Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

KỶ NIỆM VỚI VOI HOẠT BÁT - LM. TIẾN LỘC

 Minh Tâm (Hổ Hoan Hỷ)

 


Hàng đứng (từ trái qua phải)

Tôn Thất Sam, Nguyễn Vân Lộc, Thích Minh Tâm, Bạch Vân Nghĩa,....

     Đời tôi, năm nay đúng 83 cái xuân xanh, đôi lúc ngồi kiểm lại thử mình có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, sướng khổ? Những gì đã quên và cần quên, những gì đáng nhớ và nên nhớ, đã đành quá khứ đã qua và tương lai thì chưa đến, cần biết hiện tại vì hiện tại cũng có liên quan đến quá khứ và dẫn đến tương lai! Có lẩn thẩn không nhỉ? Dù có lẩn thẩn cũng vui thôi, ai bỏ tù hành hạ gì đâu mà lo, tôi nghĩ vậy và cứ sống như vậy, vì mình sống cho mình, miễn là đừng quá ích kỷ, chỉ biết có mình mà không nghĩ đến ai, do đó, mỗi lần ít nhiều ôn lại quá khứ, tôi lại cười một mình, dĩ nhiên vui mới cười, mà lạ một điều, có những kỷ niệm buồn mà tôi vẫn cười, hoặc kỷ niệm không vui không buồn tôi vẫn cười, cười chính mình, cười cho mình, được cười hay bị cười tôi vẫn thấy cái hay của nụ cười.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ một đoạn thơ tôi viết cho thầy Tâm Thanh - một Pháp hữu tài đức nhân hậu - khi thầy viên tịch tại Đại Ninh, tôi đã viết rằng:

Còn đâu nữa mỗi lần nghe điện thoại,

Minh Tâm ơi tháng lé gọi đây,

Thâm tình ông đưa má ra đây,

Cân một miếng cho say tình pháp lữ,

Cân nhè nhẹ cân đau, ta cân lại,

Lé gặp lùn hai đứa, đứa mô hơn,

Bạn thì nhiều mà ít kẻ keo sơn,

Thương đã hiếm mà hiểu nhau càng hiếm,

Ta thâp đuốc giữa ban ngày kiếm bạn,

Đêm nhìn tràng, đón gió, đếm sao trời"...

    Bài thơ khá dài, một đoạn trên, ai đọc mà không cười thấy thầy Tâm Thanh và tôi (Minh Tâm) chân tình đến mức nào, thương nhau đến mức nào, hiểu nhau đến mức nào! Thầy Tâm Thanh hơi lé, tôi hơi lùn (nhất lé nhì lùn mà) và các câu tiếp đó là nỗi buồn khi bạn chết, "Thương đã hiếm mà hiểu nhau càng hiếm", hiếm thật, để ban ngày mà phải thắp đuốc để tìm bạn, kiếm bạn mà không có, rồi than nỗi cô đơn chỉ biết "nhìn tràng, đón gió, đếm sao trời"- nỗi buồn da diết khi mất bạn...

    Vậy đó, hơi dài dòng, nhưng, vốn tánh tôi đa sầu, đa cảm, đa sự, đa văn, mà đi vào đề một kỷ niệm khó quên, mà làm sao quên được tình huynh đệ giữa tôi và linh mục Tiến Lộc (Voi Hoạt Bát) trong gia đình bắt tay trái. Hai anh em tôi, một linh mục (Thiên Chúa) một sa môn (Phật giáo) gặp nhau, thân nhau, kính mến nhau đã gần 30 năm. Một thời gian không ngắn để thấy được giá trị của tấm chân tình huynh đệ chùng tôi.

    Thuở ban đầu tương ngộ ấy!

    Năm 1981, tù mà không tội trở về, tôi lang thang khắp 4 vùng chiến thuật, rày đây mai đó "Thân vô sở trú nhi sanh Minh Tâm" (Ưng vô sở trụ, nhi sanh Kỳ Tâm), một câu trong kinh Phật, rồi dừng chân tại Long Thành, cất một thảo am (lều tranh) nho nhỏ 9m2 để ẩn tu bên cạnh chùa Bửu Lâm của Hòa thượng Kiến Tánh.

    Một căn lều tệ hơn cả cái chòi giữ vịt, nằm cạnh rừng cao su, giữa một rừng cỏ dại, có dòng nước nhỏ chảy qua, lúc ấy 1981, 1982, phải nói là ở chung với rắn, với rít, với bò cạp, với ma, không đủ cơm ăn, áo mặc, bàn thờ Phật là một cái bàn tre, tượng Phật thì là một bức ảnh vẽ bằng bút chì trên tờ giấy A4, phải nói là vô sản tận cùng của vô sản. Sau đó sư huynh Huệ Tánh với các môn đệ của Bồ Đề Phan Thiết chở vào một xe lam chén bát, nồi niêu, soong chảo, mới tạm có đủ đồ dùng, nhưng cuộc sống khó khăn vẫn vây bủa.

    Chính lúc này, khoảng đầu thập niên 1990, linh mục Tiến Lộc và Bạch Văn Nghĩa xuất hiện. Tôi không nhớ do nhân duyên nào. Linh mục Tiến Lộc và Bạch Văn Nghĩa tìm gặp tôi đang ẩn cư trong cảnh rừng heo hút đói rách này. Bạch Văn Nghĩa là một Phật tử thuần thành đã đi chùa nhiều năm nhưng chưa quy y Tam Bảo. Có lẽ là duyên thầy trò từ nhiều kiếp, lúc bấy giờ tôi là một nông dân quê mùa rách rưới, nghèo khổ tận cùng của xã hội, vì mới ở tù về, ốm yếu, xanh xao, đen đúa, xấu xí... Vậy mà Nghĩa xác định tôi là Bổn Sư, là Thầy của Nghĩa rồi xin quy y. Riêng linh mục Tiến Lộc lại càng thâm thiết, thân mật, tươi vui, tôn ngay tôi là sư huynh và kết giao ngay từ buổi ban đầu sơ ngộ ấy.

    Trong căn nhà nhỏ làm Chánh điện, bàn Phật thờ bằng bông cỏ và hoa rừng, bàn truyền giới bằng tre, cau, vậy mà cũng có một cái bàn riêng để linh mục Tiến Lộc mặc áo Dòng ngồi xem lễ từ đầu đến cuối, cùng với các trưởng Hướng đạo Toán Giữ Vững đứng chung quanh. Khóa lễ dù đơn giản, không có chuông trống bát nhã thỉnh sư, không có đủ chúng Tỳ Kheo, nhưng tôi cũng giải thích, truyền đủ pháp Tam Quy và Ngũ Giới đúng chánh pháp và Bạch Văn Nghĩa có pháp danh Trung Hiệp thành kính thọ trì. Buổi lễ rất trang nghiêm và cảm động.

    Có lẽ lần đầu tiên linh mục Tiến Lộc thấy và nghe một buổi lễ truyền giới của Phật giáo. Chỉ tiếc lúc bấy giờ chùa còn quá nghèo, không có những tiện nghi hay pháp khí cần thiết cho buổi lễ, có lẽ vì vậy mà có những ấn tượng đặc biệt của giới sư và giới tử khi có một tu sĩ Thiên Chúa tham dự lễ quy y này.

    Kể từ đó, tịnh thất Nguyên Phong (tiền thân của chùa Phật Ân) được anh chị em Hướng Đạo tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận lui tới sinh hoạt.

Đổi áo

    "Thương nhau cởi áo cho nhau" chúng tôi thay chữ "cởi" thành chữ "đổi".

    Một lần anh em Hướng Đạo về Nguyên Phong, không nhớ từ ý kiến của ai, linh mục Tiến Lộc và tôi đổi áo. Tôi mặc áo lễ trắng, đeo Thánh giá, đầu đội mũ bê-rê giả làm linh mục. Ngài Tiến Lộc mặc hậu vàng, đầu đội mũ len của tu sĩ Phật giáo, nghĩa là ông thầy chùa biến thành ông linh mục, ngược lại, ông linh mục được biến thành ông sư, rồi chụp ảnh làm kỷ niệm. Tấm ảnh đó một thời nổi danh trong gia đình Hướng đạo, anh chị em thích thú truyền tải với nhau, có lẽ chưa có một kỷ niệm nào đẹp hơn tinh thần Hướng đạo, tư tưởng phá chấp được cụ thể hóa qua tấm ảnh để đời đó giữa anh em chúng tôi. "Cha - Sư - Minh Tâm - Tiến Lộc - Hổ Hoan Hỷ - Voi Hoạt Bát".

    "Voi và Cọp" đổi áo cho nhau. 

    Viết đoạn này tôi nhớ rõ: Sư huynh tôi ở Phan Thiết, hòa thượng Thích Huệ Tánh và linh mục Phan, cũng tâm đầu ý hiệp, cũng kính mến nhau, thương yêu nhau, lui tới thăm viếng nhau suốt mấy chục năm trường, khi linh mục Phan từ trần, hòa thượng Huệ Tánh đến tiễn đưa với vô vàn thương tiếc, một đám tang linh mục có rất đông Tăng Ni Phật giáo tiễn đưa. Chẳng cần ai kêu gọi, mời mọc, chẳng cần ai vận động, tình cảm vẫn dạt dào, tinh thần đoàn kết vẫn thể hiện trọn vẹn, cần gì phải vận động bắt loa lên mà la hét. Người chân thật vốn đã có cái tâm chân thành, chân thành thương nhau, kính mến nhau thì tự nhiên tình đoàn kết thể hiện một cách tự nhiên, điều đó sư huynh tôi và linh mục Phan đã có, tôi và linh mục Tiến Lộc đã có. Dễ thương và đẹp quá phải không?

Cùng ở trời Tây

    Một kỷ niệm khá độc đáo khi chỉ có tôi và linh mục Tiến Lộc từ Việt Nam qua tham dự trại Hướng Đạo tại Oregon (Mỹ). Tại đây, trưởng Tiến Lộc đã qua về nhiều lần nên rất thành thạo đường đi nước bước, còn tôi, như "Hai Lúa lên thành".

    Đến Mỹ, tôi ở chùa Phật Ân của đệ tử Trung Nghiêm đến ngày khai mạc trại mới bay lên đất trại. Voi Hoạt Bát đến trước sắp xếp để đón tôi, về ở nhà Bạch Văn Nghĩa. Tinh thần Hướng đạo Việt Nam ở xứ người, tiểu bang này có cuộc sống rất êm ả, không xô bồ như những nơi khác. Cảnh trí rất nên thơ, thiên nhiên ưu đãi, đất trại rộng mênh mông, chính phủ đã cắt chia giao cho Hội Hướng đạo của Mỹ quản lý, cho nên Hội đã xây dựng nhà cửa có nơi lưu trú cho đoàn sinh đến sinh hoạt. Các tiện nghi sinh hoạt, lưu trú, ăn ở, rất đầy đủ, mấy chục mẫu đất được quy hoạch nghiêm túc, thấy cơ ngơi của họ cũng đã thèm, nghĩ lại mình mà buồn, mà xấu hổ.

    Ngoài vợ chồng đệ tử Trung Hiệp lo cho tôi, thì chỉ có Voi Hoạt Bát vạch chương trình sinh hoạt cho tôi, nào là tham quan các thắng cảnh, nào là thăm viếng các linh mục, các cơ sở thân quen đa phần của Thiên Chúa giáo, chứ Phật giáo ở đây rất ít có cơ sở và tu sĩ, do đó trong thời gian dự khóa trại này, Voi Hoạt Bát hoàn toàn chủ động và tôi, vừa không nói được tiếng Anh, lại lạ nước, lạ cái, lạ khí hậu, lạ con người, lạ ẩm thực... thế mà, mọi sinh hoạt không những dễ dàng thông suốt, mà lại còn hào hứng, vui tươi, là nhờ vợ chồng Trung Hiệp Bạch Văn Nghĩa và Voi Hoạt Bát điều hành, sắp xếp. Tôi thật sự cảm kích. Ngay cả vấn đề ăn chay của tôi, Ban Quản trại và mọi người cũng lo rất chu đáo. Có lẽ sợ tôi buồn và lạ lẫm nên Voi đã lưu tâm không để tôi có thời gian trống trong mấy ngày lưu trú ở đây. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ và nên nhớ, và đã nhớ. Làm sao quên được Voi Hoạt Bát, tình bạn thâm giao giữa một linh mục và một sa môn!

    Ngoài những điều đáng nhớ ấy, những lễ vía của Phật giáo như đại lễ Vu Lan, đại lễ Phật Đản, Tết Nguyên đán,... hàng năm, Voi Hoạt Bát bao giờ cũng nhớ, khi về Phật Ân tham dự lễ, khi dẫn anh chị em Hướng đạo về thăm, chúc lễ,. tấm chân tình của anh em tôi Voi - Cọp trong khu rừng Hướng đạo Việt Nam. Hình ảnh một vị linh mục sánh vai với một vị sa môn Thích tử trong màu áo Hướng đạo Việt Nam đã thể hiện rõ nét tinh thần Hướng đạo anh em chung một mái nhà. Một bài thuyết giảng không lời trong tinh thần phá chấp, yêu thương, đoàn kết.

    Tinh thần ấy, tấm chân tình ấy, lòng yêu thương chung thủy ấy, đẹp lắm, quý lắm, phải không?



Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26