Nguyễn Thị Thu Hằng,
CẢM NGHĨ SAU KHÓA HL HHR NGÀNH ẤU 2019
Trong các khóa huấn luyện, các huynh trưởng thường yêu cầu: Viết cảm nghĩ sau khóa.
Lần này với cảm xúc bộn bề ngổn ngang, mình chọn viết đề tài mình biết rõ nhất, ấy là cá nhân trong tập thể, viết về chính bản thân mình và những người ngay bên cạnh.
---oOo—
Lần trước, năm 2017, mình đã tham gia khóa HHR ngành Ấu giai đoạn II, chân ướt chân ráo vào ngang khóa khi mọi người đã quen nhau cả. Mấy em gái trẻ trong đàn nhìn mình mới đến rồi bực bội nói to: "Tại sao đàn mình các trưởng cứ xếp ông già bà cả vào, sao không cho sang đàn khác đi!". Một anh trong đàn nhỏ nhẹ như thanh minh: "Đàn mình ít người hơn, các đàn khác đàn nào cũng gánh người lớn tuổi rồi".
Các bạn có hình dung mình nghĩ sao khi nghe vậy không? Hồi ấy mình chưa đủ bản lĩnh như bây giờ nên tan nát ghê lắm. Mình cố gắng học và làm việc chung với cả đàn, nhưng không sao có cảm giác hòa nhập được. Mỗi khi có trò chơi vận động hay khó, mình đều từ chối tham gia vì... lớn tuổi. Ngay cả vẽ bích báo cũng không tới lượt mình can thiệp vào. Các bạn ấy có ý tưởng rồi, bảo mình làm gì thì mình được làm vậy thôi.
Cả khóa huấn luyện trôi qua nặng nề, và buồn bã. Tuy nhiên, mình hiểu rằng việc mình đi học là để cầm bầy ở nhà... Trách nhiệm đã mang phải ráng gánh vác. Mình nói với khóa trưởng trong lúc chia tay: "Em mong muốn trở thành một Akela Leader như trưởng". Đó là một huynh trưởng huấn luyện mình kính trọng và cố gắng noi theo.
Bước sang khóa huấn luyện Dự bị ngành Thiếu năm 2018, mình vượt lên những thành kiến mà mọi người kì thị, xung phong làm đội trưởng và đã góp phần đem về tới 3/4 cờ danh dự cho đội GẤU. Không phải mình tham thành tích, mà mình muốn vượt qua được mặc cảm là một học viên lớn tuổi, mặc cảm là "gánh nặng" mà cả đội phải "cáng đáng". Và mình đã vượt qua chính bản thân trong khóa huấn luyện ấy.
Năm nay, khi quay trở lại học tiếp khóa HL HHR Ấu giai đoạn I, mình cảm giác giống như một Sói già thân thể đầy sẹo. Rút kinh nghiệm, lần này mình trang bị khiên mộc kĩ càng. vẫn y như thế, các em trẻ vẫn khó có thể thoát khỏi suy nghĩ cho rằng "trưởng lớn tuổi là một rào cản cho sự thi đua". Nhưng mình không đơn độc, những biểu hiện coi thường các khóa sinh lớn tuổi đã được cả đàn chấn chỉnh ngay lập tức không cần mình phải lên tiếng. Mình nghe thấy anh đàn trưởng đàn trắng nói với mọi người: "Người ta phải thế nào mới là Liên đoàn trưởng và trụ lại trong phong trào chứ". Quả là một đàn trưởng cẩn trọng. Cũng từ đó, mình bắt đầu chú ý quan sát các khóa sinh lớn tuổi, muốn tìm ra ở họ biểu hiện bản lĩnh của một Sói Già và có ý sẵn sàng che chắn họ khỏi sự tổn thương như mình đã chịu.
Tâm sự điều lo âu của mình với một bạn trong đàn. Bạn ấy bảo: "Chị yên tâm, các chị ấy bản lĩnh lắm, đừng đùa. Cỡ "Sói sơ sinh" như vậy các chị ấy đốt lông mấy hồi". Nghe vậy mình cũng cảm thấy yên lòng bởi sẽ vắng mặt trong đợt sau.
Ở các khóa sinh lớn tuổi, thay vì nhảy múa nhiệt tình, chạy chân thoăn thoắt, phản ứng nhanh nhẹn như các em trẻ, họ tỏ ra khá điềm tĩnh, khiêm nhường, luôn đưa ra cách đối nhân xử thế chuẩn mực. Trong khóa học, những khóa sinh lớn tuổi lặng lẽ lùi sát tường, tìm chỗ tựa cái lưng mỏi. Khi tất cả khoanh chân xếp bằng ngồi học thì các chị co chân phải, duỗi chân trái vỗ vỗ, bóp bóp cho đỡ tê. Mình cũng vậy, mình tìm một chỗ để tựa lưng, quên cái chân đau ráng chạy theo các em đàn trưởng tháo vát trẻ trung, gắng hết sức có thể. Đêm đến, mình cũng chống mí mắt lên vẽ báo tường khi buồn ngủ rũ rượi... Nhưng khác lần trước, mình không còn cảm thấy tự ti kém cỏi vì "già cả" nữa.
Nhìn ra xung quanh, trong phong trào Hướng đạo, mình nhận thấy các huynh trưởng lớn tuổi đa phần là những người đã có quá trình sinh hoạt, quá trình ấy phải rất ít tì vết đủ để cha mẹ đoàn sinh tin tưởng và gửi gắm con em. Họ như phần đáy của một cái hình tháp mà phần đỉnh tháp dựa vào đó mà xây mãi lên. Phần đáy càng bền vững bao nhiêu, ngọn tháp càng cao bấy nhiêu.
Không phải tự dưng mà bầy trưởng trong Truyện Rừng xanh lại là một Sói Già Akela chứ không phải "anh Xám", hay "chị Xám". Ta già ta có cái kinh nghiệm lão luyện của già, có cái kho mồi giàu kinh nghiệm để sẵn sàng chia sẻ với Bầy. Các trưởng trẻ hãy vươn lên đi, chúng tôi ở đây sẽ hỗ trợ hết mình. Những biểu hiện hiếu thắng, ngông nghênh của các bạn cũng là bình thường thôi, tôi chẳng lấy làm buồn hay đánh giá các bạn xấu đâu. Hãy tiến lên đi! Chúng tôi đang đứng sau các bạn.
Trong một Đàn ở khóa huấn luyện ngành Ấu cũng như Bầy, Đàn ở nhà, các "Sói Con" là những cá thể khác nhau, xuất phát điểm khác nhau. Khóa sinh cũng đến từ nhiều nơi khác nhau, lứa tuổi, sức khỏe, kinh nghiệm kiến thức khác nhau. Mong rằng tất cả mọi người hiểu điều đó để thông cảm với các anh chị lớn tuổi, bao dung với các em trẻ tuổi hơn nữa nhằm duy trì một không khí tích cực trong khóa huấn luyện.
Ở đơn vị, hiểu rõ từng em đoàn sinh là một nhiệm vụ khó khăn và cũng là mơ ước của các Sói Già. Chúng ta cần tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng em mà giúp em phát huy hay khắc phục. Không bao giờ tự đặt ra một vạch xuất phát và bắt các em đứng chung trước vạch đó. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ luôn luôn không hài lòng và cảm thấy thất bại.
Mình biết các khóa sinh trẻ đôi khi quên mất mình là một huynh trưởng, say sưa với các trò chơi thi đua trong khóa mà xao nhãng việc học tập. Mình cũng từng như thế. Chơi giỏi là một chuyện, cầm đoàn giỏi là chuyện khác. Các em phụ tá ngành Ấu của LĐ Thăng Long khi đi dự khóa huấn luyện, mình luôn nhắc đi nhắc lại: "Các em đến khóa, học cách các tổ chức hoạt động cho Sói con, hãy quan sát kỹ, đừng mãi hóa thân thành Sói Con, vui chơi hết mình mà khi trở về không biết mình học được gì". Mỗi khi các phụ tá xao nhãng việc học, mình lại nhắn tin: "Mở mắt vểnh tai nhé". Mỗi khi các bạn được khen ngợi mình lại nhắn tin: "Khiêm nhường nhé, đừng tự làm nổ cái mũi"... Trong lòng những mong các bạn hãy lắng nghe lời khuyên của một Sói Già bầm dập, mang đầy vết sẹo như này.
Mỗi khóa đều có những điều bổ ích chung và riêng. Mỗi khóa lại có thêm tình anh chị em Hướng đạo mới. Nếu có thể, mình sẽ tham gia thật nhiều các khóa huấn luyện với bất cứ vai trò gì. Chỉ tiếc rằng trách nhiệm chăm sóc mẹ già còn phải hoàn tất.
Xin hẹn rừng Seeonee những dịp sau.
Kính chúc các Sói Già, Sói con sức khỏe, nhiều niềm vui, nhiều chuyến săn thành công.
Hà Nội, những ngày cuối năm 2019
Khóa sinh Nguyễn Thị Thu Hằng,
Đàn Trắng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét