Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

BẢO VỆ TRẺ EM

Trong xã hội Hoa-Kỳ, vấn đề bảo vệ thanh thiếu niên là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, các cơ quan tôn giáo, học đường, vv... Ví dụ như các nhà thờ Công Giáo trong địa phận San Jose, mọi người lớn phục vụ trong nhà thờ, kể cả các trưởng Hướng Đạo (HĐ) thuộc nhà thờ đều phải lăn tay (để điều tra lý lịch) và học lớp bảo vệ trẻ em của giáo phận mỗi 3 năm một lần (tôi không biết rõ về các nơi hay hệ thống tôn giáo khác). 

Với mục tiêu tạo ra một môi trường lành mạnh và an toàn cho các em, Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ (Boy Scouts of America - viết tát BSA), cũng quan tâm không kém về điều này. Hội có in một tập sách nhỏ "Bảo Vệ Trẻ Em - Làm Thế Nào Để Bảo Vệ Con Em (của bạn) từ sự Lạm Dụng Trẻ Em: Hướng Dẫn cho Cha Mẹ" (Youth Protection - How to Protect Your Children from Childs Abuse: A Parent's Guide) và đính kèm trong tất cả các sách cẩm nang từ chương trình Ấu (Tiger Handbook, Wolf Handbook, Bear Handbook, Webelos Handbook) và cẩm nang cho ngành Thiếu (Boy Scouts Handbook). Tập sách đính kèm dầy 24 trang và có thể lấy rời ra khỏi sách cẩm nang. Tập sách này gồm có hai phần, phần hướng dẫn cho cha mẹ hiểu biết về sự lạm dụng trẻ em cùng với lời khuyên cha mẹ cách nói chuyện đề tài này với con cái và phần các chủ đề để cha mẹ thảo luận với con cái. 

Tất cả các em muốn đạt được đẳng cấp đầu tiên của Hướng Đạo trong chương trình Ấu và Thiếu đều phải hoàn tất phần thảo-luận với cha-mẹ dựa theo tập sách nhỏ này. Ngoài ra BSA còn có những video cho các em và cha mẹ các em xem để học hỏi. 

Thêm vào đó BSA có những chính sách (policies) rõ ràng để bảo vệ cho các thanh thiếu niên, các trưởng, các tình nguyện viên, các nhân viện làm việc cho hội và cho chính hội. Tất cả mọi người lớn kể cả các em Thanh (Kha) từ 18 tuổi trở lên trước khi nộp đơn ghi danh gia nhập hội BSA hay khi tái ghi danh hằng năm đều phải học "Khóa Bảo Vệ Trẻ Em" (Youth Protection Training), có giá trị trong 2 năm hoặc với giấy chứng nhận đã học và còn hiệu lực. Thêm vào đó, khi ghi danh gia nhập BSA hay khi thay đổi trách vụ không cùng trong một đơn vị, người trên 18 tuổi còn phải ký thêm giấy cho phép điều tra về lý lịch cá nhân . 

Khóa Bảo Vệ Trẻ Em" (Youth Protection Training) mới được thay đổi và cập nhật. Bắt đầu từ tháng Hai năm 2018, BSA yêu cầu tất cả người lớn phải học lại khóa mới này để được coi là hợp lệ tư cách thành viên. Khóa học có phần thi trắc nghiệm, thi ở đây không có tính cách sát hạch nhưng có chủ đích giúp cho người học hiểu rõ và nhớ thêm. Khóa học có thể học trên mạng (on-line) hay học có người hướng dẫn. BSA cũng khuyến khích cha mẹ các em nên học khóa này . 

Hội Nữ Hướng-Đạo Hoa-Kỳ (viết tắt GSUSA - Girl Scouts of the United Sates of America) không có chương trình huấn luyện riêng biệt nhưng tất cả người lớn thiện nguyện và trưởng cũng đều phải được chấp thuận của hội sau khi thông qua phần điều tra lý lịch trước khi được phép giúp các em. 

NĂM ĐIỀU QUAN TRỌNG 


Năm điều quan trọng cần để ý: 

- Thứ nhất, hầu hết trẻ em bị lạm dụng và bị bỏ rơi thường bị ngược đãi ngay chính trong nhà của em do cha mẹ hoặc một người gần gũi với em, kể cả anh chị em ruột, người thân, hàng xóm và bạn bè. 

- Thứ hai, trẻ em bị lạm dụng bằng một cách thường xuyên cũng dễ bị lạm dụng thêm cách khác. Ví dụ, một đứa trẻ bị bỏ bê ở nhà có nguy cơ bị lạm dụng qua cách khác, bao gồm lạm dụng tình dục. Mục đích của chúng ta cần phải chú ý đến tất cả các hình thức lạm dụng, ngược đãi nếu chúng ta muốn có cơ hội tốt nhất để bảo vệ một đứa trẻ tránh được bất kỳ hình thức lạm dụng nào. 

- Thứ ba, các nghiên cứu cho thấy trẻ em đã từng bị lạm dụng trước đây có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn bởi các thủ phạm khác. Điều này cho biết những người lạm dụng rất giỏi nhận ra các dấu hiệu trẻ em đã từng bị lạm dụng trước đó. 

- Thứ tư, mặc dù chính sách Bảo Vệ Trẻ Em không thể ngăn chặn mọi trường hợp ngược đãi trẻ em trong BSA, nhưng chính sách này đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu đáng kể sự rủi ro. Bạn sẽ tìm hiểu trong bài viết để hạn chế cơ hội cho một người phạm tội lạm dụng một đứa trẻ và cải thiện khả năng phát hiện các dấu hiệu lạm dụng hoặc bỏ bê. Cả hai mục tiêu này đều yêu cầu sự cảnh giác của bạn và sự cam kết giữ an toàn cho trẻ. 

- Thứ năm, xây dựng khả năng phục hồi - khả năng phục hồi từ nghịch cảnh có thể giúp trẻ vượt qua nhiều thách thức của cuộc sống, bao gồm cả trường hợp bị lạm dụng. BSA và trưởng HĐ cũng đóng một vai trò trong việc phát triển khả năng phục hồi cho trẻ em. Cung cấp vai trò tích cực, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo một môi trường an toàn có thể giúp một đứa trẻ sống suốt cuộc đời trong tươi sáng và lành mạnh của em. 

1. Các Hình Thức Lạm Dụng Trẻ Em 


1.1 Hành hạ thể xác (Physical Abuse): 

Hành hạ thể xác thường được định nghĩa là "bất kỳ hành động làm tổn thương về thể xác của trẻ em mà không phải do tại nạn xẩy ra". Thương tích về thể xác có thể bao gồm bầm tím, gẫy xương, bị phỏng và trầy xước. Hành hạ thể xác cũng có thể là hành động mà kết quả làm suy giảm sức khỏe và thể chất của đứa trẻ. 

Trẻ em hay bị những thương tích nhẹ như là một chuyện bình thường của thời thơ ấu như thương tích ở những nơi xương ống quyển, đầu gối, và khuỷu tay. Khi thương tích được tìm thấy ở các vùng mô mềm trên bụng hoặc lưng hoặc khi thương tích không có vẻ là xẩy ra ở trẻ em bình thường thì có thể là đứa trẻ đã bị hành hạ thể xác. 

1.2 Bỏ bê (Neglect): 

Bỏ bê là tình trạng không chăm sóc lo cho các em có đủ thực phẩm, quần áo, chỗ cư trú, thuốc men, và những thứ cần thiết cho đời sống. Không trông nom để các em rơi vào tình huống nguy hiểm, thiếu an toàn. Sự bỏ bê cũng bao gồm việc có các hành động làm các em bắt chước, hay tạo cho các em biết và dùng những chất hay nguyên liệu có hại, như ma túy, rượu chè, hình ảnh khiêu dâm hay hành vi bạo lực. 

1.3 Bỏ rơi (Abandonment) 

Một hình thức "'bỏ bê" mà cha mẹ hay người giám hộ có ý định không tiếp tục chăm sóc nuôi nấng đứa trẻ. 

1.4 Lạm dụng / khai thác tình dục (Sexual Abuse / Exploitation): 

Lạm dụng tình dục bao gồm bất kỳ hành động nào thực hiện để thỏa mãn tình dục của người phạm tội. 

Khai thác tình dục là việc cho phép hay khuyến khích kể cả việc chụp hình, quay phim một đứa trẻ trong những hoạt động tình dục. Trẻ em có thể có nguy cơ bị lạm dụng tình dục bất cứ nơi nào như tại nhà của em, tại nhà của một người hàng xóm, tại trường học, các nơi công cộng và cả trong Hướng đạo. 

Ở một số quốc gia, định nghĩa lạm dụng tình dục bao gồm việc buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục. 

Chụp hình, quay phim, lưu trữ hay truyền bá hình ảnh các em "không mặc quần áo" cũng bị nghiêm cấm. Ở Hoa Kỳ, tội phạm liên quan về lạm dụng / khai thác tình dục trẻ em sẽ bị ghi trong hồ sơ cả đời và còn bị niêm yết trên mạng công khai cho mọi người truy cập. 

1.5 Lạm dụng tình cảm (Emotional Abuse): 

Một đứa trẻ bị lạm dụng tình cảm khi bị chế nhạo, đổ lỗi, làm nhục, hoặc so sánh không tốt với người khác. Nó có thể dẫn đến các vấn đề về chậm phát triển, chậm nói, trầm cảm, lo lắng, và hội nhập khó khăn với bạn bè. Lạm dụng tình cảm cũng có thể là hình thức người lớn hay trẻ khác cung cấp cho trẻ em rượu, ma túy, sách báo khiêu dâm. 

1.6 Lạm dụng tâm linh (Spititual Abuse): 

Một hình thức ngược đãi trẻ em thường ít được để ý đó là việc dùng tôn giáo (loại ma giáo) vào việc lạm dụng trẻ em do sự tin tưởng quá mức các hàng giáo sĩ và các nhà lãnh đạo đức tin. 

1.7 Bắt nạt (Bullying): 

Bắt nạt là một hành vi cố ý, thường ỷ vào quyền lực hay sức mạnh. Bắt nạt có thể có nhiều hình thức như đánh hoặc đấm, trêu chọc hoặc gọi tên, đe dọa kể cả việc gọi, nhắn tin qua điện thoại hoặc máy vi tính. 

1.8 Hành hạ (Hazing): 

Hành hạ cũng là một hình thức bắt nạt nhưng thường liên quan đến một nhóm áp đặt đối với một người. Hành hạ là hành động cố ý tạo ra sự khó chịu tinh thần hoặc thể chất, bối rối, quấy rối, nhạo báng hay một hình thức làm tổn hại đến nhân phẩm của một người muốn gia nhập nhóm. 

1.9 Bắt nạt trên mạng (Cyberbullying): 

Bắt nạt trên mạng là một hình thức bắt nạt qua áp lực xã hội trên mạng và đang có nguy cơ phát triển nhanh chóng. Sử dụng mạng xã hội để nhắn tin và loan tin, dọa nạt để quấy rối, chỉ trích lời, chia sẻ bình luận, đăng các hình ảnh làm xấu hổ người khác nhằm mục đích làm nhục hay đe dọa. Kết quả là, nạn nhân có thể bị hủy hoại bởi những gì được đăng tải trên mạng, trở nên chán nản, vắng mặt ở trường học, xa lánh các hoặc hoạt động xã hội, hoặc có ý tưởng tự sát. Trong trường hợp bị áp lực quá nặng có thể dẫn đến tự tử thật sự. 

Trẻ em có khuyết tật về sự phát triển (Youth With Developmental Disabilities) 

Trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị ngược đãi cao hơn các trẻ khác chỉ vì những người vi phạm thường nhắm mục tiêu trẻ em mà họ cho rằng ít nhất có khả năng báo cáo sự lạm dụng. 

Hai vấn đề về lạm dụng tình dục và bắt nạt được viết thêm phần bên dưới. 

2. Dấu Hiệu của Sự Ngược Đãi, Lạm Dụng Trẻ Em 


Học hỏi và hiểu biết những gì bạn có thể làm, bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ. Các trẻ em bị ngược đãi khi có sự giúp đỡ có cơ hội được chữa lành khỏi bị lạm dụng và sự ảnh hưởng lâu dài của nó nhiều hơn. Một số các dấu hiệu biểu lộ cho biết một em có thể đã hay đang bị ngược đãi hay bị lạm dụng. 

2.1 Dâu hiệu cảnh báo ngược đãi, lạm dụng thể chất (physcial abuse) ở trẻ em 

- Thương tích thường xuyên hoặc vết bầm, trầy, hoặc vết cắt không giải thích được. 

- Luôn luôn cảnh giác và "trong tình trạng báo động" như thể đang chờ đợi một điều xấu xảy ra. 

- Dấu chấn thương dường như lập lại cùng chỗ. 

- Nhút nhát khi bị ai đụng vào, run rẩy khi cử động đột ngột, hoặc có vẻ như sợ về nhà. 

- Mặc quần áo không phù hợp để che đậy các thương tích, như áo sơ mi dài tay vào những ngày nóng bức. 

2.2 Dâu hiệu cảnh báo về ngược đãi, lạm dụng tình cảm (emotional abuse) ở trẻ em 

- Xa lánh mọi người cách thái quá, sợ hãi hoặc lo lắng về làm điều gì sai. 

- Không tập trung vào việc học mà không biết rõ lý do. 

- Thể hiện thái độ cực đoan trong hành hành động (tuân thủ quá mức hoặc đòi hỏi quá mức, hoàn toàn thụ động hoặc cực kỳ hung dữ). 

- Dường như không gắn bó với cha mẹ hoặc người chăm sóc. 

2.3 Dấu hiệu cảnh báo về ngược đãi, lạm dụng tình dục (sexual abuse) ở trẻ em 

- Khó khăn khi đi bộ hoặc ngồi. 

- Than phiền đau đớn hay ngứa ngáy những nơi kín. 

- Biểu lộ hiểu biết hay quan tâm đến hành vi tình dục không phù hợp với tuổi tác của trẻ hoặc có hành vi quyến rũ. 

- Cố gắng tối đa để tránh né một người nào đó, không có lý do rõ ràng. 

- Không muốn tham gia các hoạt động thể dục thể thao. 

- Mang bệnh tuyền nhiễm (do tình dục) hay mang thai, đặc biệt là dưới 14 tuổi. 

- Bỏ nhà. 

2.4- Dâu hiệu cảnh báo về bỏ bê (neglect) trẻ em 

- Quần áo mặc không phù hợp, bẩn thỉu, hoặc không phù hợp với thời tiết. 

- Vệ sinh luôn tồi tệ (tóc không chải, không tắm rửa, cơ thể có mùi hôi hám dễ nhận biết). 

- Các bệnh không được điều trị và có các thương tích trên cơ thể. 

- Thường xuyên không được coi sóc hoặc ở một mình hoặc chơi trong hoàn cảnh và môi trường không an toàn. 

- Thường xuyên trễ hoặc trốn học ở trường. 

3. Ảnh Hưởng của Sự Lạm Dụng Trẻ Em 


Tất cả các loại ngược đãi, lạm dụng và bỏ bê trẻ em đều để lại những vết thương lòng. Một số có thể là những vết sẹo trên thể xác, nhưng những vết sẹo cảm xúc lại có những ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời các em, gây tổn hại cảm giác của một đứa trẻ, khả năng có mối quan hệ lành mạnh và khả năng hoạt động ở nhà, ở trường học hay tại nơi làm việc. 

3.1- Thiếu lòng tin và khó khăn về mối quan hệ. 

Nếu em không thể tin cậy cha mẹ em, em có thể tin tưởng vào ai? Khi còn nhỏ các em đáng nhận được sự an toàn, sự cung cấp nhu cầu về thể chất và tinh thần bởi những người có trách nhiệm chăm sóc cho em. Nếu không có mối quan hệ căn bản này, các em rất khó học cách tin tưởng vào người khác hoặc biết ai là người đáng tin cậy. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ do sợ bị kiểm soát hoặc lạm dụng. Nó cũng có thể dẫn đến các mối quan hệ không lành mạnh. 

3.2- Cảm giác chính yếu bị coi là "vô giá trị" hoặc "hư hỏng". 

Nếu một em bị nói tới nói lui rằng em thật ngu ngốc hoặc không tốt, em rất khó để vượt qua những cảm xúc cơ bản này khi thành người lớn, em không phấn đấu học thêm, không dám giải quyết khi việc làm không đủ chi tiêu, bởi vì em không tin rằng em có thể làm được hoặc em là người có giá trị trong xã hội. Riêng nạn nhân bị lạm dụng tình dục, với mặc cảm bị kỳ thị, cảm giác bị hư hỏng và xấu hổ do sự lạm dụng thường phấn đấu khó khăn. 

3.3- Khó khăn khi điều chỉnh cảm xúc. 

Trẻ em bị lạm dụng không có thể diễn tả cảm xúc một cách an toàn. Kết quả là cảm xúc bị đè nén và cảm xúc bộc phát một cách bất thường. Những nạn nhân của sự lạm dụng trẻ em khi lớn lên có thể phải vật lộn với lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận không giải thích được. Họ có thể chuyển sang uố'ng rượu hoặc ma túy để cố' quên những cảm giác đau đớn. 

4. Nói chuyện với trẻ em khi em tiết lộ hoặc khi em có dâu hiệu bị lạm dụng 


Nên biết rằng nói chuyện với trẻ em về hành hạ, ngược đãi, đặc biệt là lạm dụng tình dục, không phải là tự nhiên hoặc thoải mái cho bất cứ ai; tuy nhiên, tiết lộ đầu tiên của một đứa trẻ và phản ứng của bạn có thể có hiệu lực lâu dài. Nếu đứa trẻ cảm thấy bạn không muốn nghe về những kinh nghiệm hoặc cảm giác của em hay bạn cho rằng em đang nói điều gì đó sai trái, đứa trẻ có thể khép kín trở lại. Đơn giản chỉ cần để cho đứa trẻ biết rằng bạn tin tưởng em, bạn quan tâm, và bạn muố'n giúp đỡ. 

Khi một đứa trẻ tiết lộ bị lạm dụng, điều quan trọng là người lớn đáp ứng một cách bình tĩnh với tinh thần hỗ trợ. Tránh các lời nói có thể làm cho em thấy xấu hổ, đổ lỗi, không tin, ghê tởm, hoặc sợ hãi. Nếu sự lạm dụng đã xảy ra, tránh hỏi trẻ tại sao lại không nói với ai. Nói với trẻ rằng đây không phải là lỗi của em và bày tỏ niềm tin vào việc tiết lộ của đứa trẻ bằng cách cho em biết rằng "Tôi tin em." Điều này sẽ hỗ trợ thêm và xác nhận lời tiết lộ của đứa trẻ. 

Bạn có thể hỏi một đứa trẻ thương tích đáng nghi ngờ. Nếu trẻ nói về sự lạm dụng hoặc trả lời không hợp lý về chỗ hoặc mức độ thương tật, bạn nên ghi lại lời kể và báo ngay với cơ quan chính quyền địa phương hoặc cơ quan của tiểu bang hay các cơ sở trợ giúp gia đình. 

Tránh hỏi em các chi tiết. Chỉ hỏi các câu hỏi căn bản để biết các thông tin sau: 

- Tên và địa chỉ của nạn nhân, nếu biết 

- Tên và địa chỉ của người bị buộc tội, nếu biết 

- Nơi xẩy ra 

- Loại bị ngược đãi, lạm dụng (ví dụ: tình dục, thể chất, cảm xúc) và mức độ lạm dụng 

- Ngày của sự kiện lần cuối cùng xẩy ra 

Lạm dụng tình dục (Sexual Abuse) 

Lạm dụng tình dục là lôi kéo trẻ em vào hoạt động tình dục. Điều này thường liên quan đến sự tiếp xúc với thể xác, nó cũng có thể bao gồm việc đưa cho một đứa trẻ với các tài liệu hay giới thệu cho trẻ em các hoạt động tình dục. 

Lạm dụng tình dục thường ít được báo cáo hoặc chưa bị khám phá. Các nghiên cứu cho biết rằng 1 trong số' 4 em gái và 1 trong số' 6 em trai bị lạm dụng tình dục trước khi 18 tuổi. 

Người lạm dụng tình dục trẻ em (child molester) 

Không có một cách "diễn tả hoàn toàn" về một người lạm dụng tình dục trẻ em rõ ràng. Một quan niệm sai lầm khá phổ biến về người lạm dụng tình dục đối với trẻ em do những "Người lạ nguy hiểm" (Stranger Danger)" hoặc "Người lạ trong lớp áo choàng (strangers in trench coats)". Cách suy nghĩ này không chính xác mà còn nguy hiểm vì tạo cho ta cảm tưởng được an toàn khi gần những người quen biết. Trong thực tế, người phạm tội lạm dụng tình dục thường là người quen biết đứa trẻ, quen biết cha mẹ của em và được sự tin tưởng của gia đình em. Đôi khi họ còn dùng cách tạo cho cha mẹ các em tin tưởng để cho họ ở một mình với đứa trẻ. Người phạm tội tình dục thường là nam giới, nhưng cũng có thể là phụ nữ. Lạm dụng tình dục có thể xảy ra ngay trong gia đình, trong các tổ chức ngoài cộng đồng và có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào. 

Trong khi đa số người lạm dụng tình dục là người lớn, nhưng thực tế một phần ba sự lạm dụng tình dục từ một em với một em khác. 

Lạm dụng tình dục bởi người lớn 

Đa số người lạm dụng tình dục là người lớn, có thể chính là cha mẹ hay cha mẹ ghẻ, người hàng xóm, thầy cô giáo, huấn luyện viên, một thành viên của nhà thờ hay nhà chùa, một nhân viên trong trại hoặc một người ngay trong chính cộng đồng và có thể là trưởng trông coi các em hay một người trong Hướng Đạo. Người lớn lạm dụng trẻ em thường dùng những cách thức như dụ dỗ, hối lộ, ép buộc, đe dọa, hay dùng kiểu "ve vãn" (grooming). 

