nhẹ nhàng ra vào nhịp nhàng, nhà vua đẹp ý ban ngự tửu. Nhân lúc Hoàng Đế vui vẻ, Raymmond Schlemmer tâu xin khu đất ở Bạch Mã Sơn để làm trại huấn luyện Huynh Trưởng cho 5 xứ Đông Dương, nhà vua chuẩn tấu ban cấp cho một khu đất bao la ở Bạch Mã Sơn, cách Kinh Thành Huế 42 km về phía Nam, nơi đây khí hậu mát mẻ quanh năm, có dinh Hoàng Đế, Hoàng thân quốc thích, các quan Thượng Thư, Tham Tri, Thị Lang, và các danh gia vọng tộc đều có biệt thự chốn này (gia đình các trưởng Nguyễn Phước Ái Huy, Tôn Thất Lôi, Tôn Thất Hoàng cũng nhà nghỉ mát ở đây). Ban đất xong nhà Vua còn cho 3.000 đồng, Miên Hoàng ban tặng 2.000đ làm quĩ xây cất.

    Có đất rồi, trưởng Raymmond Schlemmer bắt tay vào việc xây cất trại trường mô phỏng theo Trại trường Gilwell ở Anh Quốc và Trại trường Shamarnde ở Pháp.

Năm 1937 thì có khóa Trại đầu tiên, khóa sinh trẻ tuổi nhất là Trưởng Lê Văn Ngoạn (Tr. Ngoạn là Trưởng Ngành Ấu, lên Bạch Mã để dưỡng bệnh và được Cha Gagné (Dòng Chúa cứu thế) xin dự trại với tính cách dự thính. DCC Raymomel Schlemmer làm trại trưởng. Trưởng Niédrist (Dê Sa mạc) làm khóa trưởng, Hồng Sơn Dã Mã làm Quản lý. Anh Nguyễn Nghê gác dan kiêm thủ cụ. Ngày khai mạc có Thượng thư Bộ Lễ thay mặt Hoàng Thượng đến dự lễ. Trong lễ khai khóa này có lễ dựng bia tri ân nhà Vua. Bia bằng đá Cẩm thạch cao 45cm x rộng 70cm x dày 6 cm (cả 2 mặt đều có khắc chữ). Mặt 1 khắc chữ đứng, mặt 2 khắc chữ nghiêng với câu tiếng Pháp như sau: 

"À sa majesté L'Empéreur d' Annam don't la générosité nous a permis d'édifier ce château et ses despendances au milieu de cette forêt et prés de cette source vive, l'hommage de notre reconnaissance et de notre respectueux dévouement.

    Les Scouts d'Indochine.

Tạm dịch:

    "Chúng tôi thành kính cám ơn và biết ơn Ngài Hoàng Đế Annam đáng kính đã cho phép chúng tôi xây dựng tòa biệt thự của chúng tôi giữa rừng bên cạnh dòng suối trong lành này.

    Hội Hướng Đạo Đông Dương

    Năm 1945 chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, trại trường đóng cửa, anh gác-dan trại Nguyễn Nghê đem chôn tấm bia vì sợ liên lụy. Ông bám trụ và năm 1953 ông về Huế tìm thăm các trưởng, báo cáo tình hình khu đất trại.

    Theo hồi ký của Trưởng Tôn Thất Đông thì anh em có góp được 23 đồng cho anh Nghê.

    Năm 1955, sau hiệp định Généve Bạch Mã tấp nập khách du lịch, và anh em đã lên xây dựng lại trại trường khang trang. Tấm bia đá tri ân nhà Vua lại được dựng lên ở đồi Ma-ra-pu. Bộ quốc gia giáo dục mượn khu đất trại này để huấn luyện cho các giáo sư trung học toàn quốc về dự huấn khóa (học đường mới). Trưởng Nguyễn Văn Hai (cựu Thiếu Trưởng Lê Lai) giám đốc nha học chánh Trung Phần làm Trại trưởng, Trưởng Tôn Thất Đông làm phụ tá và các trưởng sau đây làm huấn luyện viên: Lê Mộng Ngọ, Đoàn Mộng Ngô, Trần Điền, Lê Văn Ngoạn, chị Nguyễn Thị Xuân Lan, Quỳnh Hoa, Nhạc sĩ Ngô Ganh, Văn Giảng, Tôn Thất Lôi (Trưởng Lôi được cắt cử lên Đà Lạt đem về 200 cây Anh Đào để trồng ở đất trại, không biết bây giờ còn được bao nhiêu cây). Khi chiến tranh bùng nổ ác liệt thì Bạch Mã trở thành chiến địa. Một chiến địa hải hùng mà buổi sáng Đại đội Địa phương quân chiếm đóng, buổi chiều du kích đã tiến chiếm. Bao nhiêu bom đạn đã trút xuống Bạch Mã, bao nhiêu phi pháo, hải pháo cày nát, tất cả dinh thự đã bị sang bằng, Minh Nghĩa Đường chỉ còn mấy trụ đá, kỳ diệu thay tấm bia tri ân Hoàng đế không hề sức mẻ, và bây giờ được trưng bày trong nhà lưu niệm của khu du lịch sinh thái Bạch Mã, một kỷ vật quý hiếm đã nói lên thời kỳ hào hùng của HĐVN.

    Ghi chú: Sau này DCC Cung Giũ Nguyên nhiều lần đến thăm trại trường, nơi mà cụ từng làm trại trưởng thay thế DCC Tạ Quang Bửu (1944). Khi về cụ có viết bài đăng trên diễn đàn Tráng sinh cho rằng Tấm Bia là già vì có mấy chữ viết sai. Tôi đem bài báo cho Trưởng Thu Lương xem, ông cười bào cái tánh ông Nguyên vẫn như vây, cao ngạo và khoe mình giỏi tiếng Pháp chứ ai điên đâu mà khệ nệ mang một tấm bia đá lên núi Bạch Mã để thay thế tấm bia cũ. Để làm gì? Họa là điên. Vì ông là một trong "Tứ đại thiên vương" Pháp ngữ. Nghĩa là 4 người Việt Nam giỏi tiếng Pháp thời bây giờ, đó là nhất Khiêm, nhì Lãng, tam Khánh, tứ Cung. Phạm Duy Khiêm là anh ruột của nhạc sĩ Phạm Duy, thạc sĩ Văn chương Pháp, chuyên về văn phạm (gọi vui là Trạng mẹo). Người thứ hai là nhà văn Nguyễn Tiến Lãng, ngự tiền văn phòng của vua Bào Đại. Người thứ ba là thầy Ngô Đốc Khánh, giáo sư Pháp văn trường Quốc học (Huế) (Cụ Khánh có người con gái gầy gầy với vẻ đẹp liêu trai đã là nguồn càm hứng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn cụ Vịt Bể nhà mình thì viết tiếng Pháp, Tây trí thức còn phài thán phục. Tác phẩm "Đứa con thừa tự của ông Nam Hài" nhiều nước trên thế giới xuất bàn và dựng thành phim. Trưởng Thu Lương tiếp:

    - Bia đá này do trưởng Niédrist, kỹ sư Giám đốc nhà máy Điện - Huế viết thì sai thế nào được.

    Anh chị em ơi, Hướng Đạo chúng mình hiện giờ ảm đạm quá vây có dịp lên Bạch Mã anh chị nên ghé thăm tấm bia đá này để tự an ủi rằng Hướng Đạo Nước ta cũng đã có một thời vàng son. 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26