Vĩnh Đào
Vài lời nói đầu
Ngày Tráng là một trong ba ngành chính (Ấu, Thiếu, Tráng) có mặt trong những năm đầu của hệ thống giáo dục do Baden-Powell sáng lập vào đầu thế kỷ XX. Sinh hoạt của ngành Tráng trong thời gian đầu phỏng theo những chỉ dẫn trực tiếp của BP và dựa trên quyển "Rovering to Success" (Đường Thành Công) xuất bản năm 1922. Sau đó, các nước hội viên của Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới gởi Trưởng tham dự huấn luyện tại trại trường GilweN Park học hỏi tại chỗ cách thức sinh hoạt ngành Tráng cũng như các ngành khác.
Ngành Tráng tại Việt Nam, sau khi phong trào hướng đạo được du nhập từ Pháp trong thập niên 1930, lấy lại gần như y nguyên chương trình sinh hoạt và các nghi thức của HĐ Pháp thời đó. Nhưng gần một thế kỷ đã qua, thế giới đã biến đổi một cách triệt để. Các hội HĐ trên thế giới phải lần lượt xét lại chương trình và cách thức sinh hoạt ngành Tráng để một mặt hoàn thành nhiệm vụ giáo dục của hướng đạo, mặt khác mang tính hấp dẫn để giữ tráng sinh lại trong phong trào. Kinh nghiệm cho thấy là công việc này không dễ, vì ngành Tráng là ngành hay bị khủng hoảng nhất tại nhiều nước và nhiều hội HĐ, trong đó có hội Hướng Đạo Hoa Kỳ, quyết định tạm ngưng ngành này để tập trung nổ lực trên các lứa tuổi khác.
Nói về ngành Tráng thì sau khi chế độ huấn luyện thống nhất và tập trung tại Gilwell Park chấm dứt, các Hội HĐ các nước được tự do ấn định chương trình kỹ thuật và sinh hoạt của mỗi ngành, miễn là tuân theo các nguyên tắc cơ bản của giáo dục hướng đạo, Tổ chức HĐTG trong thập niên 1980 bắt đầu soạn những tài liệu hướng dẫn sinh hoạt để các nước có thể dựa vào đó để soạn thảo chương trình riêng của mình. Nhưng các tài liệu chú trọng trước hết đến các ngành "chủ lực" của phong trào là ngành Thiếu, ngành Ấu, rồi ngành Thanh. Điều này xác nhận tính khó khăn khi đáp ứng nhu cầu trình bày một chương trình sinh hoạt hấp dẫn và đáp ứng được các chờ đợi của giới trẻ ở tuổi Tráng.
Mãi đến năm 2009, Tổ chức HĐTG mới thành lập một nhóm nghiên cứu do bà Anne Whiteford điều động, với nhiệm vụ soạn một tài liệu hướng dẫn cho ngành Tráng .
Bài viết này có mục đích giải thích những đường hướng do Tổ chức HĐTG vạch ra để giúp có một cái nhìn đứng đắn về ngành tráng: ngành Tráng phục vụ cho ai? mục tiêu là gì? ngành tráng đáp ứng những nhu cầu nào? Từ đó sẽ có những gợi ý về những đường hướng sinh hoạt cho ngành.
Nhiệm vụ giáo dục
Trước hết, cần nói rõ về một số suy nghĩ sai lạc về ngành Tráng, một ngành có lẽ được biết đến ít nhất. Cho đến nay vẫn có người nghĩ là ngành Tráng là nơi để cho "người lớn", tức là đã trưởng thành tiếp tục sinh hoạt hướng đạo không giới hạn tuổi. Vì vậy không hiếm những người trên 30, 40 tuổi còn gia nhập hay còn sinh hoạt trong những "tráng đoàn".
Không nên quên hướng đạo là một phong trào giáo dục theo dõi đứa trẻ từ lúc thơ ấu đến lúc trưởng thành. Tuổi Ấu (8-12 tuổi) trùng với thời gian học tiểu học, tuổi Thiếu (12-15) là cấp 2 nền trung học, tuổi Thanh (15¬18) là tuổi của cấp 3 cho đến lúc rời bậc trung học. Sau cùng, tuổi Tráng là thời gian chuyển tiếp từ tuổi niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, cũng trùng hợp với thời gian những năm học đại học.
Tùy theo điều kiện văn hoá - xã hội từng nước, tùy từng nơi, thanh niên tự lập vào đời sớm hay muộn, các hội hướng đạo ấn định tuổi tối đa cho ngành Tráng là 20, 22 hay 25 tuổi. Sau tuổi đó, tráng sinh rời tráng đoàn. Nếu muốn thì có thể tiếp tục sinh hoạt hướng đạo bằng cách làm Trưởng, hướng dẫn các đơn vị hướng đạo, hay phục vụ ở cấp liên đoàn, đạo hay trung ương. Hay là sinh hoạt trong các đơn vị hướng đạo trưởng niên hay các tổ chức thân hữu.
Tuy rằng tại phần lớn các nước, tuổi trưởng thành về mặt pháp lý được ấn định là 18 tuổi, nhưng chương trình giáo dục của hướng đạo còn tiếp tục cho đến tuổi tối đa của ngành Tráng. Phong trào hướng đạo quan niệm rằng khi đến mức tuổi đó, sự phát triển về các mặt tinh thần, thể chất, trí tuệ, cảm xúc, xã hội đã đầy đủ và sự giáo dục hướng đạo cũng kết thúc ở đó. Mặt khác, người ta cũng có thể nói rằng quá trình học hỏi của một người có thể kéo dài cả một đời. Sau khi học ở nhà trường, mỗi người còn học từ môi trường xã hội, từ những kinh nghiệm nghề nghiệp, những thử thách của cuộc đời... nhưng Phong trào hướng đạo không xem đây là nhiệm vụ của mình, là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên.
Mục đích và mục tiêu của chương trình ngành Tráng
Sau khi nắm rõ những điều này, ta có thể nghiên cứu để vạch ra một chương trình kỹ thuật và sinh hoạt cho ngành Tráng đáp ứng được những nhu cầu của giới trẻ của độ tuổi 18-25. Nhưng trước đó, cần định nghĩa mục đích và mục tiêu của chương trình ngành Tráng.
Mục đích
Giúp giới trẻ chuẩn bị bước vào cuộc đời trưởng thành, trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành.
Ở tuổi này, thử thách lớn nhất của giới trẻ là chuẩn bị hành trang để bước vào cuộc đời, tìm một công ăn việc làm, bắt đầu một đời sống nghề nghiệp.
Nhiều người thường nghĩ là ngành Tráng có mục đích trước hết là chuẩn bị Trưởng tương lai cho Phong trào. Nhưng việc này phải đi sau mục đích đầu tiên là giúp cho tráng sinh bước vào cuộc đời trưởng thành, nhận trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội.
Mục tiêu
Tiếp theo chúng ta cần nhận diện một số mục tiêu phải đạt tới, như:
- Giúp tráng sinh tiếp tục phát triển các khả năng của mình trong tất cả các lãnh vực tinh thần, thể chất, trí tuệ, cảm xúc và xã hội, theo quan niệm "giáo dục toàn diện" của hướng đạo.
- Giúp tráng sinh nhận diện các thách thức của xã hội trong thế giới ngày nay và tự trang bị những kỹ năng để đáp ứng các thách thức đó ở cộng đôqng địa phương, cũng như về mặt quốc gia và quốc tế.
- Giúp tráng sinh thu thập khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo. Trên mặt thực tế, trong sinh hoạt hướng đạo, tráng sinh có cơ hội hợp tác, làm việc với đồng đội của mình trong các công tác phân tích, giải quyết các vấn đề, hoà giải, giải quyết các bất đồng và mâu thuẫn trong công việc, ấn định mục tiêu rồi thẩm định kết quả, đặt kế hoạch và tổ chức công việc... Qua các sinh hoạt thường xuyên đó trong toán và trong tráng đoàn, tráng sinh sẽ có cơ hội thu thập trực tiếp khả năng lãnh đạo rất cần thiết trong cuộc đời nghề nghiệp sắp tới.
- Giúp tráng sinh chọn lựa hướng đi của mình và chuẩn bị kế hoạch để thực hiện tốt nhất giai đoạn hội nhập vào đời sống kinh tế và xã hội. Cần nhận định rằng ở mọi nơi trên thế giới, ngày nay quá trình tiến vào cuộc đời trưởng thành và hội nhập vào xã hội người lớn khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với những thời gian trong quá khứ.
Để giúp tráng sinh trong những chọn lựa này, cần nhận diện những thách thức lớn nhất trong thế giới ngày nay: việc khai thác tài nguyên không kiểm soát và hiểm hoạ hủy hoại môi trường, các làn sóng di dân đang xảy ra hay sắp tới vì lý do kinh tế hay biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường công ăn việc làm, những đòi hỏi về kiến thức kỹ thuật...
Chương trình ngành Tráng cần thấy rõ mục đích, các mục tiêu cần đạt tới và các thử thách phải đối diện, để giúp tráng sinh trong giai đoạn cuối cùng của quá trình giáo dục hướng đạo.
Làm thế nào?
Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình, Phong trào Hướng Đạo có một phương pháp duy nhất được áp dụng ở bất cứ lứa tuổi nào. Đó là tính thuần nhất và liên tục của công tác giáo dục hướng đạo.
Phương pháp đó được mệnh danh là Phương pháp Hướng Đạo, gồm có 7 yếu tố như sau:
- Lời Hứa và Luật HĐ - Học bằng thực hành
- Sinh hoạt nhóm - Khung cảnh biểu trưng
- Thiên nhiên - Mục tiêu giáo dục và thăng tiến cá nhân
- Hổ trợ của Trưởng.
Trong một bài tới, chúng ta sẽ xem mỗi yếu tố trên sẽ tác động ra sao trong các sinh hoạt của ngành Tráng và từ đó vạch ra những đường hướng chính cho một chương trình ngành Tráng.
(Xem tiếp GVMD 24)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét