Blog GIỮ VỮNG MỐI DÂY lưu nội dung của Đặc san GVMD 1-25_CHÀO MỪNG CÁC BẠN GHÉ THĂM

Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

THƯ ĐI TIN LẠI

Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn





Hỏi:  
    Trong bài diễn văn đọc trước quan tài Tr Mèo Ưa Rừng Lê Gia Mô có đoạn: "...Về ngành Kha VN Tr Trần Điền là đời thứ nhất, Tr Lê Gia Mô là đời thứ hai, Tr Tôn Thất Hàn là đời thứ ba"... Tôi nghe muốn ù lỗ tai và tự hỏi các anh Nguyễn Quang Minh, Trần Tiễn Huyến từng giữ chức vụ UV ngành Kha Trung Ương sao không thấy nhắc đến. Vậy xin GVMD cho biết bài điếu vân này nói đúng hay sai. Nhân tiện xin cho biết sĩ số kha sinh trước 1975 và hiện nay. 
Cú Mèo Loạng Choạng Nguyễn Văn Phò (Đà Nẵng)

Trả lời : 
    Anh Phò ơi! Đúng anh là thú rừng "loạng choạng" nặng rồi vì thắc mắc này đáng lẽ anh nên hỏi người đọc (soạn) điếu. Có lẽ người soạn muốn nói đến công sức của ba trưởng này đã đóng góp để xây dựng và phát triển ngành Kha. Còn nếu nói về các trưởng thay nhau lãnh đạo ngành Kha VN thì theo thứ tự như sau: 
    Năm 1965 HĐVN chính thức thành lập do sự cổ súy nhiệt tình của Gà Hùng Biện Trần Điền: UV ngành Kha đầu tiên là Tr Sơn Ca Phiêu Lưu NQM, khi Sơn Ca vào Thủ Đức đi ắc ê (có lẽ K23 SQTB) thì Mèo Ưa Rình (Ưa Rình chứ không phải là Ưa Rừng như Cú Loạng Choạng đã viết). 
    Đến năm 1967 thì Tr Trần Văn Lược làm Phó TUV kiêm UV ngành Kha; năm 1969 Tr Trần Văn Lược đắc cử TUV, mời Tr Sơn Ca Phiêu Lưu làm UV ngành Kha; đến năm 1973 Tr SCPL nhận chức Tổng Thư Ký của Hội thì Tr Trần Trung Hợp làm UV ngành Kha cho đến mùa xuân năm 1975 thì ai về nhà nây sinh hoạt HĐ tại gia. 
    Đầu những năm 1990 khi HĐ hoạt động lại thì Tr Lê Gia Mô tái xuất giang hồ, khôi phục lại ngành Kha, sau đó vì tuổi cao sức yếu bèn trao đuốc lại cho Tr Tôn Thất Hàn. Cậu Tôn tuy chỉ là cháu Chúa nhưng hành xử theo kiểu con vua, ưa chuyện cung đình nên lập nhị thập bát tú qui tụ những huynh trưởng ngành Kha vực dậy được cái ngành khó nuốt này. 

    Tuy vậy ngành Kha chỉ phát triển mạnh trong khối HĐ thuộc Ban Điều Hành thôi còn các khối khác như Liên Tỉnh Thành, Qui trình 1946, GHX thì không mặn mà gì với Kha nên không lập Kha, hoặc chỉ lập cho đủ bộ sậu, cái kiểu ai có gì thì mình có nấy...có nơi gọi Kha là Thiếu già. 

    Tr LT Trần Tiễn Huyến (Hổ Kiên Nghị) là một trưởng giỏi, đã viết cuốn Hướng dẫn Kha đoàn nhưng chưa bao giờ đảm nhận UV ngành Kha như Cú nói. Cụ Hổ sang định cư ở Hoa Kỳ rồi trở về VN mở phòng mạch giải phẫu thẩm mỹ ở đường Trương Định và Hai Bà Trưng, TP HCM. 

    Tr Gà Hùng Biện không phải là người sáng lập ngành Kha VN mà chỉ là người có công đưa ngành Kha chính thức vào hệ thống HĐVN trong kỳ Đại hội huynh trưởng toàn quốc (1965) tại Gia Định. 

    Thật ra thì ngành Kha VN có từ lâu, trước cả ngành Kha thế giới, rất nhiều huynh trưởng đã tự động lập ngành Kha như một thử nghiệm nhưng đều thất bại. 

    Xin nêu một trường hợp điển hình: năm 1958 LĐ Cờ Lau thuộc Đạo Thừa Thiên đã lập một toán Kha với các yên hùng sau: Dư Tế Xuân, Nguyễn Xuân Huề, Nguyễn Trực, Nguyễn Hoài, Nguyễn Liêm, Tô Phạm Liệu, Nguyễn Lô, Nguyễn Xuân Hồng Chân... Toán Kha này giao cho một trưởng kỳ cựu là anh Hoàng Tường trông coi. Các anh Kha sinh này "quậy" tới bến mà Tr Tường thì hiền lành, đạo mạo thích hợp với chức Đạo trưởng hơn là Kha trưởng. Tài liệu ngành Kha lúc đó chưa có chỉ hoạt động theo lối tự phát một cách phiêu lưu nên chuyện phải đến đã đến: Tr Sư Tử Từ Bi Hoàng Tường xin giải tán Kha đoàn và yên hùng này được bốc lên Tráng đoàn Hoa Lư do Tr Đà Điểu Điều Độ Lý Nhật Hướng làm Tráng trưởng. Các hảo hớn này sau trên đường đời đều công thành danh toại nhưng tính "quậy" của ngày xưa vẫn tồn tại trong tiềm thức nên thường hoài niệm: 

"Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ 

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa". 

    Sĩ số HĐS ngành Kha trước 1975: có 70 Kha đoàn với 277 trưởng và 1332 Kha sinh (theo thống kê chính thức của Hội HĐVN ra ngày 31/10/1974). 

    Sĩ số HĐS ngành Kha hiện nay thì sồi sụt lên xuống bất thường như giá xăng dầu nên bó tay. 

Hỏi

    Trong các tiểu sử HĐS mà GVMD ghi có nhầm không khi nói Thiếu sinh ở độ tuổi 17, 18 (?). 
Vương Thế Anh: Tráng đoàn Ra Khơi 

Trả lời: 

    Quả là có những tiểu sử ghi là Thiếu sinh 17 tuổi. Đây cũng là chuyện bình thường mà thôi. Nhớ lại những năm của thập niên 1940 - 1950 khi đất nước lâm vào cảnh chiến tranh ác liệt dành độc lập, đất nước chia ra 2 vùng: ở các thành phố, đồn bót và thị trấn do quân viễn chinh Pháp chiếm đóng còn trong các làng mạc, rừng núi thì do Việt Minh chiếm lĩnh. Trẻ con ở trong thôn làng sinh ra không làm khai sinh vì ngại phải ra gặp hội tề của Tây, mãi đến khi đến tuổi đi học phải ra trường làng. Thầy giáo xem tướng mạo vóc dáng rồi ghi năm sinh tương ứng với trình độ học vân, sau đó đến phòng hộ tịch Huyện làm chứng chỉ thế vì khai sinh. Phần nhiều đều khai sụt một vài năm do đó mà có những Thiếu sinh 17, 18 tuổi. Nói đâu xa, như tui đây sinh năm Canh Thìn (1940) nhưng khai sinh ghi năm 1943 do vậy tuổi đã cao mà tui vẫn nhong nhong cầm cờ Đội trưởng đội Hổ của Thiếu đoàn Trần Quốc Toản tham dự trại Họp bạn Trảng Bom năm 1959, nghĩa là Thiếu sinh 19 tuổi. Chớ cười vội vì bạn tôi, anh Nguyễn Hữu Lô người cùng làng, lúc đó đang giữ chức Đội phó đội Voi, sinh năm 1938, hơn tôi 2 tuổi, nghĩa là anh Đội phó 21 tuổi. Anh là một trong những người nhận BR Kha chính danh đầu tiên (1967). Anh Lô (Trâu Khiêm Tốn) hiện nghỉ hưu ở Sài Gòn, đã cao tuổi mà miệng vẫn còn tía lia. Anh đi đâu là đem niểm vui đến đây. 

Hỏi

    Tôi muốn biết rõ và đúng sự thật về trò chơi "Hỏa bài" mà HĐVN thời tiền chiến đã tổ chức năm 1940. Theo tài liệu của 4 trưởng gồ ghề (duyệt bỏ hai dòng có ghi tên bốn huynh trưởng cho rằng chạy hỏa bài bằng bước đi HĐ) cho rằng các Tráng sinh đã chạy bộ theo kiểu HĐ. Còn Tr PVN viết là chạy bằng xe đạp. 
Trâu Tất (Tân Bình) 

Trả lời: 

    Năm 1943 "chứ không phải" 1940 HĐ tổ chức một trò chơi lớn gọi là chơi hỏa bài. Các Tráng sinh từ Bắc vào Nam dàn thành trận thế kéo dài từ Hà Nội dọc theo quốc lộ 1 đến sân Mayer ở Sài Gòn. Dọc đường có nhiều trạm, mỗi trạm có nhiều người đứng chờ, trong đó có 2 Tráng sinh làm phu đưa thư, họ mặc áo màu đỏ (hoặc choàng tấm khăn đỏ là dâu hiệu "hỏa tốc" để mọi người nhường đường. Khi thư đến, anh ta nhận mang hồ lô trên lưng rồi nhảy phóc lên xe đạp phóng như bay, kèm bên anh là Tráng sinh áo vàng sẵn sàng giúp đỡ và thay thế khi anh gặp sự cố. Nhiều đoạn có các Thiếu sinh cùng đạp xe theo reo hò cổ võ. 

    Sự kiện này được các báo Tenir, Chef, Hướng Đạo Thẳng Tiến, Tráng Sĩ đăng tin. Bài tường thuật hay nhất, đầy đủ nhất là của Tr Gấu Hỉ Nguyễn Văn Thuyết. Đến Biên Hòa hỏi cụ Giáo học Nguyễn Văn Thuyết thì ai cũng biết. Cụ Gấu mới lìa rừng gần đây. Xin trích một đoạn tường thuật của cụ Gấu Hỉ đăng trong tờ Tráng Sĩ số tháng 8: 

"... Từ ngày 14/7 HĐS đâu đó phải tự sắp đặt ngày giờ, đi đến trạm của họ trước giờ hỏa bài tới và tự lo lấy việc ăn ngủ tại trạm. Khi hỏa bài tới hoặc ngày hoặc đêm, hoặc trong cơn dông mưa, họ liền chụp lấy nó và không trì hoãn một phút giây nào, họ liền tức tốc phóng xe chạy đem giao cho trạm kế tiếp. Bức hỏa bài của vua Gia Long tượng trưng cho một sứ mạng thiêng liêng mà các con dân phải hết lòng lo lắng, phải tận lực thi hành cho đúng. Dọc đường những sự khó khăn nguy hiểm không thiếu gì: có người bị rơi xuống hố, có người bỏ xe chạy bộ, có người phải chạy bán sống bán chết trước thú dữ. Rất may các tai nạn đều qua khỏi.." 

    Xin ghi một một vài con số' và sự kiện về cuộc chơi lí thú này: 

    Xuất phát lúc 7h04' ngày 14/7/1943 tại Hội quán HĐ Bắc kỳ Hà Nội 

    11 giờ này 15/7/1943 đến kinh thành Huế. Tr Bạch Nga Phan Tây (Đạo trưởng Huế) nhận hỏa bài tại sông Mỹ Chánh do Tr Tôn Thất Dương Vân (Đạo trưởng Ái Tử, Quảng Trị) trao. Tr Tạ Quang Bửu chạy đoạn đường từ Cầu Hai đến Lăng Cô trên chiếc xe đạp Đuy-ra mà anh em đã góp tiền mua tặng khi anh và chị Oanh (con gái của Tr Thúy) thành hôn. Tr Thu Lương chạy một đoạn trên đèo Hải Vân, Tr Đoàn Lai (hiện đang sống ở Huế) chạy đoạn cuối của Huế lên đỉnh đèo Hải Vân giao hỏa bài cho Tr Nguyễn Xuân Trâm (Châu trưởng Châu Kinh Nam) 

    Đường dài 1800 cây chia làm 18 trạm Vận tốc trung bình từ Đông Hà tới Huế 14,6km/giờ. 

    Từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi tăng vận tốc lên 24,19km/giờ. Đến Quy Nhơn với vận tốc 19,4km/giờ. Vận tốc trung bình cả đoạn đường là 19,64km/giờ. 

    Thời gian để đi xe đạp từ Bắc vào Nam là 91 giờ 36 phút 

    Đoạn Phan Rí vào Phan Thiết gặp bão cát xe không đi nhanh được có chỗ phải vác xe lên vai để vượt qua các ụ cát. Vì vậy nên trễ giờ quy định. Rất may trong số các Tráng sinh của Lục tỉnh tăng cường có một cua-rơ hữu hạn và chính anh ta đã cứu cuộc chơi, như sau: "... anh này phụ trách đoạn từ Gia Rai đến Xuân Lộc, nhận hỏa bài xong là anh phóng xe vùn vụt với tốc lực 35km/giờ cố lấy lại chút ít thì giờ trễ nãi của các chặng trước. Khi đến Xuân Lộc thấy nơi này chưa sẵn sàng nên anh vượt qua luôn và nhấn bàn đạp leo dốc "mẹ bồng con", vượt luôn trạm ngã ba Dầu Dây rồi Tam Hiệp, Biên Hòa. Hai bên đường các HĐS reo hò tở mở cổ võ, trống thúc dồn dập, chiêng khua liên hồi khiến anh phấn chí vượt trạm Thủ Đức phóng qua cầu Sài Gòn tiến về đường Mayer (Võ Thị Sáu). Dù đêm hôm khuya khoắc các HĐS Sài Gòn, y phục chỉnh tề đuốc cầm tay nghiêm chỉnh chào khi anh đi qua. Anh phóng nhanh về Hội quán, ở đây đã có các HĐS đón mừng: anh André Consigny Giám đốc Liên hội HĐ Đông Dương choàng vòng hoa, các lão tráng sinh công kênh cả người và xe của anh cua- rơ đặc biệt này đi một vòng. Ban nhạc của anh Đại Phụng Hoàng cử một bài hát hùng ca chào mừng. Đồng hồ điểm 2h30' ngày Chủ nhật 18/7/1943 đúng giờ quy định của cuộc chơi". 

"Ngày xưa Hướng Đạo kỳ tài, 

Ba kỳ siết chặt, hỏa bài nối dây." 

    Như vậy không có việc chạy hỏa bài như các trưởng trên đã nhầm. Chạy bộ thế nào được với đoạn đường dài 1800 cây! Có lẽ các trưởng ấy phần nhiều là người Huế nên bị ảnh hưởng từ "chạy" trong bài vè thất thủ kinh đô. Xin trích một đoạn bài vè mà trẻ con ở tỉnh Thừa Thiên thường hát khi tổ chức trò chơi nhỏ đua ngựa: 

Leng keng leng keng...
 
Nghe vẻ nghe ve 

Nghe vè chuyện cũ 

Triều đình thất thủ 

Mã phu "chạy" giây 

Ai mà trông thây 

Ngựa tía áo hồng, 

Phải tránh cho mau 

Leng keng leng keng... 

Leng keng leng keng. 

Ghi chú: 

1. Ngày xưa mỗi khi cần thông báo tin tức cho các nơi, triều đình Huế lộp các phu trạm dọc quốc lộ, mỗi trạm có khoảng 2 đến 3 người: và số ngựa tương ứng, gọi là mã phu, có một trạm trưởng. Ngựa thường có lông màu tía (nâu, mỗi khi mang lục lạc có tiếng kêu vang xa). Khi có thư hỏa tốc thì mã phu mặc áo màu đỏ. Khi ngựa phi tiếng lục lạc kêu vang, người đi đường bất luân là quan hay dân đều phải dạt qua 2 bên đường nhường bước cho mã phu chạy giấy việc quan. 

2. Người Tráng sinh dũng mãnh vượt các Trạm để đến Sài Gòn đúng giờ đó là Tráng sinh Lê Thành Cát, người đã hai lần vô địch cuộc đua xe đạp vòng quanh Đông Dương vào năm 1956, đoạt giải vua leo núi ở đèo Hải Vân, được mệnh danh là "đại bàng bay" Lê Thanh Cát. 

Hỏi:  

Trước 1975 có 12 Châu, xin cho biết đó là những Châu nào, các Châu trưởng ai còn ai mất? 
Báo Bệ Vệ Đinh Đức Miên

Trả lời: 

Trước 1975, HĐVN chỉ có 10 Châu chứ không phải 12 Châu. Đó là các Châu: 

1. Quảng Thừa (Quảng Trị - Thừa Thiên) 

2. Liên Quảng (Quảng Nam - Quảng Tín - Quảng 

Ngãi) 

3. Trường Sơn Thượng 

4. Trường Sơn Hạ 

5. Gia Định 

6. Sài Gòn 

7. Bình Triệu 

8. Đông Sơn 

9. Tiền Giang 

10. Hậu Giang 

    Đa số các vị Châu trưởng đã mất như Tr. Nguyễn Hòe - Châu trưởng Quảng Thừa, Nguyễn Tấn Định - Châu Liên Quảng, Phan Mạnh Lương - Châu Trường Sơn Thượng, Võ Văn Thơm - Châu Sài Gòn, Phạm Văn Phụng - Châu Tiền Giang. Ba vị Châu trưởng vẫn còn sống là Tôn Thât Sam - Châu trưởng Trường Sơn Hạ, Trịnh Long Việt - Châu trưởng Gia Định, Lê Ngọc Miên - Châu trưởng Hậu Giang, trong 3 vị thì trưởng Sam còn khỏe mạnh. 

Hỏi:  

Nghe nói, Tr. Võ Thành Minh hay Võ Thanh Minh là Hướng Đạo hiệp sĩ? 
Yểng Châm Chỉ Nguyễn Thị Linh Chi

Trả lời: 

    Trưởng Minh có tên rừng là Dã Mã, là một huynh trưởng tiên khởi của phong trào, từng mặc đồng phục, đạp xe đi vòng quanh Đông dương để cổ súy cho phong trào, từng là Tổng Ủy Viên Trung Kỳ, Tổng Thư Ký Liên Hội HĐ Đông Dương. Rất được anh em yêu quý và mến mộ về cuộc đời đầy huyền thoại của Dã Mã nên phong tặng là HĐ Hiệp sĩ chứ thật ra ông cũng chỉ là một huynh trưởng bình thường mà thôi. Tên viết đúng của cụ là Võ Thanh Minh, tên người anh cả là Võ Thanh Bạch và người em út là Võ Thanh Khiết - huynh trưởng ở Đà Nẵng và người con gái là Võ Thanh Tú ở Hà Nội.
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TẬP SAN VỮNG TIẾN SỐ 26