Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

VÀI HƯỚNG DẪN CHO NGÀNH TRÁNG NGÀY NAY

(Tiếp theo GVMD 23) 

Vĩnh Đào 




PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG ĐẠO ÁP DỤNG CHO NGÀNH TRÁNG 

    Loạt bài này về ngành Tráng dựa trên một tài liệu của Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới công bố năm 2009 tựa là "Empowering Young Adults - Guidelines for the Rover Scout Section", làm tài liệu hướng dẫn cho các nước hội viên để tổ chức ngành Tráng cho hội. 

    Ngành Tráng là một ngành rất quan trọng vì là ngành cuối cùng trong quá trình giáo dục của Phong trào Hướng Đạo, đi từ tuổi Tiểu học (ngành Ấu), qua tuổi Trung học cấp hai (ngành Thiếu), cấp ba (ngành Thanh hay Kha), để chấm dứt bằng tuổi Đại học (ngành Tráng), cho đến lúc người thanh niên đến tuổi trưởng thành, bước vào đời, và quá trình giáo dục của Hướng Đạo cũng chấm dứt tại đó. 

    Tuy ngành Tráng quan trọng như vậy nhưng lại là ngành ít thành công nhất của Hướng Đạo, hậu quả là nhiều Hội Hướng Đạo quyết định bỏ rơi ngành này để đặt nỗ lực vào những ngành nhỏ tuổi hơn. Vì tình hình yếu kém của ngành này, nên sự tổ chức thường rời rạc, gây ra một số hiểu lầm lớn về ngành Tráng. Nhiều người quan niệm rằng ngành Tráng là nơi để cho những Trưởng HĐ, những người đã trưởng thành, tập họp và sinh hoạt hay vui chơi có màu sắc "Hướng Đạo", hoàn toàn không để ý gì đến khía cạnh giáo dục. Phong trào Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, nhưng không có tham vọng giáo dục nhưng người đã trưởng thành, đã 30-40 tuổi hay hơn nữa. Ngành Tráng chỉ có chương trình giáo dục những thanh thiếu niên còn đi học cho đến 21¬22 tuổi, tối đa là 25 tuổi, khi người thanh niên chấm dứt những năm được đào tạo ở bậc đại học và bước vào cuộc đời hoạt động với một nghề nghiệp. 

    Trong bài trước đã nói về nhiệm vụ giáo dục của ngành Tráng, mục đích và các mục tiêu của ngành Tráng. Bài này đề cập đến vấn đề tổ chức sinh hoạt ra sao cho ngành Tráng. 

    Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình, Phong trào Hướng Đạo có một phương pháp duy nhất được áp dụng ở bất cứ lứa tuổi nào. Đó là tính thuần nhất và liên tục của công tác giáo dục trong Phong trào Hướng Đạo. Cũng như đối với những lứa tuổi khác, phương pháp Hướng Đạo áp dụng cho ngành Tráng cũng gồm 8 yếu tố: 

- Lời Hứa và Luật Hướng Đạo 

- Học bằng thực hành 

- Phương thức sinh hoạt nhóm 

- Khung cảnh biểu tượng 

- Thiên nhiên 

- Thăng tiến cá nhân 

- Hổ trợ của Trưởng 

- Dấn thân vào cộng đồng 

    Chỉ một phương pháp áp dụng cho tất cả các ngành, nhưng tất nhiên được điều chỉnh cho thích hợp với từng lứa tuổi. Vậy phương pháp Hướng Đạo áp dụng ra sao cho ngành Tráng? 

1) Lời Hứa và Luật Hướng Đạo 


    Tráng sinh cần hiểu rằng Lời Hứa và Luật diễn đạt các giá trị của Hướng Đạo, Tráng sinh hiểu, chấp nhận các giá trị đó, cam kết lấy Lời Hứa và Luật làm kim chỉ nam cho các hành động, cho cung cách sống của mình. Tráng sinh cần biết rằng Lời Hứa và Luật không phải là một thủ tục hay một hình thức nào đó của Hướng Đạo, mà là một việc hết sức quan trọng. 

    Qua giai đoạn tìm hiểu sau khi gia nhập Tráng đoàn, Tráng sinh tuyên Lời hứa Hướng Đạo. Đối với những Tráng sinh đã sinh hoạt ở ngành Thiếu và ngành Kha, đây là cơ hội để lập lại Lời Hứa Hướng Đạo. 

    Ngành Tráng có thể giữ nguyên bản văn Lời Hứa và Luật áp dụng trong ngành Thiếu. Tuy nhiên các Hội Hướng Đạo có thể quyết định soạn một bản Lời Hứa và Luật khác, thích hợp với tuổi Tráng, trong đó nhắc lại các giá trị cơ bản của Hướng Đạo: trách nhiệm cá nhân, tôn trọng phẩm giá con người và sự toàn vẹn của môi trường thiên nhiên, tôn trọng tín ngưởng tâm linh, tinh thần đồng đội và phục vụ cộng đồng, đoàn kết và hợp tác quốc tế, tìm một ý nghĩa cho cuộc sống... Lời hứa nhắc lại ba nguyên tắc cơ bản của Phong trào Hướng Đạo: bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, đối với kẻ khác và đối với bản thân, qua một lối hành văn thích hợp cho tuổi Tráng. 

2) Học bằng thực hành 


    Sinh hoạt của ngành Tráng áp dụng phương pháp "Học bằng thực hành" theo một chu kỳ gồm 4 giai đoạn như sau: 

    - Suy nghiệm: Suy tư về cách thức hành động. Thông thường trong giai đoạn này Toán hay Tráng đoàn thẩm định sinh hoạt đã xảy ra trước đó. 

    - Nối với thực tế: Trong chiều hướng tiếp tục triển khai các kinh nghiệm đã có, tìm ra những sáng kiến mới cho sinh hoạt kế tiếp. 

    - Quyết định: Chọn một sinh hoạt mới và phương thức thi hành. 

    - Thực hành: Tiến hành sinh hoạt đã được quyết định. Ngay sau khi sinh hoạt kết thúc, bước liền sang giai đoạn "Suy nghiệm" để đánh giá, rút kinh nghiệm về sinh hoạt vừa kết thúc, bắt đầu một chu kỳ mới. 

Các sinh hoạt trong ngành Tráng gồm: 


    - Những sinh hoạt cố định: Những sinh hoạt này 

được lập đi lập lại trong đời sống Tráng đoàn, tạo nên tinh thần Hướng Đạo, cho các Tráng sinh những kinh nghiệm về sinh hoạt Hướng Đạo và phương pháp Hướng Đạo. Thí dụ: họp Toán, họp Tráng đoàn, Hội đồng Toán, Hội đồng Tráng đoàn, đi trại, xuất du, trò chơi, ca hát... 

    - Những sinh hoạt không thường xuyên và các dự án: Những sinh hoạt này có tính cách đặc biệt, chỉ xảy ra trở lại sau một thời gian không hạn định, khi nào Tráng sinh mong muốn. Qua việc tổ chức nhiều loại sinh hoạt khác nhau, Tráng đoàn biết được những sinh hoạt nào đáp ứng sở thích và nhu cầu của Tráng sinh, đồng thời phục vụ các mục tiêu giáo dục của Tráng đoàn. Thí dụ: chèo thuyền, leo núi, câu cá, săn ảnh chim và thú, tập bơi lội, cấp cứu. 

    Một dự án thường phối hợp nhiều sinh hoạt quanh một chủ đề hay cùng một mục tiêu trong một thời gian khá dài. 

    Học bằng thực hành tức là tích lũy kinh nghiệm qua một số sinh hoạt khác nhau thuộc nhiều lãnh vực, khác với lối giáo dục lý thuyết như ở nhà trường. Phương pháp giáo dục này giúp cho thanh thiếu niên quen với thái độ giữ một vai trò hành động tích cực trong cộng đồng, thay vì chỉ đứng thụ động làm khán giả. 

