Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

VỤ ÁN GIÁN ĐIỆP 35 NĂM TRƯỚC:

ĐIỀU TRA VIÊN CŨNG MONG XÉT LẠI BẢN ÁN 


TP - Cựu điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thúc Tuân hơn 35 năm trước cho rằng, trong không khí đổi mới hiện nay, cần xem xét lại vụ án. 

'Vụ án gián điệp' 35 năm trước: Cụ già 101 tuổi kêu oan 


Kế hoạch ra Trung ương minh oan cho ông Nguyễn Thúc Tuân của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - ông Lê Minh tiếc thay không thành, vì năm 1990, ông Minh đã qua đời vì bệnh nặng. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng quan trọng liên quan vụ án này hiện vẫn còn sống. Các ông Nguyễn Hữu Hường, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ) đều chung nhận định: nếu cho rằng ông Tuân làm nội gián cho địch thì cơ quan tố tụng phải chỉ rõ hậu quả của việc đánh phá cách mạng như thế nào, cụ thể bao nhiêu cơ sở cách mạng bị bắt, bao nhiêu người hoạt động bí mật bị chỉ điểm? Đằng này, bản án nhận định chung chung như thế là không được. 

Ông Nguyễn Hữu Hường là cấp trên của ông Tuân, nguyên là Thành ủy viên Thành ủy Huế giai đoạn 1954-1975, Bí thư huyện ủy Hương Trà trong kháng chiến chống Pháp, hiện còn sống ở Huế, lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa. Ông Hường lý giải: "Kết tội ông Tuân chui sâu leo cao, là không có cơ sở. Còn chuyện bản cam kết làm việc với địch thì hầu như ai ở tù ra cũng có một bản như thế cả. Nếu ông Tuân mà là gián điệp thì bọn tôi chết cả. Bởi vì ông Tuân và vợ ông biết rõ địa bàn hoạt động của chúng tôi, những cán bộ Thành ủy Huế. Chúng tôi đi lại, ăn ở hoạt động ở đâu, ông Tuân đều biết cả và luôn bảo vệ chúng tôi. Cho nên quy cho ông Tuân làm gián điệp là oan, cần xem xét lại vụ án này...". 

Ông Hường nói thêm: "Tôi cùng các cán bộ hoạt động nội thành Huế như Phan Nam (nguyên thường vụ Thành ủy Huế), ông Tư Minh đều xác nhận vụ án kết tội Nguyễn Thúc Tuân làm gián điệp là oan sai. Chúng tôi đã trình bày, ký tên để đồng chí Tư Minh ra Hà Nội kêu với Bộ Chính trị và Quốc hội minh oan cho ông Tuân. Đáng tiếc là ông Tư Minh mất sớm nên câu chuyện bỏ dở nửa chừng. Những anh em hoạt động bí mật nội thành Huế cũng biết rõ ông Tuân, cũng như bà con làng Thanh Lương quê ông, ai cũng quý mến ông "

Ông Nguyễn Đắc Xuân, một người hoạt động trong phong trào đô thị Huế, sau đó là cán bộ Thành ủy Huế, hiện là nhà nghiên cứu văn hóa, cũng nói: "Không có chuyện ông Tuân làm gián điệp. Làm gián điệp thì phải gây ra hậu quả cho cách mạng. Cơ quan điều tra phải chỉ ra hậu quả cụ thể. Còn chuyện bản cam kết thì chỉ là cách thức đối phó mà thôi". 

Ông Lê Công Cơ, 50 năm tuổi Đảng, Nhà giáo ưu tú, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) là người hoạt động bí mật ở Huế rất nhiều năm với bí danh Lê Phương Thảo, là Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên-Huế (1969-1972), Thành ủy viên Thành ủy Huế (1972-1976). Ông Cơ cho rằng: "Chuyện bị địch bắt vào tù rồi khai báo qua loa để thoát ra thì cũng là điều dễ hiểu. Nếu buộc tội ông Tuân làm gián điệp cho địch thì phải chỉ ra hậu quả của việc làm này". Ông Cơ cũng từng là đại biểu Quốc hội khóa 8, thành viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội. "Ông Tuân là đại biểu Quốc hội, nhưng việc ông ấy bị bắt mà Ủy ban pháp luật Quốc hội vẫn chưa được báo cáo rõ. Đáng ra cơ quan này phải được biết tình hình vụ án. Vì vậy, nếu ông Tuân đã gửi đơn kêu oan và xét thấy có dấu hiệu oan sai thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét lại vụ án" - ông Cơ nói. 

Cần xem lại vụ án 


Lần theo các tài liệu, chúng tôi đã gặp được một nhân chứng quan trọng từ một phía khác của vụ án "gián điệp Nguyễn Thúc Tuân". Ông là Nguyễn Quang Hưng, nguyên Trung tá phản gián của đơn vị bảo vệ an ninh nội bộ thuộc Ty Công an tỉnh Bình Trị Thiên, điều tra viên chính của vụ án này. 


Ông Nguyễn Quang Hưng. 

Trả lời PV Tiền Phong, ông Hưng xác nhận mình là "chủ công" trong điều tra phá vụ án. Trầm ngâm một lúc, ông Hưng nói: "Nghiên cứu hồ sơ của địch để lại thì thấy ông Tuân cộng tác với địch hạn chế, không có mấy. Hình thức thì có làm mật báo viên nhưng nội dung thì không có. Địch bảo nếu có người của ta liên lạc thì báo cho chúng bắt, nhưng ông Tuân không báo, tránh gây tổn thất cho cách mạng. Cả chuyện nói ông Tuân được địch cài cắm ra vùng giải phóng và ra miền Bắc sau tết Mậu Thân 1968 cũng không có cơ sở. Tóm lại vụ án ông Tuân nhiều điều chưa được làm sáng tỏ. Đáng ra vụ án này phải làm sáng tỏ cách đây 5, 7 năm, khi nhiều người trong cuộc còn sống. Thời đổi mới, dư luận muốn xem xét lại vụ án này vì cho rằng ông Tuân bị oan. Bản thân tôi cũng thấy ông Tuân bị oan, bị xử lý nặng. Sau này, khi tổng hợp hồ sơ vụ án, tôi cũng đề nghị phục hồi chế độ chính sách cho ông Tuân, nhưng cấp trên của tôi nói thôi chuyện qua lâu rồi, nhắc lại làm chi". 

Theo ông Hưng, lúc đầu ông Tuân chỉ bị tạm giữ thôi. Sau đó, các điều tra viên khai thác một số người của cảnh sát Thừa Thiên và họ khai báo thêm về việc họ bố' trí ông Tuân làm mật báo viên. Nếu chỉ theo hồ sơ địch để lại thì cũng có thể không thành án. 

Ông Tuân vẫn trước sau như một: "Tôi có lỗi với Đảng vì tôi là đảng viên mà không báo cáo với tổ chức về việc giả vờ nhận làm cho địch để sớm ra tù hoạt động cách mạng. Còn ngoài ra tôi không có tội gì cả, tôi không làm bất cứ điều gì có hại cho cách mạng và nhân dân"

Chia tay chúng tôi, ông già ngoài trăm tuổi Nguyễn Thúc Tuân nước mắt lưng tròng: "Tôi chỉ mong một lời minh oan để nhắm mắt thanh thản!". 

Theo Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam thì việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ. Ông Tuân có thể tập hợp các hồ sơ, tài liệu để tiến hành lại từ đầu các thủ tục đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Luật sư Lê Cao - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng 

***

Trưởng Nguyễn Thúc Tuân trước năm 1975



Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26