Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

TẠM BIỆT RỪNG

BBT: Đây là một bài viết của Trưởng Trần văn Lược đăng trên Nội san Trưởng từ những năm '70 của Thế'kỷ trước, chúng tôi đăng lại để ACE nhớ lại Trưởng Cựu Tổng Ủy Viên đã 100 tuổi nhưng vẫn lưu tâm đến sự sinh hoạt của Phong trào HĐVN. 

Sư tử Đảm đương 

"Lúc ấy Mowgli cảm thấy xúc động mạnh mẽ trong lòng, mối xúc động chưa bao giờ có, và hổn hển anh nức nở, đau đớn để những giọt lệ chan hòa trên mặt. 

Cái gì thế này không biết - anh tự hỏi thế và - em không muốn lìa rừng đâu, em không hiểu làm sao thế này, hay em sắp chết rồi Bagheera ơi". 

Không, em nhỏ ơi, đấy chỉ là những giọt nước mắt mà người đời thường có. Báo nói vậy, và tiếp: Từ nay em đã khôn lớn, em đã thành người không còn là "đứa trẻ" nữa và rừng rậm không còn hợp với em. Hãy để cho những giọt nước mắt đó chảy ra, chúng chỉ là những giọt lệ thường tình. 

Mowgli ngồi bệt xuống đất mà khóc sướt mướt vì từ trước cho đến lúc ấy không bao giờ Mowgli khóc cả. Anh tự nhủ "Ta phải chào mẹ ta trước khi lên đường về với loài người". Vừa đến hang, anh ôm lấy cổ Sói mẹ mà khóc trong khi bốn chú Sói con buồn bã sủa vang. Trong đời người làm sao chẳng có một vài buổi ly biệt vò xé tâm can mà chắc chắn chúng ta đã từng được hưởng. Lễ "tiễn Sói lên Đoàn" là một trong những phút nghiêm trọng mũi lòng em Sói và sốt ruột Sói già. 

Ít ai lường được sự buồn phiền của các Sói già khi phải hy sinh nhẫn nại tiễn đưa những chú Sói rường cột của mình. 

Sau bao nhiêu buổi họp, cuộc săn, sau những giờ nhàn tản cùng các em, sống chung với các em, từ lúc còn sơ sinh cho đến khi mở đủ mắt và có nhiều bằng chuyên môn. Biết bao công khó nhọc dạy bảo uốn nắn để vừa lúc các em tạm nên người thì cũng là giờ phải hy sinh đưa nộp các em cho đoàn, bất công thay nghề Bầy Trưởng. Kinh nghiệm dạy ta phải thận trọng và dư can đảm trong giờ phút chia ly ấy. 

Tôi còn nhớ buổi tiễn đưa một Sói Đầu đàn mà cả Bầy yêu mến. Tôi long trọng khuyên bảo các Sói trong Bầy và căn dặn các em phải làm sao kêu tiếng rồng lớn tạm biệt này cho hùng mạnh vì chẳng những là lời chào vĩnh biệt tuyệt đối mà còn là một lối cám ơn "vĩ đại" tiễn đưa một Đầu đàn, đã có rất nhiều thành tích vẻ vang trong Bầy, để nhắc nhủ anh đừng quên Bầy, quên Lời Hứa... 

Liếc mắt nhìn em, tôi vội đổi giọng vui ngay, vì bài diễn văn của tôi đã đi quá trớn. 

Với em Sói lên đoàn, tôi vui vẻ nói: Để Akela xem Sói Đầu đàn còn hô lớn như xưa không và đứng có khóc em, vì các anh Hướng Đạo đang đợi đón em kia mà, can đảm lên em. 

Dù tôi không nói thì tiếng Rống lớn ấy cũng vĩ đại, mạnh mẽ và cũng nhờ nó mà chú Đầu đàn thoát được nỗi nghẹn ngào trong họng để cùng hô lớn: "Gắng sức, gắng sức". 

Một em nhỏ chín tuổi sẽ quan trọng hóa buổi lễ tạm biệt của mình với Bấy và cho mình là chủ chốt buổi lễ đó song đứa trẻ 12 tuổi nghĩ khác. Ta hãy nhớ lại sự ngạc nhiên của Mowgli khi những giọt nước mắt đầu tiên xuất hiện. Nó cứ tuôn rơi hoài không sao ngăn nổi lúc Mowgli quá tuổi Sói con. 

Khi đứa trẻ tiếc thương vì phải lìa đoàn yên vui êm ấm của nó thì cũng là lúc mà năng khiếu xúc động nẩy nở điều hòa cùng với sự thông cảm của tâm hồn 12 tuổi. Sự tạm biệt Bầy Sói có thể là kinh nghiệm đầu tiên của cảm giác, cho nên lễ tiễn Sói sẽ tăng thêm giá trị khi ta tổ chức cho thật chu đáo, vừa long trọng vừa vui vẻ. Ta không nên làm cho Sói xúc động quá và bị ép buộc vào thế trang trọng huy hoàng, vì nếu vô tình mà một quan khách thì thầm hay cười trong khi Bầy làm tiếng Rống lớn là đủ làm bực mình chú Sói đang ngây ngất - cảm động. Theo ý riêng tôi, ta nên làm lễ lên đoàn thân mật vui vẻ trong khuôn khổ Rừng mà đừng mời ai lạ không thuộc Rừng thì hơn. 

Hãy tạo tác thêm ra các kiểu lễ nghi tiếp nhận chú HĐ mới vào đoàn miễn là đừng làm hoang mang tinh thần chú đó và nhất là các đoàn sinh của bạn biết dự các lễ nghi vì rất có thể một số đoàn sinh không nghiêm trang nổi hết buổi lễ hay cười ròn là xúc phạm đến tự ái và sự nghiêm chỉnh thường có khi các Sói đứng trên vòng danh dự làm tiếng Rống lớn. 

Đó là đối với các chú mến tiếc Bầy. Còn những em không có ý kiến gì khi được lên đoàn, nghĩa là lên đoàn hay ở Bầy cũng không quan hệ gì (ba phải) thì một lễ nghi thường và khéo có thể làm em cảm động và gây ích lợi cho em được. 

Ta phải tùy theo trường hợp nhu cầu và tinh thần của Bầy, của đoàn mà thay đổi, thêm bớt, tổ chức lễ lên đoàn cho phù hợp và có ảnh hưởng đến tính tình chú Sói, sửa soạn cho chú mến chuộng say sưa tiến tới chân trời mới lạ: Thiếu đoàn. 

Đến đây ta cần phải thành thật mà tự vấn việc này: Tại sao có nhiều em Sói không lên đoàn hay nhập đoàn ít lâu là bỏ liền? 

Không cần phải tìm hiểu tất cả nguyên ủy của sự thất lạc đó mà chỉ cần hiểu rõ vấn đề chính này: chú bé khi lên đoàn là đứng vào giữa cái tuổi hết thơ ngây, những xúc cảm dễ bề phát triển, cho nên cần phải săn sóc đặc biệt. Em đó không phải là một tân quân thường vì chuyên môn HĐ chú đã khá giỏi, nào cứu thương, truyền tin, gút... tuy chưa đủ để làm một tân quân song em đó cũng không còn là một Sói nữa. Vì thế, muốn khai thác được tâm hồn đó Bầy Trưởng cũng như Đoàn Trưởng phải biết hòa hợp và thông cảm tư tưởng của em với mình và đối xử lôi kéo em đó một cách khéo léo kiên nhẫn mới mong thành công. Hãy nói về phần Bầy Trưởng: có thể là Sói Đầu Bầy mà Bầy Trưởng phải đành lòng cho em lên đoàn, em có đủ các đức tính cần thiết, tháo vát, lanh lẹ, quen lãnh đạo, giỏi chuyên môn và nhiều sáng kiến mới lạ cũng như rất phục thiện, can đảm, hòa nhã và vui tươi. Lễ lên đoàn được tổ chức rất thân mật và cảm động, và Bầy Trưởng tin chắc em sẽ thành 1 đoàn sinh hoàn toàn nếu không xuất sắc nhất. Đinh ninh thế rồi còn lo tìm Sói Đầu đàn, lo giữ vững tinh thần Bầy và gây lại phong độ mạnh mẽ khi trước.... và nếu có nhớ tưởng tới chú Sói thân yêu của mình thì lại tin chắc vào anh Đoàn Trưởng thừa tài dìu dắt, như vậy rồi lãng quên đi, thế là hỏng cả công chăn dắt mấy năm trường. 