Tất cả trẻ em đều dễ bị lạm dụng tình dục vì sự vô tội, ngây thơ hay tin tưởng và lệ thuộc vào người lớn. 

Lạm dụng tình dục bởi em khác 

Lạm dụng tình dục giữa trẻ với trẻ có thể xẩy ra là anh chị, anh chị em họ, bạn bè và thường là lớn tuổi hơn nhưng cũng có trường hợp cùng tuổi với nạn nhân. Sự lạm dụng giữa trẻ với trẻ có nhiều cơ hội xảy ra trong thời gian ngủ nghỉ qua đêm và cắm trại, đặc biệt là nơi có rất ít hoặc không có sự giám sát của người lớn. Việc lạm dụng có khi bắt đầu qua một số' loại hoạt động chơi trò bình thường nhưng dần dần trở thành hành vi lạm dụng tình dục. Sử dụng tài liệu khiêu dâm cũng có thể là cách thức lôi kéo và điều khiển các em. 

Hai loại người lạm dụng tình dục trẻ em 


A. Người phạm tội tình dục loại có chủ trương (preferential offenders). 

- Có sở thích riêng biệt về tình dục theo tuổi, giới tính hoặc đứa trẻ có các hình dáng, thể xác đặc biệt. 

- Vô cùng nguy hiểm vì bản chất dã man của chúng. 

- Chủ ý trong việc tìm kiếm nạn nhân của mình và lặp lại nhiều lần để cố gắng lạm dụng tình dục trẻ em. 

- Bỏ ra một thời gian đáng kể, năng lực, tiền bạc và các nguồn lực khác để hoàn thành ham muốn tình dục của họ. 

- Quan tâm quá nhiều đến trẻ em, tìm kiếm sự tiếp cận với trẻ em và thường xuyên di chuyển để tránh bị bắt. 

- Có thể có những bộ sưu tập khiêu dâm và ảnh chụp trẻ em. 

B. Người phạm tội tình dục loại thời cơ (situational offenders). 

- Là người không chủ trương nhằm vào người khác nhưng do cơ hội đưa đẩy nẩy sinh ra hành động phạm tội và do sự thúc đẩy. 

- Trong xã hội, loại người phạm tội loại thời cơ có nhiều hơn những người phạm tội loại có chủ trương nhưng ngược lại thường có ít nạn nhân hơn. 

- Một ví dụ về một người phạm tội tình dục thời cơ là một người làm việc với thanh thiếu niên, sau các cuộc họp, anh ta đưa một số các em về nhà. Người cuối cùng là một cô gái trẻ, và người đó có cơ hội ngồi trong xe và nói chuyện với cô gái nhiều hơn. Nhiều lần như thế tạo nên cơ hội và làm cho người đó có hành động quan hệ tình dục với cô gái. 

Phương cách hoạt động 

Những kẻ tấn công tình dục có thể sử dụng bất kỳ phương pháp hoặc các thức sau đây để đạt được sự tiếp cận với một đứa trẻ. 

- Quyến rũ (Seduction) 

- Người lạm dụng tình dục thường 

quen biết với đứa trẻ. Người đó dành thời gian cho đứa trẻ và thường được đứa trẻ tin tưởng. Các lần tiếp xúc ban đầu với đứa trẻ là họ không lộ là kẻ lạm dụng tình dục nhưng theo thời gian mới bộc lộ. Người lạm dụng tình dục có thể sử dụng nội dung khiêu dâm để giảm thiểu sự đè nén tình dục của đứa trẻ. 

- Ve vãn (Grooming) là một kỹ thuật và một quá trình vận động dần dần và nhẹ nhàng nhưng có sức mạnh trổi vượt. Người lạm dụng tình dục có thể ve vãn các em hay họ có thể ve vãn gia đình, tổ chức và ngay cả cộng đồng qua những quà tặng, làm vừa lòng. Họ từ từ kiếm cách trở thành bạn của gia đình để có thể gần gũi trẻ em. Mặc dù đôi khi cách ve vãn có thể không vi phạm luật lệ chính phủ nhưng lại có thể vi phạm chính sách bảo vệ trẻ em của BSA ví dụ như liên lạc trực tiếp với các em và không có người lớn khác biết. 

- Lập bẫy (Trickery) - Người lạm dụng tình dục sáng tạo cách kích thích sự ham muốn tự nhiên của một đứa trẻ. Trẻ em xem người lớn là những người có thẩm quyền; trẻ em tự nhiên tò mò và cần sự chú ý và tình cảm. Một người ấu dâm có thể sử dụng các khuynh hướng tự nhiên này để lừa con trẻ vào tình huống mà những hành vi lạm dụng này có thể xảy ra. Người ấu dâm sẽ mang đứa trẻ ra khỏi nơi có sự giám sát của người lớn, nơi chúng sẽ dễ bị cưỡng dâm hơn. 

- Dùng sức mạnh (Force) - Thường thì có rất ít trẻ có thể chống lại vũ lực. Trường hợp này thường thì đứa trẻ hiếm khi quen biết với người ấu dâm. 

- Bí mật (Secrecy) là điều thường thấy trong các phương cách hoạt động này. Bí mật được duy trì bằng nhiều phương pháp. Chúng có thể bao gồm: 

■ Hối lộ - Điều này có thể bao gồm quà tặng kể cả cho thú vật (animal) như chó, mèo hoặc bất những gì mà một đứa trẻ thích thú. 

■ Đổ lỗi - Người ấu dâm thường đổ lỗi cho trẻ em những gì đã xảy ra. 

■ Tự nhận lỗi - Trẻ tự đổ lỗi cho việc lạm dụng tình dục nên không báo cáo. 

■ Lúng túng - Trẻ em che đậy sự lúng túng khi nhận ra rằng những gì đã xảy ra là sai. 

■ Mất mát cảm tình - Thường thì người ấu dâm là một người được đứa trẻ yêu quí. 

■ Đe dọa - Người ấu dâm đe dọa đứa trẻ hoặc người nào đó trong gia đình của đứa trẻ. 

Dâu hiệu cần được để ý và theo dõi 

- Người dành thời gian quá nhiều thời gian với trẻ em. 

- Người thích đi kèm theo trẻ em. 

- Người chỉ dành một sự chú ý "đặc biệt" cho một em. 

- Thường chi tiền cho con của người khác. 

- Có nhiều sách vở, trò chơi và đồ chơi dành cho trẻ em mặc dù không có con. 

Cách tốt nhất để ngăn chặn người phạm tội này là phát triển một môi trường làm cho người phạm tội khó khăn thực hiện ý đồ. Một chương trình kiểm tra kỹ lưỡng, giám sát và nói rõ mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm hành vi của mình sẽ làm nản lòng những người phạm tội này. 

Bắt nạt (Bullying) 

Bắt nạt là một hành vi cố ý, hành vi hung hăng của một người lớn, một đứa trẻ hay một nhóm người thường lập đi lập lại dựa trên sự mất cân bằng về quyền lực hay mất cân bằng về sức mạnh. Bắt nạt xảy ra theo nhiều cách khác nhau và có thể chia thành ba loại. 

- Bắt nạt bằng lời nói (Verbalbullying) bao gồm gọi tên và trêu chọc, đe dọa, ăn nói chửi bới tục tĩu. 

- Bắt nạt thể chất (Physical bullying) bao gồm đánh đập, xô đẩy, và cưỡng chế thể xác. Nó cũng có thể bao gồm việc làm hư hại, phá hủy hay lấy tài sản người khác. 

- Bắt nạt bằng áp lực xã hội (Social bullying) như làm tổn hại danh dự hay các mối liên hệ của người khác, loan truyền tin đồn, xua đẩy người khác khỏi các sinh hoạt. Điều này có thể xảy ra trực tiếp giữa người với người, trên mạng trực tuyến (online) hoặc từ một nhóm. 

Bắt nạt có thể có tác hại lâu dài 

Bắt nạt có thể trở nên nghiêm trọng và có khả năng tác hại lâu dài. Những người bị bắt nạt thường có vấn đề sức khỏe không tốt với tỷ lệ cao, có thể bao gồm trầm cảm và lo lắng, buồn bã, cô đơn, và mất hứng thú với các hoạt động trong xã hội hoặc trong gia đình. Học hành có thể bị giảm sút, trốn học, bỏ lớp hay bỏ học. Trẻ em bị bắt nạt có thể trở nên hung dữ hay biểu lộ sự trả thù bạo lực nhưng cũng có thể suy nghĩ về sự tự hủy hoại và dẫn đến tự tử. 

Dấu hiệu: 

Có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo bên ngoài có thể cho ta biết một người đang bị bắt nạt hoặc một người đang bắt nạt người khác. Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo là bước đầu tiên trong việc ngăn chận sự bắt nạt 

- Dấu hiệu cảnh báo của một đứa trẻ đang bị bắt nạt: Bao gồm hành vi tự hủy hoại, chạy trốn hoặc tránh gặp một số' trẻ khác hoặc tránh đến những khu vực nơi xảy ra lạm dụng. 

Tuy nhiên, cần lưu ý không phải tất cả trẻ em bị bắt nạt đều có dấu hiệu cảnh báo. Hãy nhớ rằng phần lớn trẻ em bị bắt nạt không yêu cầu giúp đỡ, chính vì thế việc nói chuyện với trẻ em đã và đang có các dấu hiệu bị bắt nạt rất quan trọng. 

- Dấu hiệu cảnh báo của một đứa trẻ đang bắt nạt em khác: Thường xuyên đánh nhau, hung hăng, đổ lỗi cho người khác. Hãy cảnh giác và đặc biệt chú ý đến trẻ em biểu hiện những hành vi này để bạn có thể can thiệp khi cần thiết. 

Yếu tố nguy cơ đẫn đến sự bắt nạt 

Là trưởng HĐ, bạn có thể nhận định những em có thể là mục tiêu của của sự bắt nạt. Thật không may, bất kỳ trẻ em nào cũng có thể đã trải nghiệm sự bắt nạt. Bất cứ thứ gì đặc biệt của một em cũng có thể tạo nên mục tiêu bị bắt nạt ví dụ như: giới tính, chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, kỹ năng, đối với xã hội, bị hạn chế, trí thông minh cao hay thấp, vóc dáng thiếu cân hay thừa cân hoặc những em có nhu cần cần chăm sóc đặc biệt (bệnh hoạn, yếu đuối, tật nguyền...) 

Đề phòng 

Cách tốt nhất để ngăn chặn loại hành vi này là tạo ra một môi trường tích cực. Dạy các em hiểu về sự bắt nạt. Cho các em biết rằng bắt nạt là hành vi sai trái và khuyến khích các em để ý bảo vệ cho nhau và nhắc nhở họ rằng nếu các em thấy hay biết có sự bắt nạt, các em nên báo cáo ngay. 

Giải quyết 

Hãy nhớ rằng cách bạn giải quyết đối với việc bắt nạt thật là quan trọng và có thể có tác động lâu dài đối với người bị bắt nạt và người bắt nạt. Đừng cho rằng vấn đề sẽ tự biến mất. Đừng bắt trẻ em phải xin lỗi ngay lập tức nhất là trước mặt các em khác. Đừng gắn nhãn cho em này là nạn nhân em kia là người bắt nạt. 

Báo cáo sự bắt nạt 

Rất nhiều vụ bắt nạt không được báo cáo nhưng bắt nạt là một vấn đề nghiêm trong cần sự giải quyết ngay của người trưởng. Trong trường hợp sự bắt nạt dẫn đến nguy hiểm về thể xác hay tinh thần trẻ em, cần phải báo cáo ngay với chính quyền và Châu Trưởng (Scout Executive). 

Trần Văn Long 
Tháng 10, 2018 

* Cám ơn sự đóng góp ý kiến của SDNH và GTT. 

Tài liệu Tham khảo: 


- How to Protect Your Children from Child Abuse: A Parent's Guide 

CUB SCOUT: https://filestore.scouting.org/filestore/pdf/100-014_WEB.pdf 

- (B S A #10 0-014) 

BOY SCOUTS: https://filestore.scouting.org/filestore/pdf/100- 015(15)_WEB.pdf - (bSa #100-015) 

- Adult Youth Protection Training Facilitator's Guide, BSA (Revision Date: 3/29/18) 

- Youth Protection Training for Volunteer Leader, Parents & Camp Staff, Circle Ten Council2012

-------------------------------------
1. Tại Hoa Kỳ, anh chị em HĐ gốc Việt dùng chữ Thanh như Thanh Sinh, Thanh
Đoàn thay thế chữ Kha.
2. Tại Hoa Kỳ, các cơ quan chinh phủ hay tư nhân không được chia sẻ lý lịch cá
nhân của một người nếu không có giấy cho phép của người đó hay lệnh của
tòa án.
3. Anh chị em bên VN nếu nghe và đọc được tiếng Anh có thể ghi danh học tại
https://my.scouting.org
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26