Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

CÙNG NHAU GẮN LẠI MẢNH HUY HIỆU CÒN THIẾU

Võ Quang Nguyên Phổ 

Trong phiên họp Hội nghị Huynh trưởng (HNHT) sáng ngày 01/12/2012, nguyên Trưởng khối Sinh hoạt Trần Minh Thiện trình bày vấn đề về huy hiệu Hoa Bách hợp (HBH). 

Nội dung phát biểu như sau: Thời gian vừa qua, Ban Điều hành (BĐH) Hướng Đạo Việt Nam (HĐVN) theo đề nghị của Tr. Trần Văn Lược đã sử dụng huy hiệu Hoa Bách hợp có nắp nhỏ ở phía trên trong các Trại Họp bạn Bách Việt 2010 và HNHT 2012. Tr. Thiện đưa ra đề xuất rằng, trong lần tu chính tiếp theo về Quy chế, trong xây dựng nội lệ... HNHT nên chọn huy hiệu HBH đó (có nắp nhỏ phía trên) thay cho huy hiệu hiện nay. 

Tiếp theo lời kêu gọi trên, có nhiều ý kiến phát biểu theo nhiều hướng khác nhau. Dưới góc độ một thành viên của Ban Thư ký, người viết thấy đa số các quan điểm của đại biểu là mong muốn sao đạt được sự ổn định, hạn chế thay đổi xáo trộn trong Phong trào. Điều này đúng là phương cách khôn khéo và xác đáng nhất trong hoàn cảnh hiện nay. 

Để đưa ra một quyết định sáng suốt cho Phong trào, chúng ta cần có tầm nhìn tổng thể về quá trình hình thành và thay đổi huy hiệu HBH của HĐVN. 

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & THAY ĐỔI HUY HIỆU HƯỚNG ĐẠO TẠI VIỆT NAM 


1. ) Huy hiệu phong trào Hướng Đạo tại Việt Nam cuối thập niên 1920 đến 1937 


* Phong trào Hướng Đạo (HĐ) hình thành ở Việt Nam khoảng cuối thập niên 1920. Vào thời gian ấy, trong Lễ Tuyên hứa, đoàn sinh chắc chắn phải nhận được một huy hiệu nào đó, thể hiện giống như những thành viên HĐ khác ở khắp nơi trên toàn cầu. 

Khoảng năm 1930 - theo "Hồi ký Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam" của Tr. Trần Văn Khắc - "Lá cờ Hướng Đạo được sử dụng ở nước ta lúc bây giờ màu xanh có Hoa Bách hợp trắng thêu ở giữa". 

Vậy có lẽ lúc đó, huy hiệu của các đơn vị Hướng Đạo ở Đông Dương là Hoa Bách hợp trắng nền xanh lá cây. Vì Đông Dương trong thời kỳ thuộc Pháp, nên mẫu Fleur-de-lys của Hướng Đạo Đông Dương ắt phải lấy theo mẫu của một Hội HĐ Pháp nào đó. 


Huy hiệu của các tổ chức HĐ Pháp trước năm 1940* 


Chúng ta biết rằng từ năm 1911 đến năm 1923, tồn tại 7 tổ chức Hướng Đạo ở Pháp, sắp xếp theo thứ tự thành lập như sau: 

- Năm 1911 thành lập Hội Hướng Đạo Tin Lành Hiệp nhất Pháp Éclaireurs Unionistes (EU). Hội Hướng Đạo Pháp Quốc Éclaireurs Français (EF), và Hội Hướng Đạo Thế tục Pháp Éclaireurs de France (EdF). 

- Năm 1920 thành lập Hội Hướng Đạo Công giáo Pháp Scouts de France (SdF). 

- Năm 1921 thành lập Liên hội Nữ Hướng Đạo Pháp Fédération Française des Éclaireuses (FFE). 

- Năm 1923 thành lập Hội Nữ Hướng Đạo Do Thái giáo tại Pháp Éclaireuses Israélites de France (EIF) và Hội Nữ HĐ Công giáo Pháp Guides de France (GDF) (1). 

- Năm 1923, tại Pháp thành lập hai tổ chức: Văn phòng Liên Hiệp hội Hướng Đạo Bureau Inter-Fédéral (BIF) dành cho Hướng đạo sinh nam và Ủy ban Liên lạc Comité de Liaison dành cho Hướng đạo sinh nữ. 

- Năm 1940, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai lan đến Pháp, thủ đô Paris bị quân Đức chiếm đóng. Chính quyền lâm thời Vichy cho phép Văn phòng Hiệp hội HĐ BIF thành lập một tổ chức chung cho tất cả các hội HĐ tại Pháp được gọi là Scoutisme Français. 

 


Huy hiệu của Hội Hướng Đạo Công giáo Pháp (SdF)* Biểu tượng Fleur-de-lys của Pháp là một đặc trưng cho nền quân chủ chuyên chế, là biểu tượng của phái Bảo Hoàng - những người ủng hộ dòng dõi Bourbon. Vì thế ở Pháp, Fleur-de-lys là một huy hiệu của đảng phái chính trị. 

Quan sát chúng ta thấy huy hiệu 7 tổ chức đầu tiên của HĐ Pháp không có hình ảnh HBH nào cả. Theo thời gian, các hội HĐ tại Pháp, mới đưa dần biểu tượng HBH vào trong huy hiệu của họ. Chẳng hạn, Hội Hướng Đạo Công giáo Pháp (SdF) là hội dành cho nam, nhưng lúc đầu chọn biểu tượng là Lá Tam diệp, về sau mới được thay bằng Hoa Bách hợp. 

Tuy huy hiệu chính thức của các hội HĐ Pháp vào giai đoạn trước năm 1940 không có hình HBH, nhưng Văn phòng Hiệp hội HĐ Pháp BIF vẫn dùng các huy hiệu kim khí có hình HBH làm nền bên ngoài. Bên trong là biểu tượng của các hội HĐ. 

Huy hiệu kim khí của HĐ Pháp với nền là HBH 

* Vậy, biểu tượng Hoa Bách hợp trên cờ hiệu, huy hiệu của các đơn vị HĐ Đông Dương trước năm 1937, có nhiều khả năng được chế tác theo các mẫu huy hiệu kim khí kể trên. Biểu tượng HBH này cũng gần giống như trên các sách báo HĐ thời bấy giờ. 

2. ) Huy hiệu của Liên hội Hướng Đạo Đông Dương từ 1937 đến 1945 


* Cuối năm 1937, Hướng Đạo Pháp cử Tr. Raymond Schlemmer sang Đông Dương giám sát, tập hợp Hướng Đạo ở 3 nước và thành lập Liên hội Hướng Đạo Đông Dương FIAS (Fédération Indochinoise des Associations du Scoutisme). Đại diện thường trực là Tr. André Consigny, Tổng thư ký là Tr. Võ Thành Minh. 

Việc chọn huy hiệu cho Liên hội HĐ Đông Dương có lẽ diễn ra trong khoảng thời gian 1937 - 1938, vì đây phải là thời điểm sớm ngay sau khi Liên hội chính thức được thành lập. 

Theo "Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam" của Tr. Võ Thành Minh viết: 

"Phù hiệu Hướng Đạo: 

...Nhưng Dã Mã vẫn vui lòng khi còn thấy lại nơi gia đình Hướng Đạo cái phù hiệu y nhiên như xưa, cũng do Dã Mã tranh đấu  

nhiều mới được xuất h iện. 

Chính cái phù hiệu ấy là Hoa Sen chứ không phái là Hoa Bách hợp, như tất cá anh chị em Miền Nam, kể cá bạn đường xưa lầm tưởng. 

Nguyên do phù hiệu ấy là thế này: 

Khi Ban Thường trực bàn đến vấn đề phù hiệu Dã Mã đề nghị ngay Hoa Sen thay cho những phù hiệu đã được dùng ở Âu Tây, từ Hoa Bách hợp (Âu Mỹ) cho chí hình Chữ Thập bằng (Croix canné), Chiếc Cung trương (Arc tendu) hay Con gà vàng (Coq d'or) của Pháp, không có thứ nào thích hợp với tinh thần Á Đông cá. Hoa sen là dấu hiệu của người quân tử Á Đông: Mọc giữa bùn mà không nhiễm mùi bùn, thật xứng đáng làm phù hiệu cho Hướng Đạo Việt Nam nói riêng và cho cá Đông Nam Á nói chung. Ban Thường trực đồng ý và giao cho Dã Mã mướn vẽ một bông Hoa Sen cho tuyệt đẹp. Dã Mã không mướn họa sĩ vẽ mà lại ra thông cáo cho cá 5 Tổng hội Đông Dương yêu cầu mỗi Hội gởi về Phòng Bí thư một vài kiểu mẫu do Hướng đạo sinh của Hội tự vẽ lấy. Ít hôm sau, Văn phòng Bí thư nhận được 40 kiểu mẫu và họa đồ số 14 hay 16 gì đó được Thường trực chọn làm phù hiệu chính thức cho Hướng Đạo Đông Dương". 

* Về tác giả huy hiệu, theo cuốn "Hướng Đạo Việt Nam" của Tr. Tôn Thất Đông, viết như sau: 

"Tháng 4 năm 1992... nhân gặp Trưởng Vĩnh Bang, một Trưởng kỳ cựu từ Thụy Sĩ về thăm Huế, và nhân nói chuyện về phù hiệu Hoa Sen đã được Trưởng Vĩnh Bang xác nhận rằng phù hiệu Hướng Đạo mà chúng ta đang dùng mấy lâu nay chính là Hoa Sen chế thành kiểu (stylisé) gần giống như Hoa Bách hợp và chính Trưởng Vĩnh Bang là tác giá của phù hiệu."

* Giai đoạn Liên hội Hướng Đạo Đông Dương hoạt động, huy hiệu được chọn gọi là Hoa Sen. Như trên đã trình bày, thời kỳ sơ khai, các Hội HĐ Pháp chọn các biểu tượng như: Con Gà vàng, Đầu Người Gô-loa, Chiếc Cung trương, Chữ Thập bằng, Sư tử... làm huy hiệu của họ. Do đó việc sử dụng biểu tượng Hoa Sen của HĐ Đông Dương thuộc Pháp là điều hoàn toàn hợp lý. 

Nếu tác giả Vĩnh Bang không nói ra, chúng ta cũng khó biết huy hiệu HĐVN từng sử dụng là "một hoa sen cách điệu". Đây quả là thủ pháp khéo léo về mặt nghệ thuật. Nhưng điểm hay nhất của mẫu huy hiệu này thuộc về ý nghĩa của nó: Vừa cách điệu huy hiệu phong trào HĐ thế giới, vừa thể hiện tiêu biểu tinh thần hiệp sĩ Á Đông. 

3. ) Huy hiệu Hướng Đạo Việt Nam từ năm 1946 đến 1957 


* Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập. Năm 1946, các huynh trưởng HĐ họp tại 86 Hàng Trống, quyết định sáp nhập HĐ Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ thành Hội Hướng Đạo Việt Nam. 

Lúc phân tách Liên hội HĐ Đông Dương thành 3 Hội quốc gia độc lập, thì Hội HĐVN và Hội Hướng Đạo Ai Lao vẫn giữ huy hiệu cũ (của Liên hội HĐ Đông Dương); trong khi Hướng Đạo Cao Miên về sau lại chọn huy hiệu HBH theo kiểu của Tổ chức Hướng Đạo Thế giới WOSM (World Organization of the Scout Movement). 

* Trong những sách báo HĐ thời điểm sau năm 1946, huy hiệu HĐVN đều được gọi là Hoa Bách hợp hoặc Hoa Huệ. Và với 12 mảnh huy hiệu ghép lại, được tượng trưng cho 12 Châu của HĐVN. Đây cũng là thời kỳ cực thịnh nhất của phong trào HĐVN. 

Theo "Quy trình Hội Hướng Đạo Việt Nam, năm 1946", được Đổng lý văn phòng Hoàng Minh Giám, thay mặt Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, duyệt y ngày 07/02/1946 tại Hà Nội. 

12 Châu (tính từ Nam ra Bắc) bao gồm: [1] Châu Hậu Giang, [2] Châu Tiền Giang, [3] Châu Gia Định, [4] Châu Trường Sơn (các tỉnh thượng du phía Nam Trung bộ), [5] Châu Hải Nam (từ Phan Thiết đến Quảng Ngãi), [6] Châu Hải Trung (từ Quảng Nam đến Quảng Bình), [7] Châu Thanh Nghệ Tĩnh, [8] Châu Sơn Nam (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), [9] Châu Hải Bắc (Hải Hưng, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh), [10] Châu Thăng Long, [11] Châu Sơn Hưng Tuyên, [12] Châu Cao Bắc Lạng. 

4. ) Huy hiệu Hướng Đạo Việt Nam từ năm 1957 đến nay 


* Hiệp định Genève 1954, chia cắt đất nước Việt Nam thành 2 miền. Tại miền Bắc, HĐ tạm ngưng hoạt động. 

Những năm cuối thập niên 1950, sự tiếp xúc của Hội HĐVN tại miền Nam với Văn phòng Hướng Đạo Thế giới dẫn đến sự công nhận HĐVN. Vào ngày 07/05/1957 Việt Nam chính thức là một thành viên của Tổ chức HĐ Thế giới WOSM. 

* Theo "Lược sử 77 năm Hướng Đạo Việt Nam" của Tr. Tôn Thất Hy. "Năm 1957, Lời hứa thứ nhất được tu chính: "Trung thành với Tôn giáo và Tổ quốc". Huy hiệu HĐVN được xóa bỏ cái chóp trên hoa Bách hợp. Hội HĐVN được chính thức thừa nhân là thành viên thứ56 của Tổ chức HĐTG (07.5.1957)" 

Như tài liệu đã dẫn, từ năm 1957 huy hiệu Hoa Bách hợp đã có thay đổi giống với ngày nay. 

* Năm 1962, "Quy trình và Nội lệ Hội Hướng Đạo Việt Nam 1962" quy định huy hiệu chính thức của Hội HĐVN ở Chương V, Điều 30. 

Theo bài viết "Huy hiệu Hướng Đạo Việt Nam" của Tr. Tôn Thất Hàn nhận xét. 

"So Huy hiệu Quy trình 46 với Huy hiệu mới, Quy trình 62, thấy có vài thay đổi: 

Bỏ bớt phần chóp - cánh số 1 - chỉ còn 3 cánh, dáng vẽ giống Hoa Huệ (Hoa Bách hợp) cho đồng nhất với Hoa Huệ Âu Mỹ (?). 

2 hình tam giác, xích lên phía trên và thêm sợi dây có buột nút ruồi, nơi "nụ cười Hướng Đạo", nhắc nhở Hướng đạo sinh, mỗi ngày làm một việc thiện”. 

* Vào HNHT năm 1965, Tr. Trần Trọng Thảo làm công tác phục vụ, nên có thể biết được lý do vì sao "xóa bỏ cái chóp trên HBH". Trình bày trước HNHT 2012, Tr. Thảo cho biết như sau: 

"[1] Các huynh trưởng vẫn giữ nguyên nét nhưng không có "nắp mũ" HBH được lý giải vì đất nước đang bị phân chia. Ba nét vẽ trên ngang nhau thể hiện 3 Lời hứa. 

[2] Qua 2 nhiệm kỳ Tổng Ủy viên, Tr. Trần Văn Lược luôn muốn có "nắp mũ" HBH; người được giao nhân để làm decal, anh giữ lại cái mũ bằng cách nối lại như huy hiệu hiện nay". 

* Chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế, thời gian qua vẫn tồn tại một luồng thông tin cho rằng: Việc sửa chữa huy hiệu HBH không còn phần chóp bên trên là do ý chí từ các huynh trưởng Công giáo muốn huy hiệu như là hình ảnh Fleur-de-lys biểu trưng cho Ba ngôi Thiên Chúa. 

BÀN LUẬN 


Để dễ phân biệt hai huy hiệu, người viết tạm gọi HBH "có nắp" là huy hiệu HBH 1937 và HBH "không có nắp" là huy hiệu HBH 1957

1. ) Xác định tên gọi cho huy hiệu Hướng Đạo Việt Nam 


* Chúng ta biết Fleur-de-lys (sau đây gọi là hoa lis) là tên gọi của loài hoa có tên khoa học là Irispseudacorus L. Người Anh Mỹ gọi là Lily flower, hoặc là Iris flower, Yellow flag flower... Bách hợp là từ gốc Hán dùng để chỉ loài hoa này, vì thế chúng ta gọi huy hiệu HĐ Fleur- de-lys là Hoa Bách hợp. 

Người dân ta thường hiểu Fleur-de-lys là hoa huệ tây hoặc hoa loa kèn. Thật ra cách hiểu này không chính xác vì hoa lis và hoa huệ tây là 2 loài hoàn toàn khác nhau, mặc dầu chúng được xếp loại cùng thuộc bộ (ordo) huệ (Liliales). Hoa lis thuộc họ mống mắt 

(Iridaceae), đây là một họ (familia) có trên 1.800 loài (species) được xếp trong 92 chi (genus) khác nhau. Chi phổ biến ở Việt Nam họ hàng gần với hoa lis là hoa lay ơn (gladiolus). Cây thân thảo lớp một lá mầm, lá dài mọc đơn, bẹ lá ôm quanh thân, ra hoa quanh năm. Hoa có 3 cánh, thường là màu vàng (vì lẽ đó nên biểu tượng Fleur-de-lys đa số màu vàng), ở những loài lai tạo khác có màu trắng, đỏ hoặc tím. 

Hoa huệ tây là loài Lilium longiflorum T thuộc họ huệ (Liliaceae). Họ huệ bao gồm hơn 250 chi với khoảng 4.000 loài khác nhau; các giống đẹp nổi tiếng như hoa uất kim hương (tulip), hoa lan dạ hương (hyacinth), hoa thủy tiên (daffodil)... Cây thân thảo với nhiều lá mọc quanh thân, lá có các đường gân chạy song song với nhau. Hoa huệ tây có 6 cánh, với cánh cong ra ngoài như một cái kèn Trumpet nên có vùng địa phương gọi là hoa loa kèn. Hoa thường có màu trắng ngả sang màu vàng xanh ở phần nhụy hoa, một số thứ loài 

do lai tạo có màu vàng hay màu đỏ. 

Hoa huệ (hoặc gọi là hoa huệ ta, dạ lai hương, vũ lai hương) tên gọi khoa học là Polianthes tuberosa L. thuộc bộ thùy (Asparagales), họ thùy (Agavaceae). Huệ ta có hai thứ loài, huệ đơn và huệ kép. Hoa huệ ta có màu trắng, bao hoa hình phễu, hương ngào ngạt, tỏa hương về ban đêm, hoặc khi trời mưa độ ẩm cao. 

* Theo các danh pháp khoa học của 3 loài hoa trên, nếu chúng ta gọi Fleur-de-lys là hoa lis thì được; nhưng hiểu Fleur-de-lys là hoa huệ tây thì không chính xác, mà hiểu là hoa huệ ta lại sai hơn. 

Do đó, người viết đề nghị không nên gọi huy hiệu Hướng Đạo Fleur-de-lys là Hoa Huệ nữa, mà nên gọi là Hoa Bách hợp. Chúng ta cũng không nên gọi huy hiệu HĐVN là Hoa Sen vì sẽ tranh chấp tên gọi với huy hiệu của tổ chức Gia đình Phật Tử, mặc dầu tổ chức này hoàn toàn hình thành sau phong trào HĐ tại Việt Nam rất lâu. 

2. ) Có phải là huy hiệu HBH 1937 không thể’ hiện đầy đủ 3 (phần) Lời hứa? 


* Chúng ta thường nhầm tưởng vì cánh hoa ở giữa của huy hiệu HBH 1937 có 4 mảnh nên không thể hiện đầy đủ 3 phần Lời hứa? 

Trong cuốn "Những bước đầu trên đường Hướng Đạo" phát hành năm 1956 ghi rằng: 

"Hoa Huệ có 3 cành, nhắc cho Hướng đạo sinh 3 điều Hứa. Em cũng hiểu rằng hoa Huệ là dâu hiệu để nhân nhau của tât cả Hướng đạo sinh trên hoàn cầu và chỉ một người Hướng Đạo chính thức đã long trọng xin gia nhâp gia đình Hướng Đạo bằng lời Hứa danh dự mới có thể đeo được". 

* Như thế huy hiệu HBH 1937 đã thể hiện đầy đủ 3 phần Lời hứa. Chúng ta nên hiểu 3 cánh hoa gồm 2 cánh bên và cánh ở giữa. Cánh ở giữa có 4 mảnh (như một cái nón Hướng Đạo 4 múi hay không?), 2 cánh bên có 2 mảnh cho mỗi cánh. 

Với đầy đủ 4 mảnh ở cánh hoa giữa, tổng số mảnh toàn bộ HBH là 12 mảnh tương ứng với 12 Châu đầu tiên, kể từ ngày HBH 1937 trở thành biểu tượng chính thức của Hội HĐVN.
  
Huy hiệu Hoa Huệ trong sách HĐ năm 1956 
 


3. ) Giải quyết vấn đề tồn tại khi chưa thống nhất đất nước 


* Như trình bày ở trên, một trong nguyên nhân mà HNHT 1965 giải trình việc thiếu mất mảnh huy hiệu HBH 1957, là thể hiện tình trạng đất nước bị phân chia. Đó là một khát khao chính đáng của người dân Việt. 

Ngày nay khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, chúng ta nên ráp lại mảnh huy hiệu còn thiếu đó. Cho dù thời gian phục hoạt Phong trào trải dài quá lâu, sự việc gần như đi vào lãng quên, nhưng điều đó chúng ta nhất định phải làm. 

4. ) Giải quyết vấn đề hiểu lầm về bất đồng tôn giáo 

* Quan điểm cá nhân người viết cho rằng đây là một lý do quan trọng nhất mà vì nó, chúng ta cần ráp lại mảnh huy hiệu để tháo gỡ một sự hiểu lầm giữa anh em với nhau. 

Vốn là một biểu tượng cổ, Fleur-de-lys liên quan đến nền văn hóa, kinh tế, chính trị của vùng châu Âu lục địa... do đó việc liên quan giữa Fleur-de-lys với Thiên Chúa giáo là điều đương nhiên. Không giống biểu tượng Fleur-de-lys, biểu tượng HBH của HĐ vẫn mang một nét đặc thù riêng, ví dụ ngay cả HĐ Pháp với quan điểm né tránh 

ban đầu, dần dần cũng chấp nhận theo thời gian. Do vậy, nếu cho rằng Fleur-de-lys chỉ là biểu tượng riêng của Thiên Chúa giáo thì cái nhìn ấy còn phiến diện. 

* Nhìn lại vấn đề thay đổi huy hiệu HBH 1937 trở thành HBH 1957, chúng ta thấy: Người huynh trưởng được giao nhiệm vụ chỉnh sửa "làm decal" (là một huynh trưởng Phật giáo) đã "giữ lại cái mũ" bằng cách "nối lại" như huy hiệu hiện nay. 

Xét về mặt động lực, rõ ràng người huynh trưởng này không thể vì một tôn giáo khác với tín ngưỡng của mình. Xét về mặt kỹ thuật, đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật thay vì "ráp lại cái mũ" (vì đất nước còn chia cắt) lại "nối lại phần cái mũ". 

* Người "Tổng Ủy viên 2 nhiệm kỳ" năm xưa, và cũng chính là Nguyên Trưởng ban Điều hành ngày nay (là một huynh trưởng Công giáo) lại "luôn muốn có nắp mũ HBH". Tâm nguyện của vị Tổng Ủy viên này trải qua mấy mươi năm, đã thể hiện qua Trại Họp bạn 2010 và Hội nghị Huynh trưởng 2012, lẽ nào thế hệ kế thừa lại làm ngơ? 

Khi chúng ta cùng nhau ráp lại phần thiếu của huy hiệu Hoa Bách hợp, là chúng ta tháo gỡ được hiểu lầm về bất đồng tôn giáo trong HĐVN từ bao nhiêu năm qua. 

LỜI KẾT 


Tất cả gì trình bày trên đây, người viết thiết tha mong quý huynh trưởng là người lãnh đạo, đại diện từ các đơn vị; có cái nhìn sâu sắc, thấu đáo hơn... ngõ hầu điều chỉnh những việc chưa hoàn thiện trong quá khứ. 

Người viết xin cám ơn quý Tr. Tôn Thất Hàn, Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Xuân Tăng, Trần Trọng Thảo đã giúp đỡ tài liệu, góp ý để hoàn tất bài viết. 

Người viết cũng xin cám ơn đã sử dụng nguồn bài viết của quý Tr. Tôn Thất Đông, Tôn Thất Hy, Lê Ngọc Bưu để bài viết được chính xác và cụ thể hơn. 

Võ Quang Nguyên Phổ 

(TT Tráng đoàn Bạch Đằng - Sài Gòn) 
-----------------
(1) BBT: GUIDES DE FRANCE Dịch từ HỘI NỮ HĐ PHÁP chứ không phải HƯỚNG DẪN HƯỚNG ĐẠO PHÁP. STĐĐ 
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26