Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

1975-2020: 45 NĂM PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM SAU 1975

     Từ việc hình thành một Phong trào HĐVN tại hải ngoại đến những cố gắng ban đầu xây dựng lại sinh hoạt Hướng Đạo trong nước.

Vĩnh Đào

    Đơn vị Hướng Đạo Việt Nam đầu tiên đã được thành lập năm 1930 tại Hà Nội. Đến nay, năm 2020, Phong trào HĐVN đã có mặt trên đất nước Việt Nam được 90 năm. Nhưng đến năm 1975, tức là vào giữa đoạn đường, vì thời cuộc nên đã xảy ra một cuộc gãy đổ gần như toàn diện. Từ đó cũng bắt đầu một công cuộc tái xây dựng kiên trì đầy khó khăn. Bài viết sau đây không phải là một biên chép lịch sử đầy đủ, chỉ là góc nhìn của một chứng nhân đứng giữa thời cuộc và theo dõi những bước đầu của một cuộc hành trình dài.

    Sau khi được chính thức thành lập năm 1930, Phong trào Hướng Đạo Việt Nam trong nước phải đình chỉ hoạt động tiếp theo các biến cố lịch sử tháng 4-1975. Các anh chị em Hướng Đạo và các trưởng tạm xếp bộ đồng phục, lo đối phó với các khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, chờ một ngày đẹp trời khôi phục lại Phong trào. Trong khi đó, một số trưởng vượt biển đến các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á rồi sau đó được tiếp đón và định cư tại một số nước phương Tây.


Bức tranh thêu rồng do Trưởng Trần Văn Lượt tặng, treo tại Văn phòng HĐTG

    Ngay trong thời gian ở trại tỵ nạn, nhiều đơn vị Hướng Đạo đã được thành lập, khá nhiều trưởng chủ động tiếp xúc với Văn phòng Hướng Đạo Thế Giới ở Genève hỏi thăm về khả năng tái lập sinh hoạt hướng đạo ở nước ngoài.

    Ngày 7-06-1983, Tr. Laszlo Nagy, Tổng Thư ký Văn phòng Hướng Đạo Thế Giới, gởi thơ cho Tr. Nguyễn Văn Thơ, Chủ tịch cuối cùng của Hội Hướng Đạo Việt Nam đang định cư tại tiểu bang Texas, bày tỏ mối quan tâm của Văn phòng Thế Giới khi Văn phòng tại Genève nhận được một số lớn thư từ của những trưởng, những đơn vị, những "hội đồng hướng đạo"... mà ai cũng tự nhận là đại diện cho Hướng Đạo Việt Nam. Để giải quyết vấn đề các đơn vị Hướng Đạo Việt Nam ly hương, Tổng Thư ký Laszlo Nagy đề nghị về phía Việt Nam lập ra một "Ủy ban Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại" (nguyên văn: "Central Committee of Vietnamese Scouting in exile". Tr. Nagy đề nghị là Bác sĩ Thơ, "trên cương vị là chủ tịch cuối cùng của Hướng Đạo Việt Nam và ông Trần Văn Khắc, người đã thành lập ra phong trào Hướng Đạo Việt Nam, nên đóng một vai trò kết hợp trong công cuộc này". Như vậy, Văn phòng Hướng Đạo Thế Giới sẽ có một người đối thoại duy nhất để giải quyết sớm hơn một số vấn đề tế nhị đặt ra hiện nay.

    Tuy nhiên, Tổng Thư ký Laszlo Nagy khẳng định ngay từ đầu là Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới "sẽ không công nhân một nhóm tha hương nào đại diện cho quê hương của họ hay đại diện cho Hướng Đạo Việt Nam." Chính sách cho đến nay của Tổ chức HĐTG là thu xếp để các nhóm ly hương được tiếp nhận và ghi danh với Hội Hướng Đạo các nước định cư nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá của xứ sở nguồn gốc của mình. Đối với các đơn vị HĐVN ly hương, Tổ chức HĐTG cũng sẽ giải quyết theo chiều hướng này.

Bắt đầu một giai đoạn mới

    Tiếp theo văn thư của Tổng Thư ký Nagy, một số trên 30 trưởng HĐVN họp mặt tại thành phố Costa Mesa, tiểu bang California, đầu tháng 7 năm 1983. Đó là "Hội nghị Costa Mesa" đi đến quyết định thành lập một "Ủy ban Quốc tế Hướng Đạo Việt Nam" có nhiệm vụ khuyến khích việc thành lập các đơn vị hướng đạo gồm trẻ em Việt Nam sinh hoạt trong khuôn khổ hội Hướng Đạo của các nước định cư, và sau đó khuyến khích việc duy trì di sản văn hoá Việt Nam cùng với những truyền thống HĐVN trong giới trẻ Việt Nam sống tại hải ngoại.

Nguyễn Tấn Đệ, TTK Moreillon, Vĩnh Đào bên lề Hội nghị Vùng châu Á TBD, 1998


    
Tên chính thức của ủy ban là "International Central Committee of Vietnamese Scouting" (ICCVS), nhưng khi chọn tên tiếng Việt, các trưởng hiện diện hôm đó muốn giữ lại tên "Hội đồng Trung ương Hướng Đạo Việt Nam" (HĐTƯ) như là một kỷ niệm của thời xưa khi còn Hội Hướng Đạo Việt Nam trong nước. Tuy nhiên ai cũng hiểu đây không phải là một "Hội đồng Trung ương" đúng nghĩa của một Hội Hướng Đạo, mà chỉ là một "ủy ban quốc tế" có nhiệm vụ phối hợp trên căn bản tự nguyện sinh hoạt của một số đơn vị có đoàn sinh Việt Nam ghi danh trong các hội Hướng Đạo địa phương. Tr. Trần Văn Khắc, người thành lập đơn vị HĐVN đầu tiên tại Hà Nội hơn 50 năm trước, được bầu làm chủ tịch đầu tiên của ủy ban mới thành lập.

    Hai năm sau đó, vào mùa hè năm 1985, một trại họp bạn đầu tiên qui tụ các đơn vị Việt Nam đang sinh hoạt trong nhiều nước được tổ chức trong khuôn viên lâu đài Jambville của Hướng Đạo Công Giáo Pháp Scouts de France, cách thủ đô Paris khoảng 80 km. Trại mang tên Thẳng Tiến, sau này được gọi là Thẳng Tiến I khi có thêm nhiều cuộc họp bạn tương tự khác được tổ chức. Tr. Trần Văn Khắc xin rút lui khi thấy nhiệm vụ lịch sử của mình đã hoàn thành. Tr. Nguyễn Văn Thơ được bầu làm tân chủ tịch của HĐTƯ.

    Kể từ trại Thẳng Tiến I, tôi trở lại sinh hoạt với Phong trào với trách nhiệm Tổng Ủy viên HĐVN tại Pháp. Pháp là quốc gia duy nhất công nhận một Hội Hướng Đạo Việt Nam sinh hoạt hợp pháp như là một thành viên liên kết trong Liên Hội Hướng Đạo Pháp.

    Trại họp bạn Thẳng Tiến II được tổ chức tại Canada gần thành phố Toronto mùa hè năm 1988, rồi trại Thẳng Tiến III ở San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, vào mùa hè năm 1990, cùng lúc kỷ niệm 60 năm của Phong trào HĐVN. Trong kỳ trại này, tôi được bầu làm phó chủ tịch, phụ tá cho Tr. Nguyễn Văn Thơ tiếp tục giữ trách nhiệm chủ tịch HĐTƯ.

    Trong khi đó tại Văn phòng HĐTG ở Genève, Tổng Thư ký Lazslo Nagy đến tuổi về hưu, Tổ chức HĐTG chọn Tiến sĩ Jacques Moreillon làm tân tổng thư ký kể từ tháng 11-1988. Kể từ sau Hội nghị Costa Mesa năm 1983, HĐTƯ HĐVN không còn liên lạc thư từ gì với Tổng Thư ký Nagy và Văn phòng Thế Giới nữa. Đến tân tổng thư ký thì hoàn toàn xa lạ. Vào thời gian này cũng xảy ra nhiều biến cố lịch sử trọng đại trên thế giới. Bức tường Berlin bị phá sập cuối năm 1989, lôi kéo theo sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết và liên minh các nước Đông Âu trong khối Xô Viết. Phong trào Hướng Đạo tại Đông Âu rầm rộ hồi sinh, Tổ chức HĐTG bắt đầu đón nhận rất nhiều hội viên mới từ khối Đông Âu.

    Năm 1990, khi HĐVN kỷ niệm 60 năm của Phong trào HĐVN thì Scouts de France cũng kỷ niệm 70 năm thành lập Phong trào Hướng Đạo Công Giáo Pháp. Lễ kỷ niệm được tổ chức vào đầu tháng 10-1990 tại thành phố Lyon, cách Paris 470 km về phía Nam. Kỳ trại kéo dài 4 ngày với sự có mặt của nhiều phái đoàn hướng đạo Âu châu. Tôi dẫn một phái đoàn trưởng HĐVN tham dự. Tổng Thư ký Jacques Moreillon cùng vài trưởng khác trong Văn phòng Thế Giới cũng có mặt. Một buổi trưa trong giờ nghỉ, gặp Tr. Moreillon đứng thơ thẩn một mình trong sân trước phòng họp lớn, tôi đến tự giới thiệu. Ông niềm nỡ tiếp chuyện với tôi một hồi lâu, kể lại những chuyến công tác của ông tại Việt Nam vào các năm 1970 và 1973, khi ông đại diện cho Tổ chức Chữ Thập Đỏ Quốc tế đến thương lượng với các bên tham chiến một qui chế nhân đạo cho tù binh bị bắt tại chiến trường.

Nối lại mối dây

    Trong những ngày cuối năm 1991, tôi nhận được từ một nhà xuất bản lớn ở Thụy Sĩ quyển sách nghiên cứu văn học mới phát hành tựa là "André Malraux hay là cuộc mưu tìm tình huynh đệ", quyển sách trích từ tập luận án tôi đã trình trước Viện Đại học Paris-Sorbonne hai năm trước. Cầm quyển sách trên tay, tôi có ý định gởi tặng Tổng Thư ký Moreillon, kèm theo một bức thư nhắc lại cuộc gặp gỡ tại Lyon hơn một năm trước. Tôi hy vọng, với món quà "làm quen" này, nối lại mối liên lạc giữa Văn phòng Thế Giới và HĐVN đã bị gián đoạn từ nhiều năm qua.

    Hai tuần lễ sau, tôi nhận được một lá thư hồi âm dài và rất thân thiện. Sau những lời cảm ơn, Tổng Thư ký Moreillon trình bày vắn tắt những gì đang xảy ra trong Phong trào Thế Giới gần đây và hỏi ý kiến tôi về một số vấn đề liên quan đến Hướng Đạo trong nước. Ông nói những người HĐVN ở rải rác khắp nơi có những lối phân tích khác nhau có thể giúp Ủy ban HĐTG hiểu rõ vấn đề hơn, để ấn định một lập trường thích hợp nhằm giúp đỡ việc tái lập một phong trào Hướng Đạo tại Việt Nam. Tất nhiên, Việt Nam là một nước quan trọng trong vùng Đông Nam Á, có một truyền thống hướng đạo lâu dài, nên Tổ chức HĐTG rất mong muốn thấy phong trào được hồi sinh trong nước. Từ đó bắt đầu những liên lạc thư từ giữa Genève và tôi.

    Tháng 8 năm 1993, trại họp bạn Thẳng Tiến 4 khai mạc trong lâu đài Le Breuil, một lâu đài xinh xắn giữa một công viên rộng ở miền Trung nước Pháp, thuộc quyền sở hữu của Hướng Đạo Pháp. Tham dự trại là các phái đoàn HĐVN đến từ Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Hoà Lan và Pháp. Trong kỳ Đại Hội Đồng họp ở trại, tôi được bầu giữ trách nhiệm chủ tịch HĐTƯ. Tr. Nguyễn Văn Thơ làm cố vấn cho HĐTƯ.

    Đầu tháng 2-1994, nhân một chuyến công tác ghé Paris, Tổng Thư ký Moreillon hẹn gặp tôi tại một khách sạn ở trung tâm thành phố, nơi ông tạm trú. Trong buổi gặp gỡ này, Tr. Moreillon cho tôi biết là Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái bình Dương Kim Kyu Young sắp tham dự một hội nghị của UNESCO tại Hà Nội và nhân dịp này anh muốn được quan sát tại chỗ những tiến triễn của việc xin phép chính quyền tái lập sinh hoạt hướng đạo.

    Cũng nhân dịp này, Tổng Thư ký Moreillon mời tôi cùng một phái đoàn HĐVN tại Pháp ghé thăm trụ sở Văn phòng HĐTG tại Genève trong hai ngày để gặp gỡ các nhân viên làm việc, quan sát cơ cấu tổ chức của Phong trào HĐTG ngay tại cơ quan đầu não đặt tại Thụy Sĩ. Chúng tôi đồng ý sắp đặt cuộc viếng thăm vào đầu tháng 3, tức là trong 4 tuần nữa.

    Ngay vào lúc này tại Việt Nam đang có những sinh hoạt sôi nổi, những cuộc vận động xuất phát từ nhiều nơi nhưng đều có cùng mục đích là đạo đạt nguyện vọng phong trào hướng đạo được phép chính thức tái lập sau hơn 15 năm ngưng hoạt động tại miền Nam. Cuối tháng 5-1993, một cuộc họp lớn ở Hà Nội qui tụ một số' đông cựu hướng đạo đã sinh hoạt trong các thập niên 30-40. Trong miền Nam, nhiều nhóm, nhiều liên đoàn được thành lập và sinh hoạt không chính thức.

    Trước đó, vào tháng 8-1991, trên đường về sau cuộc Họp bạn Hướng Đạo toàn thế giới tại Seoul, Hàn Quốc, một ủy viên người Đức của Ủy ban HĐTG là Hartmut Keyler ghé lại Việt Nam trong một cuộc viếng thăm có tính cách cá nhân. Tại Thành phố' Hồ Chí Minh, ông tìm gặp được bà Phạm Phương Thảo, tổng bí thư Hội Liên Hiệp Thanh Niên, để hỏi thăm về khả năng tái lập sinh hoạt hướng đạo. Ông cũng mời bà Thảo cùng hai người cộng sự viên viếng thăm Văn phòng HĐTG tại Genève với lời hứa đài thọ các chi phí di chuyển và cư ngụ. Nhưng cuộc viếng thăm này không bao giờ xảy ra.

    Nay, Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái bình Dương Kim Kyu Young một lần nữa có ý định đến tận nơi tìm hiểu nhân chuyến công du sắp tới vào tháng 3-1994. Nhận thấy điểm khó khăn nhất của Kim là không biết ai là ai, tại một nơi anh chưa bao giờ đặt chân tới và không biết ai để hỏi thăm và nhờ giúp đỡ, tôi soạn một tài liệu giới thiệu tất cả những nhân vật đang giữ một vai trò trong công cuộc vận động hiện nay để xin thừa nhận một hội hướng đạo và hợp thức hóa sinh hoạt hướng đạo, mà phần lớn đang tập trung ở vài thành phố lớn miền Nam.

    Để cho thấy tình hình rõ hơn, những người liên quan được chia thành bốn nhóm.

    1)      Thứ nhất là những người cựu hướng đạo ở Hà Nội, mà nhân vật tiêu biểu nhất là Tr. Hoàng Đạo Thúy, là những người đã có tuổi, đã từng biết hướng đạo từ những năm 1930-1940, đang đứng chủ động những cuộc hội họp, hội thảo, để kêu gọi việc cho phép tái lập hướng đạo. Những vị này thành lập một "Ủy ban Liên lạc Lâm thời HĐVN" để phối hợp hành động.

    2)      Kế đến là những trưởng hướng đạo kỳ cựu và có uy tín tại miền Nam như các Tr. Phan Kim Phụng, Trần Hữu Khuê, Nguyễn Duy Thu Lương... đang có liên lạc với nhóm Hà Nội, và trong mức độ nào đó được sự tin tưởng của chính quyền Thành phố.

    3)      Một nhóm nữa gồm các trưởng hướng đạo còn hoạt động cho đến ngày cuối cùng của Hội Hướng Đạo Việt Nam tại Sài Gòn, như các Tr. Trần Văn Lược, Cung Giũ Nguyên, LM Đinh Quang Điện. Những vị này đã giữ những trách nhiệm quan trọng trong Hội Hướng Đạo Việt Nam lúc trước nhưng hiện đứng ngoài các cuộc vận động chủ xướng từ miền Bắc, một số vẫn là điểm tựa cho số trưởng trẻ đang sinh hoạt, trong số này có thể kể các Tr. Trần Văn Hợp hay Nguyễn Phước Ái Huy.

    4)      Sau cùng là những nhân vật không phải là hướng đạo nhưng có liên quan đến những diễn biến chung quanh vấn đề, như một vài nhân vật trong Hội Liên Hiệp Thanh Niên và một số người đã chủ động viết thơ tới Văn phòng Genève.

    Mục đích của tôi là giúp một người còn bỡ ngỡ biết được người đối thoại với mình là ai, không có chủ đích bài bác, chỉ trích một ai, dù thuộc nhóm nào. Theo tôi suy nghĩ thì tất cả đều có một ý muốn phục hồi sinh hoạt hướng đạo chỉ vì mục đích giáo dục tuổi trẻ, phục vụ xã hội, không có một ai có ý đồ lợi dụng hướng đạo vào một mục đích nào khác. Mặc dù những chính kiến có thể khác nhau, cách nhìn vấn đề có những điểm khác biệt, việc chấp nhận những "nhượng bộ" cần thiết để được phép hoạt động có mức độ nhiều ít khác nhau, nhưng không có lý do gì để phủ nhận thiện chí của bên này hoặc bên kia. Vì vậy tôi dùng những lời lẽ hết sức khách quan và ôn hòa để nói về những nhân vật liên hệ.

    Cùng với hai trưởng ở Pháp là Mai Quốc Tuấn và Nguyễn Phương Túy, chúng tôi đến Văn phòng HĐTG và được tiếp đón trong một cuộc viếng thăm hai ngày. Văn phòng HĐTG đã dành cho chúng tôi ba phòng trong một khách sạn tại trung tâm thành phố. Trong buổi làm việc với Tr. Moreillon, ông cho biết là rất trân trọng tính trung thực khách quan của tài liệu tôi viết để giới thiệu bốn nhóm có liên quan trong các cuộc vận động xin phục hồi sinh hoạt hướng đạo. Trong thời gian gần đây, qua quá trình thừa nhận các hội Hướng Đạo trong khối Đông Âu và Liên bang Xô Viết cũ, Văn phòng HĐTG thường gặp phải tình trạng trong một nước có 2, 3 nhóm hướng đạo cạnh tranh, công kích lẫn nhau, liên tục gởi tài liệu, hồ sơ đến Genève khiến cho Văn phòng Thế Giới khó biết đâu là sự thật, phải mất rất nhiều thời giờ tìm hiểu, phân tích, tìm một đường hướng hoà giải... Trong khi dò dẫm để tìm một lối đi trong trường hợp Việt Nam, ông Moreillon thấy có thể hoàn toàn tin tưởng nơi tính ôn hoà và khách quan của tôi. Đó là lý do giải thích những liên hệ gắn bó giữa Ủy ban Quốc tế HĐVN với Văn phòng HĐTG trong nhiều thập niên.

    Trong lúc nói chuyện, Tổng Thư ký Moreillon nhấc điện thoại, gọi sang Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương ở Manila để tôi nói chuyện trực tiếp với Tr. Kim Kyu Young. Anh sẽ đến Hà Nội dự hội nghị của UNESCO trong mấy ngày tới và sau một tuần, anh sẽ đáp phi cơ vào Sài Gòn. Tôi đã liên lạc với Tr. Trần Văn Hợp, Đạo trưởng Đạo Xuân Hoà, nhờ tiếp đón Tr. Kim và thu xếp cho anh gặp mặt một số trưởng đang sinh hoạt để nắm biết tình hình. Nhân cơ hội, tôi dặn dò Kim một số điều cần thiết.

    Cuộc viếng thăm tìm hiểu của Tr. Kim Kyu Young khá hữu ích nhưng cũng gặp nhiều bất trắc. Đến Sài Gòn ngày 11-03¬1994, anh được các Trưởng Trần Văn Hợp, Trần Văn Lược và Cung Giũ Nguyên đón tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sáng ngày hôm sau, anh gặp các Trưởng Phan Kim Phụng, Trần Hữu Khuê, Nguyễn Duy Thu Lương và Trần Văn Lược trong một cuộc tiếp xúc tại khách sạn. Buổi trưa có dự trù một bữa ăn với 10 trưởng nhưng chỉ có 5 người có mặt. Chương trình khai giảng một khoá huấn luyện huy hiệu Rừng vào buổi chiều bị hủy bỏ vì lý do an ninh. Cuộc viếng thăm kết thúc trong một bầu không khí ngột ngạt vì Tr. Kim có cảm giác bị theo dõi, rồi gặp chuyện rắc rối khi ra phi trường rời Sài Gòn đi Phnom Penh...

Những vị khách đến từ Việt Nam...

    Cuối tháng 9-1994, Tr. Phan Kim Phụng có dịp xuất ngoại thăm gia đình tại châu Âu. Tôi thu xếp cho anh một buổi viếng thăm và hội kiến với Tổng Thư ký Moreillon tại Genève trong tháng 10. Văn phòng Thế Giới gởi một thơ mời để Tr. Phụng xin visa nhập cảnh nơi toà Đại sứ Thụy Sĩ ở Paris. Vì Thụy Sĩ không gia nhập Cộng đồng Âu châu, và lúc đó cũng chưa tham gia Khu vực Schengen nên cần có visa để nhập cảnh. Nhân viên toà Đại sứ cho biết sẵn sàng cấp phép nhưng Tr. Phụng sẽ không thể trở về Pháp được vì thị thực nhập cảnh vùng châu Âu chỉ có hiệu lực một lần. Vậy là chuyến đi không thành.

    Hè năm sau, 1995, nhân có trại Họp bạn Thế giới lần thứ 18 tại Hoà Lan, Tr. Trần Văn Lược có mặt tại Pháp. Chúng tôi đưa anh đi Hoà Lan thăm trại họp bạn quốc tế, ghé thăm LM Nguyễn Xuyên cùng toán tráng sinh HĐVN tại Bỉ. Tôi cũng hướng dẫn anh đi thăm trụ sở Hội Hướng Đạo Công Giáo Pháp tại Paris để gặp gỡ một số trưởng lãnh đạo Hướng Đạo Pháp.

    Tr. Lược ngỏ ý muốn viếng Văn phòng Thế Giới tại Genève. Lần này, anh có chiếu khán nhập cảnh Pháp nhiều lần nên việc xin visa tại toà Đại sứ Thụy Sĩ chắc chắn không có gì trở ngại. Văn phòng Thế Giới gởi lời mời Tr. Lược đến viếng vào ngày 17-10¬1995, Tổng Thư ký Moreillon ngõ lời mời Tr. Lược và tôi dùng cơm trưa vào ngày đó. Tuy nhiên, tới ngày hẹn đến toà Đại sứ Thụy Sĩ làm thủ tục visa thì Tr. Lược e ngại và đổi ý vì sợ gặp rắc rối khi trở về nước. Tr. Lược nhờ tôi gởi lời xin lỗi đến Tr. Moreillon và nhờ tôi trao một bức tranh lụa thêu rồng như một quà tặng Văn phòng Thế Giới của anh chị em HĐVN trong nước.

    Đến ngày hẹn, dù không có Tr. Lược, Tr. Mai Quốc Tuấn và tôi lên đường đi Genève. Chúng tôi được Tổng Thư ký Moreillon và các công sự viên cao cấp trong Văn phòng Thế Giới tiếp đón. Bức tranh lớn do Tr. Trần Văn Lược thay mặt HĐVN trong nước tặng được treo liền trong phòng làm việc của tổng thư ký. Bức tranh lụa thêu rồng trên nền vàng có dòng chữ: "Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi". Tr. Jean Cassaigneau, phụ tá thân cận nhất của Tổng Thư ký Moreillon, tuyên bố: "Chúng tôi sẽ treo bức tranh này ở đây ít nhất là cho đến ngày Việt Nam gia nhập trở lại Tổ chức Thế Giới!"

    Sự hợp tác giữa HĐTƯ/HĐVN hải ngoại với VPTG vẫn khắng khít qua thời gian.

    Cuối năm 1995, trại Họp bạn Thắng Tiến 5 được tổ chức tại Úc, trên một khu đất trại của Hướng Đạo Úc gần Sydney. Chủ tịch Ủy ban Hướng Đạo Thế Giới Neil Westaway, tức là nhân vật số 1 của Tổ chức HĐTG, đến thăm trại, đọc diễn văn khai mạc, dự lửa trại và nghỉ đêm tại trại, sáng hôm sau mới ra về. Lúc cuối trại thì Giám đốc Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương Kim Kyu Young từ Manila đến mừng năm mới 1996, ngủ lại trại và dự lễ bế mạc.

    Hè 1996, tôi nhận được thơ của Tr. Nguyễn Duy Thu Lương. Anh đã được giấy phép xuất cảnh du lịch nhưng không biết vì lý do gi anh gặp khó khăn khi xin thị thực nhập cảnh Pháp. Tôi nhờ Tổng Ủy viên Hướng Đạo Công giáo Pháp can thiệp và Hướng Đạo Pháp sốt sắng gởi fax cho toà Tổng lãnh sự Pháp bảo lãnh cho anh Thu Lương. Chỉ mấy ngày sau anh nhận được thị thực nhập cảnh và cuối tháng 6, hai vợ chồng Tr. Thu Lương có mặt tại Paris. Chờ xong mấy tháng để anh thăm gia đình, chúng tôi thu xếp cho Tr. Thu Lương một cuộc viếng thăm Văn phòng HĐTG ngày 19-09.

    Đã hai lần trước lo việc nhập cảnh Thụy Sĩ cho các Tr. Phan Kim Phụng và Trần Văn Lược, nhưng cuối cùng chuyến đi không thành, mỗi lần với một nguyên nhân khác nhau. Lần này chúng tôi quyết định ra đi mà không cần lo vấn đề xin nhập cảnh cho anh Thu Lương, vì trên thực tế việc đi lại tại biên giới Pháp - Thụy Sĩ ít khi nào có kiểm soát. Nếu không may gặp chuyện bất ngờ thì đành quay trở về vậy. Và đúng như dự đoán, chúng tôi qua biên giới mà không gặp khó khăn gì.

    Tổng Thư ký Moreillon cùng ban lãnh đạo Văn phòng Thế Giới tiếp chúng tôi trong văn phòng tổng thư ký như các lần trước. Ở giữa phòng khách vẫn treo bức tranh lụa vàng thêu chỉ đỏ mà Tr. Trần Văn Lược đã gởi tặng Văn Phòng Thế Giới. Đề tài chính của cuộc thảo luận là bức thơ thỉnh nguyện mà Tr. Trần Hữu Khuê mới gởi các giới chức chính quyền để một lần nữa bênh vực cho việc phục hồi Phong trào Hướng Đạo. Trọng tâm của vấn đề là tín ngưỡng tâm linh trong giáo dục Hướng Đạo. Tr. Moreillon tái xác nhận là Hướng Đạo Thế Giới không cổ vũ cho một tôn giáo nào, và tục lệ thờ cúng ông bà của Việt Nam hoàn toàn thoả mãn mặt tâm linh trong giáo dục Hướng Đạo. Câu chuyện còn tiếp diễn vào buổi chiều sau bữa cơm trưa do Văn phòng Thế Giới khoản đãi trong một tiệm ăn ở trung tâm thành phố.

    Hè 1997, Tr. Phan Kim Phụng lại có cơ hội trở lại Paris. Lần này, anh nóng lòng muốn một lần được ghé thăm Văn Phòng Thế Giới. Theo kinh nghiệm chuyến đi năm trước với Tr. Thu Lương, chúng tôi cũng sẽ lên đường mà không cần xin visa nhập cảnh cho Tr. Phụng. Sau khi liên lạc với Văn Phòng Thế Giới, chúng tôi cùng định ngày thứ ba 9 tháng 9, anh Phan Kim Phụng và tôi sẽ đến Genève. Theo chương trình, Tổng Thư ký Jacques Moreillon sẽ tiếp chúng tôi từ 11 giờ 30 đến 3 giờ chiều, gồm buổi ăn trưa do Văn Phòng Tổng Thư ký khoản đãi. Tr. Phan Kim Phụng có vẻ hơi ngạc nhiên và vui khi nhìn thấy bức tranh lớn màu vàng treo giữa phòng, thêu hai con rồng Việt Nam, mà chúng tôi đã thay mặt Tr. Trần Văn Lược tặng Văn Phòng Thế Giới cách đây hai năm.

    Các trưởng trong Văn phòng Thế Giới có mặt tỏ vẻ rất có cảm tình với Tr. Phan Kim Phụng, một người trưởng hướng đạo tuổi đời đã cao, gương mặt rắn rõi in nét phong trần, được xem là thân cận và có uy tín đối với các giới chức lãnh đạo Thành Phố. Tuy ở tuổi 87 nhưng anh có dáng người rắn chắc, nhanh nhẹn. Trong khi nói chuyện, anh Phụng tỏ ý cương quyết bênh vực cho giải pháp một hội hướng đạo không bị chi phối bởi chính trị và hoạt động theo các nguyên tắc căn bản của Phong trào Hướng Đạo.

    Cuối tháng 9, Tr. Phan Kim Phụng trở về nước. Chỉ hơn 3 tháng sau, chúng tôi được tin anh từ trần. Được báo tin, Tổng Thư ký Jacques Moreillon viết lời chia buồn bày tỏ sự xúc động của ông: "Đó là một điều vinh dự cho tôi khi đã được gặp một trong những người hướng đạo lớn cuối cùng của một thời đã qua nhưng đáng kính nể biết bao."

Một hành trình dài

    Hè 1998, trại họp bạn Thẳng Tiến 6 khai mạc tại công viên lớn của thị trấn Fairfax, thuộc tiểu bang Virginia, ở ngay sát ranh giới với thủ đô Washington. Giám Đốc Vùng Châu Á - Thái Bình Dương Kim Kyu Young một lần nữa từ Manila đến tham dự và chủ trì lễ khai mạc. Trong dịp này, Tr. Kim mời tôi tham dự Hội nghị Vùng Châu Á - Thái Bình Dương kỳ thứ 19 sắp tới đây tại Hongkong.

    Vậy là cuối tháng 7-1998, Tr. Nguyễn Tấn Đệ và tôi đến Hongkong thay mặt HĐVN, lần đầu tiên hiện diện tại một hội nghị khoáng đại của Vùng Châu Á - Thái Bình Dương gần một phần tư thế kỷ sau khi một phái đoàn của Hội Hướng Đạo Việt Nam do Tr. Nguyễn Văn Thơ hướng dẫn tham dự Hội nghị kỳ thứ 9 tại Singapore năm 1974.

    Tới kỳ hội nghị lần kế tiếp, tức là Hội nghị Vùng kỳ thứ 20 tổ chức vào tháng 10-2001 tại thủ đô Ấn Độ New Delhi, Hội Hướng Đạo Ấn cũng thay mặt Văn phòng Manila gởi thơ mời tôi tham dự.

    Tháng 6-2002, Tr. Kim Kyu Young đến tuổi hưu trí sau 32 năm phục vụ cho Phong trào Hướng Đạo. Người thay thế anh ở trách vụ giám đốc Vùng là Abdullah Rasheed, một công dân nước Maldives. Một tháng sau đó, tháng 7-2002, trại Họp bạn Thẳng Tiến 7 nhóm họp tại Houston, tiểu bang Texas. Tr. Nguyễn Văn Thuất được bầu thay thế tôi làm chủ tịch HĐTƯ cho nhiệm kỳ mới. Tại Genève, Tổng Thư ký Jacques Moreillon cũng tuyên bố sẽ rời bỏ chức vụ năm 2004, khi ông vừa đến lúc hưu trí 65 tuổi. Một thời kỳ sắp chấm dứt.

    Trong thời gian còn lại trước khi rời chức vụ, Tr. Moreillon vẫn liên lạc mật thiết với tôi để theo dõi những biến chuyển dồn dập đang xảy ra, từ những vận động trong nước đến những sáng kiến từ bên ngoài, như các cuộc thăm dò và vận động tại Hà Nội của John Geoghegan, cựu Trưởng phái bộ Chữ Thập Đỏ Quốc tế tại Việt Nam, và của Đại sứ Ý Mario Sica, kết thúc bằng một chuyến đi Hà Nội của chính Tổng thư ký Jacques Moreillon vào tháng 12-2003.

    Bắt đầu từ đầu thập niên 2000, các nhóm hướng đạo sinh hoạt tại Thành phố Hồ Chí Minh tuy không có phép chính thức cũng đã bắt đầu bắt liên lạc được với Văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương và được sự quan tâm và giúp đỡ của Văn phòng Vùng cũng như một số Trưởng Hướng Đạo các nước Đông Nam Á.

    Cuối năm 2002, Hướng Đạo Thái Lan tổ chức trại Họp bạn Thế Giới lần thứ 20 tại Sattahip, cách thủ đô Bangkok 100 km.

    Qua lời ân cần giới thiệu của một trưởng Thái Lan trong Ủy ban Hướng Đạo Vùng, một phái đoàn HĐVN từ trong nước được mời tham dự trại. Một nhóm bốn Trưởng trong phái đoàn có cơ hội tiếp xúc ngắn ngủi với Tổng Thư ký Moreillon.

    Cuối năm 2005, cũng tại Sattahip, nơi đã xảy ra Họp bạn Thế Giới ba năm trước, Vùng Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức trại họp bạn Vùng với sự có mặt của tân Tổng Thư ký Văn phòng Thế Giới Eduardo Missoni. Gần 8 ngàn trại sinh thuộc 37 quốc gia trong và ngoài vùng Châu Á - Thái Bình Dương tham dự trại, trong đó có một phái đoàn Việt Nam 31 người. Ngày 1 tháng giêng 2006, tân Giám đốc Vùng Abdullah Rasheed triệu tập một phiên họp với đại diện của hai nhóm đang sinh hoạt ở Việt Nam là "Hội Đồng Hướng Đạo Liên Châu" và "Ban Điều Hành Hướng Đạo Việt Nam" để cùng ký một thoả ước 8 điểm theo đó hai bên hứa sẽ triệu tập những buổi họp chung với tất cả các liên đoàn Hướng Đạo đang sinh hoạt để bàn việc thống nhất các nhóm, và sẽ báo cáo cho Văn phòng Hướng Đạo Vùng Châu Á - Thái Bình Dương biết tiến triển công việc trước cuối tháng 4-2006.

    Đó là những bước khởi đầu cho một cuộc hành trình dài đưa đến việc Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới công nhận Hướng Đạo Việt Nam "Pathfinder Scouts Vietnam" là hội viên thứ 170 của Tổ chức Thế Giới vào ngày 10 tháng giêng 2019.

Vĩnh Đào

12.2020 

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26