Sáo Dễ Thương
Kỳ này, tôi viết về một dân rừng thân thương, người cùng xóm cùng làng, cùng ở Trần Quốc Toản, cùng dự trại Bạch Mã Thiếu năm 1965, Quốc Gia Kha 1966, cùng là giáo viên, cùng lưu lạc phương Nam, và hiện cùng bệnh tật. Đó là Trâu Khiêm Tốn Nguyễn Hữu Lô, một dân rừng nổi tiếng vì tính cách lạc quan, khôn khéo và tình nghĩa. Bài này cũng là bài mừng bát tuần thượng thọ của anh Trâu. Xin trích chút ít về anh trong cuốn Chuyện Kỳ Thú Về 4875 Dân Rừng Bách Hợp.
Trâu Khiêm Tốn NGUYỄN HỮU LÔ
Dân Rừng LĐ Trần Quốc Toản Thừa Thiên Huế. Sinh hoạt từ Thiếu sinh lên đến Kha trưởng LĐ Trần Quốc Toản. Quốc Gia Kha đầu tiên của ngành Kha HĐVN (1966). HHR Kha 1967. MC siêu hạng, ồn ào mọi lúc mọi nơi, đem nguồn vui đến cho người chung quanh nhưng nội tâm thì chứng tỏ một HĐS có chiều sâu.
Anh là Hiệu phó Trung học Nguyễn Chí Diễu ở Huế. Khi hưu dưỡng về sống ở quận Gò Vấp, Sài Gòn. Khi phó hội quần hùng Bỉ Đường Sơn, năm 2013 thì tuy đã gần bát tuần nhưng còn mạnh khỏe nên anh quậy tới bến. Đi trại mà tưởng vào chốn ăn chơi, lè kè bên mình chai rượu, gặp ai tri kỷ tri âm thì móc ra nên có thơ:
Trâu Khiêm Tốn quả siêu sao,Nhập trại Hướng Đạo tưởng vào quán bar.Lang thang khắp cội thông giàRượu Tây, rượu Đế đều là tri âm.
Ngày 10/12/2016 , nghe tin bệnh cũ của anh Lô tái phát, Tê Giác Tận Tụy cùng tôi đến thăm. Tôi kinh ngạc khi nghe thoang thoảng mùi bia, hỏi ra mới biết vì nể bạn nên anh dùng mấy lon. Sửng sờ hơn khi thấy anh ốm o gầy gộc, khác với nét tròn trịa mà ngày xưa anh được tặng biệt danh là "Lô Hột Mít". Tôi buồn buồn than thở thì anh nói: "Mình bị bệnh cách đây 9 năm tưởng đã ra đi mà nay còn sống là lời được 9 năm rồi, cứ bình thản mà sống." Sau đây xin trích 1 bài viết của anh Trâu, chứng tỏ ngoài việc tếu táo, giúp vui mọi người, anh còn là một cây viết có hạng:
ĐỘI TRƯỞNG CỦA TÔI
Tôi muốn viết về anh Tôn Thất Bình, Đội trưởng đội Voi Trần Quốc Toản của tôi. Sở dĩ nhắc đến anh Đội trưởng, bởi anh khác tính tôi một trăm phần trăm. Anh chậm ri, trầm tĩnh, điềm đạm, từ tốn, mẫu mực trong sinh hoạt và trung thực trong việc làm.
Vào Hướng Đạo ở tuổi thiếu sinh, với tuổi học trị bậc trung học, mang sẵn tính hiếu động, sôi nổi, khá tinh nghịch, mọi tật xấu của cái tuổi đó đều có trong tôi và cứ nghĩ rằng khi vào Hướng Đạo, sẽ cho tôi một thỏa mãn với cái tính vốn dĩ của mình. Với những suy nghĩ nông cạn như thế, một thời đã làm anh Đội trưởng Bình khá vất vả về tôi. Thời sinh hoạt Hướng Đạo luôn gắn bó với đội Voi, đã trải qua biết bao kỷ niệm nhưng tôi chỉ đơn cử một kỷ niệm để các bạn suy ngẫm.
Năm 1958, đạo Thừa Thiên tổ chức thi dựng lều nhanh tại sân vận động Thành Nội, cạnh Hội Quán, đội nào dựng xong thì hát một bài. Đội Voi Trần Quốc Toản xong đầu tiên và hát vang bài Đội Ca với niềm tự hào của mình. Bỗng đâu tôi thấy một cọc lều bị xiên không thẳng hàng với ba cọc kia. Nhanh như chớp, tôi đến điều chỉnh lại cho ngay ngắn rồi quay về vị trí cũ tiếp tục hát rất sôi nổi, sau đó, máy phóng thanh của Ban Quản Trại tuyên bố, hôm nay đội Voi của Thiếu đoàn Trần Quốc Toản đạt giải nhất về dựng lều nhanh nhất của Đạo Thừa Thiên.
Anh em vui mừng hớn hở nhưng anh Bình tay cầm cờ Đội tiến thẳng đến Ban Quản Trại. Lát sau, anh trở về cho anh em hát lại bài Đội Ca rồi nghiêm túc nói: 'Tôi đã Iên Ban Quản Trại xin từ chối giải nhất, vì khi dựng lều xong để hô tiếng Đội mà một em còn loay hoay sửa lại cọc lều cho ngay ngắn, thế Ià không ngay thẳng, phạm luật chơi...'.
Sau này, anh Bình với tính cách từ tốn leo từng nấc thang lên làm Giáo sư Đại học Văn Khoa Huế, nổi tiếng là một giảng viên mẫu mực, có nhiều công trình biên soạn về vua quan Triều Nguyễn, phong tục tập quán của Cố Đô Huế.
Còn tôi ư? - Với sự nhanh nhẩu tôi cũng thành công trên đường đời. Lắm lúc gặp cảnh khó khăn, bon chen mưu cầu sự sống, nhiều lúc muốn bỏ quên luật Hướng Đạo, nhưng chợt nhớ đến anh Bình với buổi tối dựng lều thi cách nay hơn nửa thế kỷ, tôi lại thấy phấn chấn tự nhủ lòng "cứ theo đường thẳng trong Hướng Đạo".
Trâu Khiêm Tốn I Nguyễn Hữu Lô
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét