Lên đường là bước tới, vứt bỏ óc vị kỉ, lợi ích cá nhân, giúp ích tha nhân, em có chấp nhận làm điều đó không? Người huynh trưởng hỏi - tráng sinh lên đường đáp "thưa trưởng em biết".
Ngôn ngữ đơn sơ nhưng khiến người tráng sinh lên đường phải nghẹn ngào ngấn lệ và suy ngẫm, soi xét lòng mình. Giữa muôn trùng cảnh đẹp của Hồ Than Thở, từng hàng cây thông cao chót vót, vỏ cây thông bung ra, tóp lại, rạn nứt và co lại để thích nghi với mưa gió sương lạnh của khí hậu tuyệt vời vùng hoàng triều cương thổ. Thông kia đã già thì tráng sinh lên đường đã đủ điều kiện để xuống núi hành hiệp trượng nghĩa, thích ứng với vòng đời xua đuổi.
Trải qua thời gian dài sinh hoạt tại đơn vị, từ 18 đến 30 tuổi, tuổi của thanh xuân được đào luyện, trau chuốt từ lời nói đến việc làm, từ cái xếp đồ vào balo đến làm bếp, nấu được món nào ăn món ấy, khi đói khi khát, ngủ lều không nóc đến võng bạt trong rừng cây,.... Giờ đây anh vào đường đời vẫn phải tuân thủ luật và lời hứa HĐ.
Đây là kỹ vật và ba lô anh đã trang bị, anh đeo lên lưng em, làm hành trang cho em vào đời, lời bảo huynh căn dặn nghe vang vọng bên tai lúc lên đường. Trong đường đời còn nhiều khó khăn, còn lắm gian truân, chông gai, em có thể nhận được lời cố vấn từ bảo huynh, bảo huynh không hứa sẽ giải quyết mọi vấn đề mà em gặp phải nhưng anh luôn lắng nghe và chia sẻ cùng em, để em ngày càng hoàn thiện hơn trong cuộc sống.
Bài tập mang đi khi lên đường: nếu đi giữ dòng sông và bị lật thuyền có cha, thầy và vua, cả ba người đều không biết bơi thì phải cứu vua trước, cứu thầy, rồi mới cứu cha, hay có ý nào khác? Tình huống đưa ra với nhiều hướng suy luận khác nhau, trong niềm tin của người tráng sinh thì nên làm ngược lại mới đúng: cứu cha trước, rồi mới cứu thầy, vì thầy dù có công dạy dỗ nhưng làm sao bằng cha được, còn vua là ông nào đâu biết. Lại suy nghĩ tiếp, tình thế nguy cấp không có sự lựa chọn, lỡ ba đang ở xa nhất, con ráng tới cứu không kịp, rồi cả ba người cùng chìm, trong khi mình có thể cứu một người khác, cho nên phải cứu người đang ở gần mình nhất, không kể là cha, thầy, hay vua.
Từ nay, tôi gọi anh là trang sĩ giúp đời, bước vào đời như bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú, và giang bàn tay đón lấy tha nhân. Hướng đạo đã cống hiến cho xã hội một công dân hữu ích, đường đã mở, chúc anh lên đường đầy hoa thơm cỏ lạ.
Nguyễn Văn Đém
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét