(Xã An Định, Huyện Tuy An, Tỉnh Phú Yên)
Triệu Hưng
Như vậy, sau 100 ngày thi công, cầu dân sinh Nhất Trí, thuộc thôn Phong Hậu, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được phong trào Hướng Đạo Việt Nam tổ chức xây dựng đã thành toàn mỹ mãn và chính thức bàn giao cho người dân đưa vào sử dụng. Cây cầu với kết cấu bê tông, cốt thép vĩnh cửu, phục vụ sự đi lại, vận chuyển cho học sinh, bà con của địa phương vùng lũ. Trong số' hàng vạn công cuộc giúp ích tha nhân suốt hơn 100 năm qua, việc xây dựng cầu Nhất Trí tại xã An Định, Phú Yên là một dấu son của Phong trào Hướng Đạo Việt Nam, mang tính lâu dài và hơn hết khẳng định sự hiện diện có ích của phong trào trong đời sống xã hội hiện nay.
Mối "lương duyên"
Tháng 11, 12.2016, tỉnh Phú Yên liên tiếp trải qua nhiều trận lũ lịch sử. Thừa ủy quyền của Ban Điều hành, Đạo An Hải phối hợp với Tráng đoàn Quảng Bình tổ chức nhiều đợt cứu trợ đến đồng bào vùng lũ Phú Yên. Trong đó đáng kể đã có hơn 6 ngàn con gà được hỗ trợ cho bà con là nạn nhân lũ lụt hai xã An Dân và An Định, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ổn định và phát triển sản xuất.
Trong quá trình cứu trợ, quan sát hiện trạng đời sống người dân, điều băn khoăn nhất của các huynh trưởng Hướng Đạo không chỉ là tiền hàng, vật phẩm phải đến được tận tay người cần, mà lâu dài, mang đến cho người dân vùng lũ công cuộc gì có ý nghĩa như "chiếc cần câu" thay vì "con cá" như lâu nay ?
Có lẽ "tư tưởng lớn" thường gặp nhau. Trong lần làm việc với chính quyền địa phương, người đứng đầu một tổ chức xã hội của chính quyền tỉnh Phú Yên đã gợi ý xây dựng một chiếc cầu vĩnh cửu, phục vụ sự đi lại an toàn cho người dân vùng lũ. Cây cầu được giới thiệu mang tên Nhất Trí, nằm trên địa bàn thôn Phong Hậu, xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện trạng, đó là một cây cầu ván, tạm bợ được bắc qua sông Kỳ Lộ, tồn tại đã gần 25 năm, chưa có điều kiện thay thế. Mỗi năm, trong mùa lũ, cây cầu đều "nuốt" vài mạng người. Và trong đợt lũ cuối năm rồi, một học sinh tiểu học và 1 người dân trong vùng đã tử nạn tại đây. Theo ước tính của người có trách nhiệm tại địa phương thì kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng. Tráng trưởng TĐ Quảng Bình Nguyễn Vĩnh Thịnh, sau khi hội ý với quý trưởng trong Ban điều hành HĐVN đã quyết định xúc tiến công cuộc.
Vài ngày sau (5.1.2017), đoàn khảo sát do HĐVN, cùng chính quyền địa phương, và một công ty xây dựng đã đến thực địa. Cây cầu bằng ván, dầm đỡ bằng thanh tà vẹt đường sắt dài 27m, rộng 2,5m bắc qua dòng sông Kỳ Lộ chảy xiết. Vết tích trận lũ cách đó mấy ngày vẫn còn vương lại với hình ảnh riều rác tơi bời bám quanh. Nước lũ xô lệch cầu nghiêng hẳn về phía hạ du. Thế nhưng hàng trăm học sinh hàng ngày vẫn phải qua đây để đến trường; người dân xã An Định mỗi ngày vẫn phải đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản qua cây cầu ọp ẹp như răng rụng này.
Quả là quá bức xúc ! Lần này không "ra tay" không được. Tuy vậy, sau khi đo đạc, đại diện công ty xây dựng phán một câu: "Dưới 1 tỷ, không làm được !". Câu nói nghe như sét đánh ngang tai. Phương án 2, đoàn đề xuất tìm một cây cầu khác phù hợp hơn với túi tiền (khả năng khoảng 200 triệu) đổ lại. Người cán bộ địa phưng đưa đoàn về thăm một cây cầu khác thuộc thôn Phong Thăng hẻo lánh cách đó khoảng 2km. Cây cầu này nhỏ hơn, bắc qua một con suố'i, giải quyết sự đi lại an toàn cho khoảng 100 hộ dân, nhưng quá khuất nẻo và quan trọng là đường vận chuyển vật liệu khá nan giải. Tạm chọn phương án 2, nhưng lòng ai cũng thấy buồn băn khoăn, vì việc xây mới cầu Nhất Trí, nhu cầu quá cần, mà ngân khoản lại có hạn...
Không khó vì ngại núi, ngăn sông !
Nhưng rồi một ánh sáng đã lóe lên ở cuối đường hầm. Giám đố'c, kỹ sư xây dựng Cty Âu Việt Đà Nẵng nghe câu chuyện, bảo rằng: " Có thể làm được với khoảng 400 triệu". Nói rồi anh cắm mặt vào máy tính hai ngày, lập xong bộ hồ sơ "Thiết kế, dự toán cầu Nhất Trí" giao cho tôi. Cầu được thiết kế với độ an toàn tối đa, lấy mố'c trận lũ lịch sử năm 2009 đã từng tại đây. Trị giá cây cầu hoàn chỉnh là 420 triệu đồng. Anh bảo: "Sự chênh lệch đó giá trị là hợp lý, vì Cty xây dựng nói trên phải trả thuế 10%, thiết kế 5% và quản lý phí, giám sát ít nhất là 30% giá trị công trình.".