3) Phương thức sinh hoạt Nhóm trong ngành Tráng 


a. Tổ chức sinh hoạt 


    Trong ngành Tráng, phương thức sinh hoạt Nhóm không còn giống như ở ngành Thiếu (phương thức sinh hoạt này còn được gọi là "phương pháp hàng Đội"). Trong ngành Thiếu, cách sinh hoạt theo một mô hình kiểu kim tự tháp trong đó Trưởng cho chỉ thị cho Đội trưởng để Đội trưởng về thi hành trong Đội. Ở ngành Tráng, phương pháp sinh hoạt Nhóm có nghĩa là "Tráng sinh tham dự vào qui trình lấy quyết định". Để thi hành công việc này, trong Tráng đoàn cần có một số cơ chế. Mọi tổ chức dân chủ đều có ít nhất 3 loại cơ chế: 

    - Các cộng đồng địa phương (Local communities), trong đó công dân sống trong một đơn vị lãnh thổ nhỏ. Cơ chế loại thứ nhất này giúp tạo nên mối quan hệ tốt và tình đoàn kết giữa công dân, giúp họ góp phần vào việc quyết định và gởi đại diện vào các cơ chế cao hơn. Trong sinh hoạt Hướng Đạo, các "cộng đồng địa phương" này là Đội, Đàn, Toán... tùy theo ngành. Đó là những nhóm nhỏ sinh hoạt với nhau và bầu ra một người trong nhóm để lãnh đạo và đại diện nhóm. 

    Trong ngành Tráng, nhiều Toán họp lại thành một Tráng đoàn, hay là Cộng đồng Tráng sinh (Rover Scout Community). 

    - Quốc Hội (cơ quan lập pháp) đại diện cho tất cả công dân để lấy những quyết định lớn và biểu quyết luật. Trong một đơn vị Hướng Đạo, Quốc Hội là Đại Hội Đoàn (Unit Assembly). Đại Hội Đoàn tập họp tất cả hướng đạo sinh trong Đoàn để lấy quyết định về các sinh hoạt, dự án của Đoàn, xem xét và đánh giá sinh hoạt của Đoàn, ấn định những qui tắc của Đoàn dựa trên Luật Hướng Đạo. 

    - Chính phủ (cơ quan hành pháp) trong một nước gồm các bộ trưởng có nhiệm vụ thi hành các quyết định của Quốc Hội. Trong một đơn vị Hướng Đạo, chính phủ là Hội Đồng Đoàn (Unit Council), gồm các Trưởng Nhóm (Toán, Đội, Đàn.) và Đoàn trưởng cùng với các phụ tá. Hội Đồng Đoàn thi hành các quyết định của Đại Hội Đoàn, lên lịch sinh hoạt và tổ chức các sinh hoạt. Khoa học giáo dục ngày nay gọi cách tổ chức sinh hoạt hoạt này là "Sư phạm định chế" (Institutional Pedagogy): thanh thiếu niên tham gia vào cơ cấu quyết định qua một số định chế có tính dân chủ. Cách thức sinh hoạt này được xem là rất hiện đại và có tính "cách mạng" trong khoa học giáo dục, nhưng Hướng Đạo đã có truyền thống sinh hoạt như vậy kể từ buổi đầu tiên của Phong trào! 

b. Đặc điểm của hệ thống sinh hoạt Nhóm trong ngành Tráng 


    Các định chế cơ bản trong hệ thống sinh hoạt (Nhóm, Đại Hội và Hội Đồng) đều có ở mỗi ngành, nhưng phương thức áp dụng được điều chỉnh cho phù hợp với từng lứa tuổi. Ở tuổi Ấu, các em không thể tham dự những buổi họp thảo luận kéo dài, nên Đại Hội Bầy và Hội Đồng Bầy chỉ rất ngắn, Bầy Trưởng phẳi lấy một số quyết định để công việc tiến nhanh và trôi chảy. Trong các ngành Thiếu và Kha, phần tham dự của đoàn sinh quan trọng hơn. Trong ngành Tráng, Tráng sinh giữ nhiệm vụ rất lớn trong qui trình lấy quyết định và thẩm định sinh hoạt. Tráng Trưởng chỉ giữ một vai trò cố vấn. 

c. Các cơ chế trong Tráng đoàn 


    - "Cộng đồng Tráng sinh" trong ngành Tráng là Tráng đoàn, gồm nhiều Toán hợp lại. Tráng đoàn là một đơn vị thuộc một Liên Đoàn, có nhiệm vụ áp dụng chương trình giáo dục ngành Tráng cho thanh thiếu niên từ 18 đến 22 tuổi. Để sinh hoạt có hiệu quả, Tráng đoàn cần có ít nhất từ 15 đến 20 Tráng sinh. 

    Vì tình hình chung thường là thiếu đoàn sinh ở tuổi Tráng, một Tráng đoàn có thể được "chia sẻ" giữa nhiều Liên Đoàn, mỗi Liên Đoàn có một hay hai Toán thuộc một Tráng đoàn chung. Cũng có thể lập một Tráng đoàn chung cho cả một Đạo, hay trong một thành phố có trường Đại Học, có sinh viên quê quán nhiều nơi khác nhau, giúp họ có cơ hội sinh hoạt trong môi trường Hướng Đạo. Mục đích là tránh tình trạng những Toán sinh hoạt lẻ tẻ. Với một Tráng đoàn gồm nhiều Toán, sẽ dễ tổ chức nhiều sinh hoạt đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thanh thiếu niên. 

    - Đại Hội Tráng Đoàn qui tụ toàn thể Tráng sinh trong Tráng đoàn. Là nơi quyết định những vấn đề lớn của Tráng đoàn, như: đường hướng sinh hoạt để thoả mãn nhu cầu của Tráng sinh, quyết định chương trình sinh hoạt và các dự án, biểu quyết nội lệ Tráng đoàn, bầu cử Trưởng lãnh đạo Tráng đoàn... Đại Hội Tráng Đoàn cần phải họp ít nhất một lần trong một quý. 

    - Hội Đồng Tráng Đoàn là cơ quan hành pháp của Tráng đoàn, gồm có các Toán trưởng và Cố vấn Tráng đoàn (Tráng trưởng). Hội Đồng Tráng Đoàn họp ít nhất mỗi tháng một lần, có nhiệm tổ chức đời sống của Tráng đoàn, theo dõi công việc làm của các Toán và các Nhóm đặc nhiệm, quyết định mọi việc liên quan đến công tác quản lý, lên kế hoạch và tổ chức các sinh hoạt. 

    Vai trò của Hội Đồng Tráng đoàn rất quan trọng để giúp Tráng đoàn hoạt động điều hoà, có hiệu quả, vì Tráng đoàn có những sinh hoạt của các Toán, các Nhóm đặc nhiệm, của cá nhân Tráng sinh và những sinh hoạt chung của Tráng đoàn; tất đều có thể song song xảy ra cùng một lúc nên công tác điều phối rất quan trọng. 

- Các vai trò lãnh đạo trong Tráng đoàn: Tráng đoàn là nơi rất thuận lợi cho Tráng sinh thực hành nhiệm vụ lãnh đạo, với nhiều trách nhiệm lãnh đạo có thể phân phối cho Tráng sinh. Thí dụ: Toán trưởng (điều hành một toán), Trưởng toán đặc nhiệm, Chủ tịch Đại Hội Tráng Đoàn (chuẩn bị và chủ trì các phiên họp của Đại Hội Tráng Đoàn và Hội Đồng Tráng Đoàn), và mọi trách nhiệm cần thiết khác trong việc điều hành Tráng đoàn. 

    Toán trưởng do tất cả Tráng sinh trong toán bầu lên và được Đại Hội Tráng Đoàn thông qua. Đại Hội Tráng Đoàn trực tiếp bầu các trách nhiệm lãnh đạo khác. 

    - Cố vấn Tráng đoàn có nhiệm vụ cố vấn, hổ trợ cho tất cả Tráng sinh trong Tráng đoàn, và bảo đảm rằng Nguyên lý của Phong trào Hướng Đạo được thực hiện đúng đắn trong Tráng đoàn. Nhiệm vụ của Cố vấn Tráng đoàn sẽ được nói rõ hơn trong mục "Vai trò của Trưởng". 

4) Khung cảnh biểu tượng 


    Khung cảnh biểu tượng là một khung cảnh làm nền cho các sinh hoạt Hướng Đạo, một dụng cụ giáo dục để khơi dậy trí tưởng tượng, đem lại thích thú và hứng khởi cho sinh hoạt. 

    Khung cảnh biểu tượng sơ khởi mà BP đã đề nghị cho ngành Tráng là con Đường, với ý nghĩa là một hành trình có mục đính. Trong quyển Đường thành công, BP viết: "Nói tới Đường, không có nghĩa là đi lang thang không mục đích, nhưng là tìm con đường đi đến một mục đích đã định, qua nhiều lối đi thú vị và nhận thức được những khó khăn và nguy hiểm mình có thể gặp trên đường đi." 

    Mục đích của ngành Tráng là giúp người trẻ phát triển toàn bộ khả năng của mình trong giai đoạn bước vào cuộc đời trưởng thành. Đường dùng làm khung cảnh biểu tượng cho ngành Tráng ngày nay vẫn còn thích hợp, vì nó khuyến khích thanh thiếu niên phát triển tính tự lập, khám phá những chân trời mới, những nền văn hoá, những lối sống khác, mở rộng kinh nghiệm sống... 

5) Thiên nhiên 


    Chúng ta cần nhắc lại nguyên tắc này: phần lớn sinh hoạt Hướng Đạo xảy ra ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên. Đó là một yếu tố rất quan trọng trong phương pháp giáo dục Hướng Đạo. Sống giữa thiên nhiên đòi hỏi phải nắm vững ý nghĩa những quyết định của mình và nhận thấy được tức khắc hậu quả của những quyết định đó. Có thể xoay sở để sống giữa thiên nhiên chỉ nhờ khả năng và với những phương tiện của mình giúp cho trẻ rèn luyện rất nhiều đức tính, giúp trẻ tự tin và tự hào về khả năng của mình. 

    Trong một trại Hướng Đạo, đoàn sinh phải cùng nhau đảm nhận những công tác thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày: chọn con đường đi, dựng chỗ tạm trú, tự che chở chống lại các thử thách của thời tiết, sửa soạn bữa ăn, thực nghiệm lối sống trong một cộng đồng, tức là giữa một xã hội nhỏ... Thiên nhiên là môi trường lý tưởng cho sinh hoạt Hướng Đạo, nơi cho cơ hội để phát triển các khả năng trên tất cả các lãnh vực thể chất, trí tuệ, tính khí, cảm xúc, xã hội và tinh thần. 

    Đối với ngành Tráng, sống ngoài trời và tiếp xúc với thiên nhiên cũng là khung cảnh lý tưởng cho các sinh hoạt của ngành Tráng, nơi có thể xảy ra những cuộc thám hiểm, phiêu lưu tới những nơi hoang dã, có thể thực hành những môn thể thao cao cấp chỉ thích hợp với ngành Tráng. Tráng sinh cũng thích những cuộc du hành xa, khám phá những vùng đất lạ, thoả mãn lòng ham thích phiêu lưu của tuổi trẻ. 

    Thiên nhiên cũng là nơi lý tưởng để Tráng sinh thực hiện những hành động và dự án "phát triển bền vững", nghĩa là những dự án "thoả mãn nhu cầu phát triển của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng của các thế hệ kế tiếp để thoả mãn những nhu cầu của họ trong tương lai". 

6) Mục tiêu giáo dục (Educational Objectives) và thăng tiến cá nhân (Personal Progression) 


a. Mục tiêu giáo dục của ngành Tráng 


    Mục tiêu giáo dục cho Tráng sinh, cũng như cho các ngành khác, bao gồm mục tiêu trong 6 lãnh vực phát triển cá nhân: thể chất, trí tuệ, tính khí, cảm xúc, xã hội và tinh thần. 

    Mục tiêu chung cuộc là giúp Tráng sinh trở thành một con người: 

- Tự lập: có khả năng lấy quyết định và tự quản lý cuộc đời mình. 

- Giúp ích: biết nghĩ đến người khác và giúp ích tha nhân 

- Trách nhiệm: có khả năng nhận hậu quả của những quyết định của mình, giữ lời đối với những cam kết của mình, hoàn thành những gì mình làm. 

- Dấn thân: sống trung thành với những giá trị tinh thần của mình, phục vụ cho những sự nghiệp hay lý tưởng mà mình xem là quan trọng. 

b. Đặc điểm của các mục tiêu giáo dục 


    Trong chương trình thăng tiến cá nhân của Tráng sinh, mỗi người phải có một quyển sổ "Chương trình cá nhân" ("Personal Plan"), trước đây quen gọi là "Qui ước tu thân". Theo phương án giáo dục mới của HĐTG thì sổ "Chương trình cá nhân" của Tráng sinh cần ghi đầy đủ các mục tiêu giáo dục mà Tráng sinh phải đạt tới, bao gồm những mục tiêu trong cả 6 lãnh vực phát triển cá nhân nói trên. Để hoàn thành các mục tiêu này, cần phải có một số: 

- Kiến thức cần học hỏi hay đào sâu, 

- Thủ thuật cần học hỏi hay trau dồi, 

- Thái độ cư xử cần học hỏi hay triển khai. 

Các mục tiêu cần phải được: 

- ấn định rõ ràng, viết ra một cách chính xác, dễ hiểu; 

- thực tế, có thể đạt được, hợp với khả năng của Tráng sinh; 

- có thể đo lường, đánh giá được; 

- ấn định mốc thời gian. 

c. Thí dụ về mục tiêu giáo dục 


    Có rất nhiều mục tiêu mà Tráng sinh có thể tự ấn định cho mình trong quá trình thăng tiến cá nhân. Sau đây là một số thí dụ: 

- Sống phù hợp với những cam kết dấn thân của một Tráng sinh. 

- Chăm sóc thân thể mình, hiểu biết những lợi ích khi sống gần thiên nhiên, quen hoạt động thân thể, giữ gìn vệ sinh và ăn uống lành mạnh. 

- Hiểu biết thân thể mình về mặt tình dục, tôn trọng những đặc điểm, lựa chọn của người khác về mặt này. 

- Tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, hoạt động tích cực để giữ gìn và cải thiện tình trạng của môi trường. 

- Lựa chọn nghề nghiệp của mình theo khả năng, sở thích riêng và những lãnh vực mà mình quan tâm. 

- Phục vụ đắc lực cộng đồng nơi mình sinh sống, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng có sự tham gia và hợp tác của mọi công dân. 

- Nhận biết đâu là những tình huống bất công và những mâu thuẫn phát xuất từ đó, tìm những phương cách giải quyết và góp sức mình trong việc giải quyết nếu có thể. 

- Về mặt tâm linh, chấp nhận những nguyên tắc tinh thần và những bổn phận phát sinh từ đó. 

- Cổ vũ tính khoan dung về tôn giáo, có thể trao đổi một cách xây dựng với mọi người, bất cứ thuộc tôn giáo nào. 

- Biết những gì mà người khác có thể giúp mình trong lãnh vực cảm xúc. 

- Trước khi lấy một quyết định, biết thu thập thông tin và dữ kiện, biết nghiên cứu, cân nhắc, thẩm định các thông tin và dữ kiện. 

- Có thể quyết định một cách độc lập và chịu hậu quả của quyết định đó... 

Tráng sinh có thể dựa trên những thí dụ vừa kể để đặt mục tiêu giáo dục trong "Chương trình cá nhân" của mình. Nhắc lại là các mục tiêu giáo dục cần bao gồm cả 6 lãnh vực phát triển đã nói ở trên. 

d. Thăng tiến cá nhân 


    Tráng sinh gia nhập Tráng đoàn và trải qua 3 giai đoạn để hoàn tất quá trình thăng tiến cá nhân theo chủ trương, đường lối và phương pháp giáo dục của Hướng Đạo: 

- Giai đoạn "Khám phá": Tráng sinh tìm hiểu mục đích của giáo dục Hướng Đạo, lý tưởng Hướng Đạo, lối sống một Tráng sinh trong Tráng đoàn, quyết định tuyên Lời Hứa Tráng sinh, và bắt đầu thảo một "Chương trình cá nhân". 

- Giai đoạn "Hành trình": "Chương trình cá nhân" mà mỗi Tráng sinh soạn cho mình, bao gồm những mục tiêu giáo dục trong tất cả 6 lãnh vực phát triển cá nhân, sẽ là kim chỉ nam cho giai đoạn sinh hoạt tiếp theo của Tráng sinh trong Tráng đoàn. Song song với các sinh hoạt của Toán, của Tráng đoàn, Tráng sinh theo một quá trình tự huấn luyện để hoàn thành các mục tiêu trong "Chương trình cá nhân". Thời gian dài hay ngắn tùy theo từng người. Các mục tiêu giáo dục được thẩm định từng lúc, xem xét lại, điều chỉnh, sửa đổi nếu cần ít nhất là mỗi năm một lần. 

    Để giúp Tráng sinh theo dõi các tiến bộ của mình, một công cụ rất hữu ích có thể tạo ra trong máy vi tính gọi là "Nhật ký Tráng sinh" (Rover Scout Diary), trong đó Tráng sinh chép lại Chương trìn cá nhân của mình, các mục tiêu giáo dục cần đạt tới, đề ra những "thách thức cụ thê" (Personal challenges) phải hoàn thành để chứng minh là một mục tiêu giáo dục đã đạt được. Nhật ký Tráng sinh cũng ghi chi tiết những sinh hoạt nào cần tham dự, trong và ngoài khung cảnh Hướng Đạo, những kiến thức nào cần thu thập, lịch trình dự kiến, cùng với những kinh nghiệm, nhận xét về những gì đã thi hành hay học hỏi... 

- Giai đoạn "Lên Đường": Khi nào Tráng sinh đã hoàn thành được phần lớn các mục tiêu giáo dục đề ra trong "Chương trình cá nhân" là đến lúc chuẩn bị cho ngày cử hành Lễ Lên Đường cho Tráng sinh. Trong giai đoạn cuối này, Tráng sinh ôn lại những gì mình đã học trong Phong trào Hướng Đạo và suy nghĩ về những gì mình mong muốn thực hiện trong cuộc đời mình sau khi từ giả môi trường Hướng Đạo để bước vào cuộc đời hoạt động. 

    Lễ Lên Đường đánh dấu ngày chấm dứt quá trình giáo dục của Hướng Đạo và Tráng sinh bước vào đời, một dịp để cả Tráng đoàn tập họp lại để tỏ tình đoàn kết và chúc may mắn cho bạn mình. Chất lượng và mức hiệu quả của nền giáo dục Hướng Đạo phải được đo lường không phải bằng số trẻ em gia nhập Phong trào Hướng Đạo, mà chính là với số lượng những Tráng sinh làm lễ Lên Đường sau khi tiếp nhận nền giáo dục Hướng Đạo cho đến giai đoạn cuối. 

7) Vai trò yểm trợ của Trưởng 


    Chủ trương của Phong trào Hướng Đạo là "tự giáo dục", tức là các em tự học qua thực hành, qua kinh nghiệm, thay vì tiếp nhận những kiến thức từ một giáo viên. Vai trò của người Trưởng trong Phong trào Hướng Đạo chỉ là giúp đở các em trong quá trình tự học đó để trở thành những công dân tự lập, giúp ích kẻ khác, có tinh thần trách nhiệm và dấn thân. 

    Trưởng là người lớn, người đã trưởng thành, chịu trách nhiệm một đơn vị Hướng Đạo. Vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, gợi ý của Trưởng lần lần nhẹ đi theo lớp tuổi của ngành. Đến ngàng Tráng thì mọi trách nhiệm lãnh đạo trong Tráng đoàn đều do chính các Tráng sinh đảm nhận, Trưởng chỉ còn giữ vai trò cố vấn. Vì vậy, thay vì gọi Tráng đoàn trưởng, hay Tráng trưởng, thích hợp hơn nên gọi là "Cố vấn Tráng đoàn". 

    Trong Tráng đoàn, Cố vấn Tráng đoàn có ba nhiệm vụ chính: 

- Giúp mỗi Tráng sinh nhận diện những nhu cầu phát triển những đức tính, khả năng, thái độ cư xử nào cho tiến trình tự giáo dục của mình, và chương trình sinh hoạt của Toán và Tráng đoàn có thể đóng góp như thế nào trong tiến trình đó. 

- Giúp tạo cho Tráng đoàn một môi trường sinh hoạt hấp dẫn cho mọi người. 

- Ngoài ra, Cố vấn Tráng đoàn còn có nhiệm vụ bảo đảm rằng các sinh hoạt của Tráng đoàn diễn ra theo đúng với các nguyên tắc cơ bản, mục đích, đường lối của Phong trào Hướng Đạo. 

    Việc giúp mỗi Tráng sinh nhận diện các nhu cầu của mình, rồi sau đó theo dõi các tiến bộ của Tráng sinh, giúp ý kiến để Tráng sinh thực hiện những sinh hoạt trong và ngoài Tráng đoàn có ích cho việc hoàn thành "Chương trình cá nhân" của mình, rồi giúp Tráng sinh đánh giá, thẩm định kết quả... là một công việc rất nặng. Vì vậy, ngoài Cố Vắn Tráng đoàn, mỗi Tráng sinh cần có thêm một Bảo huynh. 

    Tùy theo nhu cầu của Tráng sinh, Bảo huynh không cần phải có kinh nghiệm sinh hoạt trong Phong trào Hướng Đạo; Tráng sinh có thể lựa chọn Bảo huynh trong hoặc ngoài Phong trào Hướng Đạo, và một người có thể làm Bảo huynh cho nhiều Tráng sinh. 

8) Dân thân vào cộng đồng 


    Tuy rằng từ xưa, sinh hoạt Hướng Đạo vẫn mở ra cộng đồng xã hội vì mục đích của Hướng Đạo cũng là chuẫn bị đoàn sinh trở thành những công dân tích cực, có tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt là ngành Tráng, với phương châm là "Giúp ích", vẫn có những dự án lớn phục vụ cộng đồng, như là một sinh hoạt rất quan trọng của ngành Tráng, nhưng mục "Dấn thân vào cộng đồng" mới đây đã được đưa hẳn vào trong Phương pháp Hướng Đạo, làm thành yếu tố thứ 8 của Phương pháp Hướng Đạo. Điều này nhấn mạnh rằng các sinh hoạt Hướng Đạo cần mở ra hướng về cộng đồng xã hội không phải là chỉ riêng ở ngành Tráng mà tất cả các ngành cũng phải chú trọng đến mặt này. 

    Ngành Tráng là giai đoạn cuối cùng trước khi thanh thiếu niên bước vào cuộc đời hoạt động cho nên yếu tố "Dấn thân vào cộng đồng" có một tầm quan trọng đặc biệt trong sinh hoạt Toán và Tráng đoàn cũng như trong "Chương trình cá nhân" của Tráng sinh. Cố vấn Tráng đoàn và Bảo huynh là những người có tiếp xúc rộng rãi với các giới trong xã hội, quen biết với những người thuộc mọi ngành nghề, nên có thể giúp Tráng sinh rất nhiều trong việc: giới thiệu những nhân vật trong lãnh vực liên quan, ấn định mục tiêu, dựng kế hoạch, tiếp nhận những kỹ năng cần thiết, soạn thảo phúc trình v.v. 

    Tráng sinh cũng cần mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Những năm còn là sinh viên, chưa bị ràng buộc thời gian vì nghề nghiệp, cũng là khoảng thời gian rất thuận tiện để tham gia vào những chương trình thiện nguyện quốc tế có mục đích bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn nước sạch, xoá bỏ nạn mù chữ, v.v. Những chương trình này có thể hoạt động trong hoặc ngoài Phong trào Hướng Đạo, và có thể đem lại những kinh nghiệm rất quí báu để đáp ứng một số mục tiêu trong "Chương trình cá nhân" của Tráng sinh. 

    Với những chỉ dẫn trên, chúng ta có thể bắt tay vào việc thành lập một Tráng đoàn, với các cơ chế thích hợp, tổ chức các sinh hoạt cho Tráng đoàn phù hợp với các nguyên tắc căn bản và mục đích chung của Phong trào, và áp dụng đúng phương pháp Hướng Đạo trong việc điều hành và trong sinh hoạt của Tráng đoàn. 

    Theo đúng những chỉ dẫn cơ bản trên có thể là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. 

    (Mời xem tiếp GVMD 25, Gợi ý vài sinh hoạt Tráng đoàn)
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26