Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

TIẾC THƯƠNG CỤ VOI GIÀ





Tại Pháp, ngày 7/11/2016 cụ Voi Già Nghiêm Văn Thạch đã lìa rừng, thọ 87 tuổi. Có thể nói Tr. Nghiêm Văn Thạch là vị huynh trưởng có chiều sâu HĐ bậc nhất: 

Từ những năm đầu của thập niên 1950, Tr. Thạch đã rất nổi tiếng trong Tráng đoàn Bạch Đằng (Hà Nội), thuộc Đạo Đồng Nhân, Châu Thăng Long. Anh là Đội trưởng Đội Voi trong Thiếu Đoàn Bạch Đằng mà Thiếu trưởng là cụ Hươu Nóng Tính Trần Trung Du. Khi trưởng Du làm Tráng trưởng thì Tr. Thạch làm phụ tá. 

Năm 1954, Tr. Thạch di cư vào Nam, thành lập Đạo Hoa Lư, thuộc Châu Gia Định, sau đó lập đạo Kỳ Hòa dành riêng cho người Việt gốc Hoa tại Chợ Lớn, mời Tr. Đỗ Văn Ninh làm Đạo trưởng. Khi phong trào phục hưng mạnh, HĐ được ưu ái, có tiếng nói trên đài phát thanh, mỗi tuần 20 phút. Tr. Thạch đã phụ trách chương trình này cùng với Tr. Sói Mơ Mộng Võ Văn Thơm. Về sau khi có đài truyền hình, HĐ cũng được dành 30 phút mỗi tuần. Tr. Thạch, Tr. Thơm và Tr. Đỗ Quý Toàn phụ trách chương trình này. 

Năm 1969 - 1972, anh là Phó Tổng ủy viên kiêm Ủy viên ngành Tráng trong nội các Tr. Trần Văn Lược. 

Tr. Thạch là tác giả kịch bản Trại họp bạn toàn quốc năm 1970 tại Suối Tiên. Đây là kỳ trại hoành tráng bậc nhất của HĐVN, kỳ trại mà  

Tổng Thống với tư cách là một cựu HĐS đã đánh trống giữ nhịp cho nữ Tráng Mê Linh đồng ca bài "Dòng sông hát"; các ông Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ đều có đến thăm trại. Đặc biệt Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã đến trại dâng Thánh lễ và Ngài Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo cũng đến làm lễ tinh thần cho HĐS Phật Giáo. Sau kỳ trại này, Tr. Thạch được bộ ngoại giao cử sang Pháp làm Tùy viên văn hóa nên đành bỏ dở cuộc chơi. 

Khi Hội đồng Trung ương HĐVN tại Hải ngoại được thành lập, Tr. Thạch đã đóng vai trò tích cực và được bầu làm cố' vấn. 

Năm 1985, Tr. Nghiêm Văn Thạch là Trại trưởng Trại Họp bạn Thế giới HĐVN đầu tiên được tổ chức tại Jambville (Pháp quốc) mang tên Thẳng Tiến. 

Tr. Thạch không những là một kho tàng sử liệu HĐ của Việt Nam mà còn của Đông Dương, những tài liệu quý mà tôi có được là do anh cung cấp, lấy từ các thư viện của HĐ Pháp. Anh nói với tôi có những tờ báo xưa cũ của HĐVN như Tenir, Thẳng Tiến, Tráng sĩ... ở Việt Nam không có nhưng các viện Bảo Tàng ở Pháp thì có đủ. 

Khi tôi sang Pháp, anh đã đến ngay khách sạn thăm tôi, ngồi nói chuyện từ 7 giờ tối cho đến 6h sáng mai. Mãi đến khi qua điện thoại, chị Thạch nói: 

    - 9 giờ sáng nay anh qua Mỹ, bây giờ ở đâu mà chưa về? 

Lúc ấy, anh mới đứng lên ra về.  

Xin kể một câu chuyện vui nói lên tính cách Voi Già (còn có tên rừng khác là Voi Cẩn Thận): 

Năm 1958, anh Trần Văn Hiến là nhân viên của Bộ Thanh Niên được gởi lên Hồi Nguyên, Bảo Lộc, Lâm Đồng tham gia kỳ trại Bạch Mã Thiếu với tư cách là quan sát viên. Ban quản trại mến nên ưu ái cho anh Hiến làm Trại sinh thay vì quan sát viên. Nhờ múa dẻo, hát hay, tích cực tham gia đời sống trại nên cuối khóa anh Hiến được Hội đồng rừng chiếu cố, Chúa sơn lâm là Voi Già. Voi Già thử thách bằng cách lấy lưỡi dao nhọn cắm mũi lên trời, hỏi anh Hiến có dám dùng bàn tay đập thẳng vào mũi dao hay không? Biết chỉ là thử thách nên anh Hiến vội nói: "Sợ gì mà không làm." Rồi đạp mạnh bàn tay xuống mũi dao, anh Thạch thất kinh vội rút dao về trong gang tấc. Giận thú mới xin nhập rừng mà láu cá nên Voi Già đặt tên cho anh Hiến là Khứu Láu Cá, nhiều anh em can ngăn nên Tr. Thạch đổi lại là Khướu Láu Táu. Tr. Hiếu buồn lòng với từ "láu táu", nên có trình bày với các tổ sư ngành Ấu như Tr. Lược, Tr. Ngoạn, Tr. Tuân. Các cụ này đều lắc đầu, bó tay, chỉ an ủi anh Hiến mà thôi. Mãi sau này khi gia nhập Tráng đoàn Ra Khơi của Tr. Sói Trầm Lặng Mai Liệu, thì mới được thương tình cho đổi tên thành Khướu Tận Tâm. Chuyện đã qua 60 năm mà nay khi kể lại, LT Trần Văn Hiến vẫn rất hào hứng vì đã được trải qua một kỳ trại đầy hào hùng và lãng mạn ở miền rừng núi hoang sơ nhiều thú rừng như nai, heo rừng, hoẵng và nhất là vắt. 

Ngày 16/10 Tr. Lê Trường Thọ (*), nguyên Đạo trưởng Đạo Kiếm Hồ lìa rừng thì ngày 7/11/2016 Tr. Nghiêm Văn Thạch - cựu Đạo trưởng Hoa Lư cũng ra đi. Chưa đầy một tháng mà 2 vị huynh trưởng kỳ cựu của phong trào đã ra người thiên cổ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (tức Hươu Bà Bà Trần Trung Du), đang nằm trên giường bệnh vì chân bị gãy, đã ngậm ngùi than thở: "Cả anh Thạch lẫn ông Thọ đều là bạn thân của chúng tôi. Anh Thạch là đệ tử anh Du, là Thiếu sinh rồi Tráng sinh Bạch Đằng, anh Du quý mến anh Thạch lắm. Khi vào Nam (sau năm 1954) các anh em Bạch Đằng - Hà Nội tụ họp tại Sài Gòn, lập Đạo Hoa Lư, mời Tr. Du làm Đạo trưởng, anh Du đề bạt anh Thạch giữ chức vụ này, còn mình vẫn giữ chức Tráng trưởng. Năm 1969, Tổng Ủy Viên Trần Văn Lược mời anh Du làm Phó TUV kiêm UV ngành Tráng. Cả 2 chức vụ này anh Du đều ủy nhiệm cho đàn em là Voi Già gánh vác, còn ông Hươu thì vẫn là Tráng trưởng muôn năm. Ông Lê Trường Thọ thì lại là bạn cố' tri của gia đình chúng tôi từ khi còn ở Hà thành, cho tới khi vào Nam, sang Lào, cũng như Canada. 

Những năm tháng khó khăn ấy, cả 2 ông này đều ân cần gởi quà biếu, gọi là "để có cái mà thăm nuôi ông ấy..." Thế mà hôm nay cả hai ông đều đã ra đi mà tôi không đến thắp cho các ông ấy một nén nhang... Thật là buồn!" 

Nói xong bà ràng rụa nước mắt, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già như nén tâm nhang tiễn đưa Sư Tử và Voi lên đường. 

Ghi chú: 

Năm 1936 trại Huấn luyện cấp Bạch Mã đầu tiên của 5 xứ Đông Dương được tổ chức tại đồi Tùng Nguyên, có 70 Trại sinh, Trại trưởng là Raoul Serenne; Nha đốc lý Đà Lạt cấp cho trại 44 mẫu đất thuộc Hoàng triều cương thổ. Năm sau trại chuyển về Bạch Mã (Huế). Năm 1956 - 1957 mở trại ở Hồi Nguyên (Bảo Lộc), ở đây nhiều vắt, muỗi và rắn độc quá nên chỉ tổ chức được 2 kỳ trại rồi dời về Tùng Nguyên. 

Lê Trường Thọ - nguyên là Đạo trưởng Kiếm Hồ, Châu Thăng Long từ năm 1950. Trước có tên rừng là Sư Tử Đen, đến năm 1953, khi tham dự Trại họp bạn ngành Tráng ở Tùng Nguyên, Đà Lạt, xớ rớ thế nào đó gặp cụ Gà Hùng Biện Trần Điền, cụ Gà Trại trưởng phán: "Hình dáng chú em đặt Sư Tử Đen thì có hay ho gì, ta đặt lại cho chú là Sư Tử Hoạt Bát, để theo đó chú bỏ tật cà lăm." Thế là từ đó, Sư Tử Đen thành Sư Tử Hoạt Bát. 

Giữ Vững Mối Dây 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GVMD từ 18-25

  NHẤP VÀO HÌNH ĐỂ ĐẾN GVMD SỐ......