Lúc vào Bầy 8 tuổi, em là chú bé ngộ nghĩnh ngây thơ. Nhập Bầy là cốt để chơi vui chứ không có ý để trở nên một thiếu niên lanh lợi. Lúc em 10 tuổi, khi được gắn bằng chuyên môn, em đã đỏ chín mặt mày vì sung sướng. Sáu tháng sau, em thản nhiên dẫn dắt đoàn và hoàn tất dễ dàng. 

Bây giờ 12 tuổi, mọi sự đều thay đổi, phiền toái khó khăn. Cái nhân cách con người thức tỉnh trong em, và làm cho chú bé nhút nhát, e dè, nên làm cho em bớt cười ít nói. Chú bé còn cảm thấy nhiệm vụ nặng nề mà ngại ngùng vì biết rõ sự vật nên thiếu hẳn đức tự tin. Tự nhiên em che đậy dấu diếm hết những gì thèm muốn ước ao nhất, những cái làm em lưỡng lự, nghi hoặc hoang mang và những cái thắc mắc thầm kín nó đòi hỏi dày vò tâm trí em vì thế ý tưởng thoát xác "Sói" để thành thiếu sinh đối với em quả là một cuộc mạo hiểm phiêu lưu kỳ dị. 

Đối với gia đình em lên đoàn chỉ có nghĩa là thay mũ và đổi quần áo, thay dây "đeo quần" bằng thắt lưng da. Bầy Trưởng là người hiểu biết nhất và luôn luôn được em nhắc là em không muốn lên đoàn. Em chả thích cái tuổi 12 đâu và ở trong tình trạng luyến tiếc, không được cởi mở tâm hồn với người em tin tưởng, không được hưởng những lời an ủi khuyên răn và sự trìu mến cần thiết để hiểu rõ và mến phục anh Đoàn Trưởng cũng như thiếu đoàn mà em gia nhập, nói rõ hơn là không được Bầy Trưởng cứu trợ đặc biệt mà em Sói phải bước qua giai đoạn Ấu Thiếu... 

Ấu đoàn mà em mê mải ham thích từ 4 năm nay đối với em đã thành rừng cấm vì sự lơ đễnh nêu trên. Và cái làm em Sói đau lòng và phật ý nhất có lẽ là Bầy vẫn tiến đều dù không có em, đàn cũ của em vui vẻ hơn với Sói Đầu đàn mới. Anh Tân Sói Đầu đàn tỏ ra quan trọng và được Bầy Trưởng giao cho nhiều trọng trách trong khi chú bé ở trên đoàn đang bị lạc lõng thiếu thốn muốn về chơi với Bầy cũ mà không dám vì không mời. Chả lẽ đến quấy Bầy Trưởng vì em biết là bận rộn luôn. Vì thế không đâu em đó bị khủng hoảng tinh thần kịch liệt và thiếu hết cả động lực để có đủ can đảm tự giải thoát. Tình trạng này chỉ có Đoàn Trưởng là cứu nguy được vì Bầy Trưởng đã vô tình để em sa hố. 

Anh Đoàn Trưởng thật là một huynh trưởng tốt, nhưng tội là anh chưa quen với các em Sói lên đoàn và chưa nhận thức được giá trị chuyên môn cũng như tinh thần của các em, tương đối bó buộc các chú lính mới vào Đoàn. Anh cũng nên quên ngay việc dặn em mang y phục Sói đến họp để em vui vẻ tự hào vì đã sống trong đoàn thể. Anh cũng cứ tưởng là em Sói lên đoàn sẽ ham thích những mới lạ của y phục Hướng Đạo, trò chơi chuyên môn, cách xưng hô trong gia đình Hướng Đạo... Anh quên là đôi mắt nhận xét của em đã mở từ lúc hai sao và trông đợi tìm kiếm ở anh, ở anh Đội trưởng, ở các đoàn sinh những cái gì cao cả hơn, trật tự hơn và oai hùng hơn ở Bầy. Anh Đoàn Trưởng quên là sự xét đoán của em sẽ nghiêm khắc. Hơn nữa, anh Đội Trưởng được giao phó trọng trách cắt nghĩa luật HĐ cho em lại không ngờ em Sói lên đoàn kỳ vọng rất nhiều vào Luật Hướng Đạo mà sự khao khát để anh Đội Trưởng không sao thỏa mãn được. Sau cùng anh Đoàn Trưởng cũng quên không cho em sớm làm lễ tuyên hứa, vì tưởng em cũng như các trẻ mới vào Hướng Đạo làm em đó khó chịu như người thiếu hơi thở. 

Nhiều khi em còn bị rầy rà vì Sói cũ mà lười hay sao sao chi đó, anh Đoàn Trưởng có hiểu đâu các món tân quân của đoàn sinh em đó đã được trau dồi rất linh hoạt khi còn ở Bầy. 

Còn phải ghi nhớ rõ là một Sói Đầu Đàn khi không mất hết quyền chỉ huy, những gương sáng và việc làm của em đều không được đếm xỉa tới nữa, tự nhiên đứa trẻ 12 tuổi đó phải phẫn uất và oán hờn vu vơ có khi đến bỏ đoàn. 

Đó là chuyện chú Sói Đầu đàn tuyệt hay trở nên một tân quân Hướng Đạo hư hỏng lười lĩnh từ lúc lên đoàn và biết đâu chú đó phụ lòng mong ước của Bầy Trưởng mà ra khỏi đại gia đình Hướng Đạo không thương tiếc. 

Tuy vậy vấn đề cũng sẽ đẹp đẽ hơn nếu Bầy Trưởng và anh Đoàn Trưởng chịu hy sinh và linh động hơn luôn. Nó sẽ tốt đẹp và giải quyết được hẳn nếu Bầy Trưởng cương quyết và âm thầm hy sinh thực sự cho cá nhân em Sói, lòng hỉ xả đó chẳng ai biết tới, dù là Đoàn Trưởng, phụ huynh hay chính cả em Sói ấy cũng không hay. Ấy là việc cho chú Sói 11 tuổi sớm lên đoàn 1 năm (nếu về thể chất em đó dồi dào) như vậy đứa trẻ dễ quen thuộc với không khí với Đoàn hơn và chắc chắn sẽ trung thành ở lại với Đoàn. Và lý do vững chải nhất là thời kỳ 11 tuổi đứa trẻ dễ uốn nắn nhất, tâm thần, thể chất của chúng cũng vững vàng hơn tuổi 12. 

Chúng còn là hiện thân của hoan lạc và không hề biết chán nản hay ngại ngùng việc gì ở Bầy: chơi, chuyên môn hay công việc. Chúng hãnh diện về danh dự Sói con của mình để mang tất cả lòng nhiệt thành đó lên đoàn. Sau cùng là chúng dám hy sinh dễ dàng cái "oai quyền" Đầu Đàn của mình, vì chúng có tinh thần kỷ luật hơn đứa trẻ 12 tuổi. Tóm tắt là chúng đã tự đặt luật chơi nhất định, tạm hoãn cuộc chơi khi đang hăng hái nhất, nếu chúng ta muốn hôm sau tiếp tục vui hơn. Trò chơi "Sói con lên Đoàn" cũng vậy, và kẻ chịu hy sinh nhiều nhất vẫn là Bầy Trưởng, vì những Sói hay có thể tin cậy được, nhất là trong những cuộc họp bạn, săn chung, hội Bầy... đều phải xếp lại vì các chú ấy đã lên Đoàn rồi. Song, trong khi âm thầm chịu thất thể diện đó, thì Bầy Trưởng phải biết tự an ủi mình rằng đã nghĩ đến tương lai và quyền lợi của em Sói nói riêng và của phong trào Hướng Đạo nói chung. 

Dù chịu sự hy sinh đó song một Bầy gồm toàn trẻ từ 8 đến 10 tuổi vẫn dễ xoay sở hơn là có thêm mấy em lớn tuổi, bởi không khí Bầy hợp với mấy em đó nhiều hơn là các trẻ 11, 12 tuổi. Bầy Trưởng không còn phải giải thích những thắc mắc quá quẩn của bọn trẻ quá 11 tuổi nữa. Và khỏi bực mình về sự thay đổi quá đột ngột của Sói Đầu Đàn ngoan nhất, trở nên lỳ lợm hay gieo rắc rối, mất trật tự trong Bầy và chỉ tìm cách lẩn để tránh khỏ phải làm việc ở trại, đi họp thất thường, chơi hay cáu kỉnh gây lộn và chia bè phái trong Bầy. Tại vì đến tuổi 12 đó, tự nhiên chúng thấy bực dọc, khung cảnh rừng không còn hợp với chúng nữa, nên thành khó tính, chúng quá tuổi Sói và không còn thích chơi với trẻ con nữa. Ảnh hưởng và uy quyền của Thiếu Trưởng hợp với tuổi 12 hơn Bầy Trưởng, chúng là đội viên thiếu sinh hơn làm Sói Đầu đàn và những huấn lệnh nghiêm khắc hợp với chúng hơn là những nhận xét thân mật của Bầy Trưởng. 

Có những Sói con khó tính lù đù mà trở thành những thiếu sinh hoàn toàn, trái lại những Sói tuyệt hảo lại không chịu chơi với đoàn mà bỏ đi mất. 

Lối hạ tuổi lên đoàn của Sói làm cho Bầy Trưởng rất khổ tâm và cũng làm cho Đoàn Trưởng khó chịu vì phải nhận những chú HĐ tý hon, song, vì Bầy là vườn ương cho đoàn nên những mầm non nào mà Bầy Trưởng hy sinh cho đoàn đều chắc chắn có kết quả. 

Ta còn nên hy sinh bởi mỗi ngày đều có những chú Sói sơ sinh muốn được săn với Bầy, những bàn tay thơ dại ấy hướng về chúng ta cầu khẩn mãi. Cái đặc quyền của Bầy Trưởng là được nâng đỡ dạy bảo cho chúng biết mở mắt nhìn sự thể cho đúng với "tính bản thiện của trẻ nhỏ". Riêng chúng ta có hân hạnh thức tỉnh giác quan của chúng, làm phát triển tư cách thông minh của trẻ và chỉ bảo cho chúng hiểu biết và tinh tường để khỏi bị thời gian làm sai lạc. Trước khi bỏ rừng, Mowgli đã giết được Shere Khan. Hổ Thọt đối với rừng là hiện thân của sự hèn kém, vị kỷ nhỏ nhen. Song nếu không có những kiên tâm, cố gắng dạy bảo tập rèn của Sói Bố, Sói Mẹ, của Akela, Bagheera, Baloo và dân rừng thì có bao giờ Mowgli giết được Shere Khan. 

"Con ơi hãy mau mà trở lại Rừng". Lời Sói Mẹ nhắn Mowgli lúc tạm biệt. 

"Mẹ ơi con sẽ trở lại Rừng", Mowgli đáp và lúc đó là để trải da cọp Shere Khan trên hòn đá Hội Đồng, "Mẹ đừng quên con và nhắc nhủ dân Rừng rằng đừng bao giờ quên Mowgli cả". 

Mặt trời vừa ló trên đồi, Mowgli lững thững một mình, bước trên con đường đi tới với những sinh vật bí hiểm mà dân Rừng gọi là "Loài Người". 

Trần Văn Lược 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26