Mọi việc được thu xếp ngay sau đó. Thiết kế được cơ quan chức năng thẩm định bảo đảm, và còn vui hơn nữa, chính quyền địa phương đối ứng cho công trình 100 triệu đồng bằng vật liệu; nhiều nhà hảo tâm, phụ huynh HĐ cũng ủng hộ, hỗ trợ vừa đủ chi phí xây dựng theo thiết kế của Cty Âu Việt.
Trưởng Dương Xuân Đào, nguyên là Giám đốc chi nhánh Phú Bổn của Cty Xây dựng Cienco5, xung phong nhận chỉ huy, tổ chức xây dựng công trình, cùng Trưởng Trương Anh, nguyên là chủ một cơ sở cơ khí, (cả hai là huynh trưởng của Tráng đoàn- TĐ Krông Ana) và Trưởng Phan Dũng (TĐ Nguyễn Trãi), trực tiếp bám hiện trường. Dự kiến thời gian xây dựng là 100 ngày. Ngoài ra hai Tráng đoàn Krông Ana (Đắc Lắc), Trường Sơn (Kon Tum) là hai đơn vị Hướng Đạo hỗ trợ nhân tài, vật lực cho công cuộc xây dựng cầu Nhất Trí.
Trong lễ khởi công ngày 1.3.2017, ông Bùi Văn Thành, chủ tịch huyện Tuy An cảm động nói: "Địa phương còn nghèo. Suốt hơn 20 năm, qua 5 đời lãnh đạo, hôm nay mới làm được cây cầu này. Nếu không có anh em Hướng Đạo thì chắc bà con xã An Định còn phải chờ lâu nữa". Và dĩ nhiên những tai nạn thương tâm cũng sẽ chờ chực uy hiếp tính mạng của các em học sinh, người dân qua cầu trong mỗi mùa lũ...
Thời tiết Phú Yên mùa này nắng gió thất thường. Nhóm huynh trưởng thi công tận dụng vật liệu sẵn có tại hiện trường để xây dựng lán trại, ngủ nghĩ, làm việc ngay tại chỗ. Nhiều ngày các huynh trưởng phải hứng chịu cái nắng nóng 35-37 độ trên công trường. Anh em hay nói vui: " Thời gian dài nhất trên công trường là buổi trưa, vì lúc này không biết tránh nắng vào đâu. Cứ mong qua giờ này để ra công trường làm". Lần lượt Trưởng Lê Văn Thanh, Trần Ngọc Châu từ TĐ Trường Sơn đến công tác tại công trường thay thế, bổ sung người trong các đợt cao điểm. Tráng trưởng Krông Ana, Nguyễn Văn Minh cũng thường xuyên từ Đắc Lắc về Phú yên, có mặt tại công trình động viên tinh thần anh em.
Khó nhất trong thi công cầu Nhất Trí là tất cả đều làm bằng sức người, do đường vào cầu chỉ rộng 2 mét nên không một phương tiện cơ giới nào vào được. Dù mừa khô, nhưng sông Kỳ Lộ vẫn ăm ắp nước; độ sâu luôn từ 3,5-4 m. Trụ cầu đầu tiên phía Nam phải sử dụng đến phương án thứ 3 mới hoàn thành tốt đẹp. Xử lý trụ cầu thứ nhất, bờ kè làm bằng hàng ngàn bao tải cát và tole nhiều lần không ngăn không nổi áp lực dòng nước dữ nên bị vỡ tung. Một lão nông trong làng nữa đùa, nữa thật: "Mấy ông Hướng Đạo làm được cây cầu này, tôi cho đố't nhà tôi. Tôi tặng cho cả tiền mua xăng". Theo quan niệm mê tín của địa phương, ông cho rằng suố't hơn 20 năm qua, nhiều lần các nhà hảo tâm muốn, mà không làm được cây cầu là do "âm binh" cầu Nhất Trí mạnh, dữ phá quấy. Và lòng can đảm, sự khéo léo cùng tri thức thâm hậu, cuối cùng chiếc trụ thứ nhất cũng mạnh mẽ vươn lên khỏi mặt nước, rồi thứ hai, thứ ba... lần lượt hoàn thành. Đó cũng là bài học kiên trì, biết sáng tạo, vận dụng phù hợp giữa kiến thức và thực tế lao động của nhóm huynh trưởng thi công.
***
Hôm nay, giữa vùng lũ Tuy An, Phú Yên đã sừng sững một cây cầu bê tông vĩnh cửu do phong trào Hướng Đạo Việt Nam xây dựng. 100 ngày ở công trường là chừng ấy ngày hạnh phúc trong vòng tay yêu thương ấm áp tình huynh đệ Hướng Đạo cả nước. Điều đó cũng là nguồn động viên quý báu, lớn lao cho nhóm huynh trưởng trực tiếp tổ chức thi công công trình vượt qua trùng trùng trở ngại khó khăn.
Từ trái qua phải: Tr. Nguyễn Vĩnh Thịnh,... Tr Trần Thị Thu Trang, Tr Nguyễn Trọng Luyện, Tr Trương Anh, Tr Nguyễn Trung Hiếu, Tr Dương Xuân Đào, Tr Phan Tấn Luân, Tr Trần Xê. Tại bãi biển Gềnh đỏ, Tuy An, Phú Yên. Trước ngày động thổ cầu Nhất Trí
Thế mới biết, "đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông". Một khi tất cả đã đồng lòng; hợp đủ điều kiện "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" thì núi cao, đường xa... đến bao nhiêu phong trào Hướng Đạo cũng có thể vượt qua, trên con đường giúp ích tha nhân.
Cầu Nhất Trí (Ngày hợp long 14.5.2017)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét