Nam Trân
Giai thoại chứ không phải huyền thoại, Hướng Đạo nước
ta đã 90 năm, 90 năm là độ thời gian quá dài đủ để phát sinh trăm ngàn giai thoại.
GVMD số này xin kể vài giai thoại. Khác với huyền thoại, hư hư thật thật. Giai
thoại là chuyện thật xảy ra đó đây tô điểm thêm sự duyên dáng của Hướng Đạo.
Chuyện anh MẦU "méo". Anh Mầu "méo" là Thiếu trưởng Thiếu đoàn La Vang của Đạo Thừa Thiên. Xuân Mậu Thân anh bị bắt ở Huế giải ra miền Bắc mãi năm 1975 anh mới được về và là công nhân của Nông trường Cù Bị.
Hẳn ai cũng biết ông Tạ Quang Bửu là một nhân tài của
đất nước, một HĐS đặc biệt với sự thăng tiến vùn vụt. Sau khi du học và về nước,
anh không làm quan chức nhà nước mà dạy học ở trường Tư thục của công giáo, đó
là trường Providence (sau đổi tên là Thiên Hựu - Huế). Năm 1934 tham gia khóa
căn bản HĐ tại Nữ công học hiệu. Trưởng "Dã mã" kể lại:
- Khóa có độ 30 khoá sinh chia làm 2 toán để sát hạch cuối khóa, toán 1 do anh Niédrist sát hạch, toán 2 do chính Dã mã điều khiển. Trong toán tôi có một khóa sinh xấu trai, trông mặt có vẻ kém thông minh. Tôi hỏi anh cách xem phương hướng. Anh nêu lên nhiều cách rất khoa học mà chính tôi cũng mù tịt. Tôi chưa thấy một người Việt Nam nào nói tiếng Pháp hay đến thế. Phục quá tôi hỏi anh tên gì?
- Tạ
Quang Bửu.
- Tạ
Quang Bửu mới ở Pháp về?
- C 'est
moi (chính là tôi).
- Ồ, biết
thế thì tôi đã không mất thì giờ
- Nhưng
thưa huynh trưởng, hiện tại tôi chỉ là khóa sinh khóa cơ bản.
Đây là chuyện xảy ra năm 1934. Từ đó tôi không ngừng
chú ý đến con người đặc biệt nầy. Ngày trước Lưu Bị "Tam cố thảo lư"
mới mời được Khổng Minh về làm quân sư. Nay tôi cũng phải "tam cố Thiên Hựu"
mới mời được anh Bửu làm Tổng Ủy Viên HĐ Trung kỳ thay tôi (trích hồi ký của Dã
Mã Võ Thanh Minh). Chỉ 3 năm sau ông Bửu đã chểm chệ trên ghế TUV HĐ Trung kỳ
thay thế Trưởng Dã Mã nhậm chức Tổng thư ký Hội HĐ Đông Dương, rồi đến năm 1939
ông bay sang Anh Quốc học và nhận 4 gỗ ngành Thiếu, Ngành Tráng, năm 1940 thì
làm Trại Trưởng Trại Trường Đông Dương (Bạch Mã) thay thế Thủy sư Đô Đốc
Raymond Schlemmer về Pháp, đến năm 1943 trao quyền Trại trưởng cho Trưởng Cung
Giũ Nguyên để tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Không hề ngó ngàng gì đến
phong trào nữa.
Trở lại chuyện anh Mầu "Méo", sau tháng 4
năm 1975 đất nước thống nhất 2 miền Nam Bắc thông thương, dân chúng đi tìm họ
hàng, ở miền Bắc đã phải cắn hạt gạo làm đôi chi viện cho miền nam, nay tìm
hàng để bù đắp là chuyện thường tình. Riêng anh em miền Nam thì tìm người thân
quen để nhờ vả che chở theo kiểu cái dù che được cái cán. Vin vào ý nghĩ ấy một
huynh trưởng được mệnh danh nhà sử học của Hướng Đạo đã kể lại một câu chuyện
tuyệt đẹp như sau: Khi anh Mầu bị bắt ở Huế thì thẻ HĐS của anh ghi là
"Thiếu trưởng" Thiếu đoàn La Vang thì nhầm tưởng là Thiếu Tướng sư
đoàn La Vang và chuyển ra Miền Bắc. Ra Bắc may gặp ông Tạ Quang Bửu tìm cách
giúp, can thiệp rồi đưa vào Bệnh viện chỉnh sửa xương quai hàm nên bây giờ anh
Mầu hết méo miệng mà lại đẹp trai.
Là đứa mê đắm cái đẹp của Phong Trào, nghe như thế
thì tôi vui mừng lắm. Nhưng lại nghi ngờ vì câu chuyện anh Beo kể quá đẹp nhưng
lại vô lý vì tình báo nhân dân của cách mạng nhạy bén vô cùng có lý nào lại nhầm
Trung sĩ Nguyễn Văn Mầu (Chiền Chiện Chăm Chỉ) lại biến thành Thiếu tướng.
Tìm gặp Trưởng Nguyễn Thúc Tuân tôi hỏi anh ra miền
Bắc - Hà nội từ năm 1968 đến 1975 có tìm gặp anh em HĐS ngoài đó không? Có ai
đâu mà gặp. À tôi có gặp anh Lương Xuân Lộc, từng là Ủy viên ngành Ấu HĐ Bắc kỳ,
cùng có tên rừng như tôi là Sơn Ca Ngoài Trời. Chỉ nói chuyện qua loa..., khi
chia tay anh dặn đừng nhắc đến chuyện HĐ nhé nguy hiểm lắm.
Trong cuốn Giáo sư Tạ Quang Bửu (cuốn bìa màu vàng) trưởng Tôn Thất Hoàng (cựu tráng sinh Bạch Đằng mà ông Bửu là Tráng Trưởng) có viết: Tôi là Trung tá của Cục quân giới, tôi có việc đến gặp anh Tạ Quang Bửu tại văn phòng gặp anh, tôi thưa:
- Thưa
huynh trưởng tôi...
Tức thì anh xua tay nói:
- Ở đây
là Bộ Quốc Phòng.
Tôi liền đổi cách xưng hô:
- Thưa đồng
chí Bộ trưởng, anh mới chịu nghe.
Năm 2006 anh Nguyễn Ngọc Hà (Hà Nước) chở tôi đến
Trưởng Nguyễn Duy Thu Lương để hỏi về Fennec là con chồn gì? Tại đây đã có anh
Vượn Tận Tâm Nguyễn Phúc Quỳnh Hòe đang hỏi Tr. Lương về cái nút lạt Việt nam
mà năm 1939, Tr. Bửu biểu diễn tại Gilwell Park.
Trưởng Thu Lương cho tôi hay Fennec là con chồn cát
lông trắng như tuyết sống ở sa mạc Sahara, ban ngày ẩn mình trong hang cát để
tránh nóng, ban đêm chui ra để ăn sương và vài thứ rễ cây. Rất thông minh và
khôn ngoan nên Tổng Ủy viên Trung kỳ (của HĐ Pháp là Nidédrist Dê Sa mạc) đã
dùng đặt tên rừng cho anh Bửu. Anh Bửu là nhà thông thái, là nhà bác học Việt
nam, là vị Bộ trưởng Đại học liêm minh chính trực, chí công vô tư. Tôi là học
trò cưng của ông tại trường Thiên Hựu và cũng là Đội trưởng nhất ở Thiếu đoàn
Hùng Vương mà ông Bửu là Đoàn trưởng. Khi ông Bửu lên làm Tổng Ủy Viên HĐ Trung
kỳ giao đoàn lại cho tôi, ông xuống làm Thiếu phó và luôn luôn chu toàn trách
nhiệm của một Đoàn phó.
Sau năm 1975 tôi vẫn là giáo sư chính thức của Trường
Đại Học Bách Khoa Saigon và một hôm khi tôi đang ở phòng thí nghiệm thì được
tin ông Bộ Trưởng Đại học đến thăm trường và yêu cầu được gặp tôi. Gặp tôi ông
ôm chầm một cách thân ái và mời tôi ngồi cạnh ông bên tay trái còn bên kia là
ông hiệu trưởng; một tiếng cũng gọi giáo sư Thu Lương, hai tiếng cũng gọi là
giáo sư Thu Lương rất trân trọng. Sau đó trong các buổi hội họp hay tiệc tùng
ông đều kéo tôi ngồi bên cạnh. Tôi mời ông đến nhà dùng cơm thân mật, rất đầm ấm
và thân ái.
Ngứa miệng quá nên tôi hỏi Trưởng Thu Lương:
- Thế
khi gặp nhau bắt tay trái hay tay phải?
- Tay phải.
- Ông ta
có nói gì về Hướng Đạo không?
- Tuyệt
nhiên KHÔNG.
Rồi ngày mùa xuân năm 2010, tin đồn anh em Hướng Đạo
Công giáo đến Tòa Tổng Giám Mục để dự lễ ra mắt thành lập Hướng Đạo Công Giáo.
Tức thì tôi nhờ anh Hồng Hạc Phiêu Lạc đưa tôi đến đó. Cửa đóng then cài, một
Linh mục nói Hướng Đạo Việt Nam còn chưa có làm gì Hướng Đạo Công Giáo có. Tôi
và Hồng Hạc Phiêu Lạc ra về thì gặp anh Sóc Đảm Lược Mai Văn Nên của Cần Thơ,
nói đến Nhà Thờ Thánh Giuse để dự lễ ra mắt của Hướng Đạo Công giáo, tôi liền
đi theo. Ở Nhà thờ Thánh Juse anh em Hướng Đạo ra vào tấp nập không những ở
Saigon mà có các tỉnh về tham dự. Hội trường chật nứt, Trưởng BáoVui Lê Văn Ngoạn
vẫy gọi tôi. Chưa kịp đến với cụ thì tiếng ơi ới gọi tôi: "Anh Sáo, anh
Sáo." Ngoái lại tôi giật mình vì đó là anh Chiền Chiện Chăm Chỉ Nguyễn Văn
Mầu, tức Mầu "Méo". Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau, anh tía lia đủ thứ
chuyện với cái miệng vẫn "méo xẹo" như độ nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét