Trước kia, HĐVN đã từng có 3 cơ sở Huấn luyện Trưởng đó là Trại trường Tùng Nguyên, Trại trường Bạch Mã và Trại trường Hồi Nguyên. Đến đầu thập niên 70 của Thế kỷ trước có thêm Trại trường Tam Bình, mượn tạm rừng cao su của Dòng Đồng Công ở Thủ Đức.
I. Trại Trường Tùng Nguyên: do Trưởng Raoul Sérene (Tổng thư ký Hướng Đạo Đông Dương, lúc đó là Giám đốc Hải học viện Nhatrang) phát hiện trong dịp cùng nhà Bác học Yersin lên cao nguyên Lâm Viên tìm địa điểm thành lập Viện Pasteur Dalat. Khi đến thăm trang trại nuôi bò sữa của một chủ đồn điền người Pháp tên là Farraut ở khu Chi Lăng hiện giờ, thấy một đồi thông nằm giữa 2 hồ: Saint Benoit (sau này có tên là Hồ Mê Linh) và Lac des Soupires (sau này có tên là Hồ Than Thở) có quang cảnh rất đẹp nên xin chính quyền cấp cho Hướng đạo Đông Dương để làm Trại Trường từ năm 1936. Sau này trở thành Trại Trường của HĐVN mới có tên là Tùng Nguyên (Rừng Tùng) do Cha Nguyễn Văn Thích (Tổng Tuyên Úy Công Giáo) đặt theo chữ Hán-Việt.
Khóa Huấn luyện Huynh Trưởng đầu tiên ở Tùng Nguyên do Raoul Sérene điều khiển năm 1936, được điền chủ Farraut giúp đỡ cung cấp lương thực và nơi trú ẩn khi mưa to gió lớn vì lúc đó là rừng nguyên sinh chưa có xây dựng cơ sở gì.
II. Trại Trường Bạch Mã: Năm 1937, Trại Trưởng HĐ Đông Dương là Schlemmer nhận thấy Tùng Nguyên quá xa với HĐ Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ và HĐ Lào... nên đã lên núi Bạch Mã (có khí hậu mát mẻ như Dalat) tìm được khu đất đẹp và đứng tên xin, được Vua Bảo Đại ban tặng vào cuối năm 1937 (hiện giờ Trung Tâm Di Tích Bạch Mã còn lưu giữ bảng lớn bằng đá cẩm thạch khắc chữ Lưu niệm của Hoàng đế Bảo Đại ban tặng cho HĐ Đông Dương).
Trại trường nằm gần đỉnh núi Bạch Mã (cao độ 1.250m) giữa Huế và Đà Nẵng, cách Huế chừng 42 km về phía Nam. Ta có thể đến Trại bằng đường bộ (Quốc lộ 1) hoặc bằng Hỏa xa, xuống Ga Cầu Hai rồi từ đó đi về hướng Tây. Khu đất trại có địa thế tuyệt đẹp: sườn núi hơi dốc phía trên, phía dưới nhiều nơi bằng phẳng, rừng già bao phủ dày đặc chen lẫn vài chục gốc Huỳnh Đàn mọc thẳng và cao vút, lá tỏa hương thơm nhè nhẹ. Hai dòng suối từ trên cao chảy xuyên qua tới giữa trại thì nhập làm một như cây gậy nạng, nước suối trong lành uống không cần lọc hoặc đun sôi (bây giờ Trung tâm Kiểm nghiệm 3 ở Biên Hòa cấp giấy chứng nhận nước tinh khiết, khu du lịch Bạch Mã kẻ bảng chứng nhận cắm ngay cổng vào khu Trại Trường để du khách có thể mở vòi robinet từ các ống dẫn chiết vào chai mang theo mà uống). Bên ngoài Trại toàn rừng già rộng bao la, cung cấp nhiều nguyên liệu tạo tác như tre, mây, nhiều cây rừng dai chắc và nhiều gỗ tốt. Tuy là núi cao rừng rậm nhưng gió Bạch Mã là từ Nam Hải thổi vào vì từ Trại trường tới bờ biển chỉ khoảng 15-20 km đường chim bay. Những hôm trời quang mây tạnh có thể nhìn thấy biển và Phá Tam-Giang, một địa danh nổi tiếng về sóng lớn.
Chính Trưởng Schlemmer đích thân điều khiển việc khai phá rừng rồi vẽ bản đồ thiết trí và giám sát việc xây cất dựa theo khuôn mẫu của Trại trường Quốc tế GilweN Park (Anh Quốc) và Trại trường Chamarande (Hướng Đạo Pháp). Việc tạo tác hoàn tất vào giữa tháng 7.1938 và khóa Bạch Mã Thiếu 1 được khai mạc khoảng hạ tuần tháng đó.
Trại trường được thiết trí với nhiều cơ sở và trang bị cần thiết cho việc huấn luyện: Minh Nghĩa Đường (cũng là phòng họp Đoàn, thư viện và Trạm Y tế). Vòng học (tức là khu giảng huấn), Kỳ đài, hai nơi họp Tinh thần (Công giáo và Khổng lâm), Sân thể dục, Vòng lửa trại, Sân học dấu vết (trackodrome). Khu ẩm thực và tiếp tế gồm: phòng ăn, nhà bếp, nhà kho. Dĩ nhiên còn có các tiện nghi khác như nhà cầu, phòng tắm... được dựng lên tạm thời khi có khóa trại.
Biểu hiệu của trại là nguồn nước (verseau) thể hiện bởi 2 dòng suối chảy qua trại, ý nghĩa là trở về nguồn HĐ. Khăn quàng Bạch Mã màu xám ửng hồng giống như khăn BR nhưng thay vì miếng vải Tô Cách Lan hình chữ nhật thì thêu biểu hiệu Bạch Mã bằng màu lục.
Trại trường Bạch Mã hoạt động liên tục từ 1938 đến 1944, những năm đầu do vị sáng lập là Trưởng Schlemmer làm Trại Trưởng và từ 1942-1944 do DCC Tạ Quang Bửu thay thế.
Quản lý trại trường Bạch Mã là Trưởng Bạch Văn Quế, chẳng những lo đầy đủ trợ huấn cụ cho các khóa học, cung cấp thực phẩm dồi dào cho các trại sinh, ngoài ra còn là một Huấn luyện viên giỏi.
III. Trại Trường Hồi Nguyên: Sau 1954, HĐVN chỉ còn sinh hoạt từ Quảng Trị trở vào Miền Nam, Trại trường Bạch Mã không còn là trung tâm nên trở lại Cao nguyên Lâm Viên, khoảng thời gian 1955-1956, Trưởng Nguyễn Xuân Long làm việc tại Trường Cao Đẳng Nông-Lâm-Súc Bảo Lộc, lại có thêm Trưởng Ngô Đình Bảo - LĐT Liên đoàn Biệt Lập Hồi Nguyên... đã kiếm được khu đất gần Suối Tiên ở Madaguoi dưới đèo Bảo Lộc, xin chính quyền địa phương cho phép Hướng đạo được mở trại Huấn luyện Huynh Trưởng. Nhờ có Trưởng Mai Liệu từng tham dự các Trại Trường thành thử rành rẽ trong việc tạo tác. nên trước ngày trại, Trưởng Liệu đã thuê người đố'n cây, mở ra những khoảng đất trống để làm vòng hội họp, nơi cắm lều hay làm đường đi trong trại. do đó Trại trường Hồi Nguyên thành hình từ mùa hè năm 1956; đã mở được nhiều khóa Dự bị và Bạch Mã (vì lúc đó chưa có DCC nên không mở BR).
Vì vùng rừng này toàn cây lá rộng, lá vàng rụng xuống gặp mưa nhiều, ẩm mục nên vắt (một loại đỉa ở trên cạn) sinh sôi nảy nở nhiều; lại thêm thú rừng thường lai vãng. không tiện đóng trại dài ngày, do đó những khóa Huấn luyện sau đành trở lại Tùng Nguyên.
TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA: TÙNG NGUYÊN
Năm 1957, HĐVN được HĐ Thế giới công nhận là thành viên, hè năm đó một phái đoàn các Trưởng kỳ cựu gồm TUV Tôn Thất Dương Vân, Cung Giũ Nguyên, Mai Ngọc Liệu và Nguyễn Xuân Long sang GilweN dự lễ Kỷ niệm 50 năm Phong Trào HĐTG đồng thời tham dự một khóa HL tại Trại trường Quốc Tế này. Sau khóa học, TUV Dương Vân đề cử Trưởng Cung Giũ Nguyên làm Trại Trưởng QG của HĐVN để Trại Trưởng GilweN phong nhậm DCC.
Ngay sau khi về nước DCC Cung Giũ Nguyên lo chỉnh trang Trại trường Tùng Nguyên để đào tạo Huynh Trưởng cho HĐVN.
Trại trường Tùng Nguyên là một đồi thông rộng hơn 40 hecta, phía Đông có Hồ Than Thở đối diện với cổng Trại Trường, phía Tây có Hồ Mê Linh (nay đã cạn, thành khu canh tác rau, hoa), phía Bắc là Học Viện Lục Quân (Trường VBQG cũ), phía Nam cách Nhà Máy nước cũ bởi mấy vườn rau tươi tốt. Từ cổng trại trường đi lên theo hướng T-TB là Đại lộ BP lên đỉnh đồi thì đến Minh Nghĩa Đường, nhà gạch lợp fibro-ciment do Trưởng Huỳnh Văn Nhu vẽ kiểu. Sau lưng Minh Nghĩa Đường là nhà ăn của Toán HL, phòng Quản lý và kho chứa vật dụng. Khu vệ sinh nằm sau lưng cách nhà quản lý 40m. Khu phía Bắc của Minh Nghĩa Đường dành cho khóa Ấu; khu TN của MNĐ dành cho Khóa Tráng; Khu ĐN dành cho khóa Kha. Khu phía Nam nằm giữa khu khóa Kha và khóa Tráng là khu vực của khóa Thiếu. Bàn thờ Công Giáo nằm giữa khu vực Thiếu và Tráng. Phật Đài thì nằm giữa khu vực Thiếu và Kha. Sân chào cờ cũng là vòng Lửa trại nằm trong khu vực Trại Thiếu, cột cờ là cây thông cao nhất và thẳng vút lên không trung.
Năm 1958 mới mở lại khóa BR Tùng Nguyên I do DCC Cung Giũ Nguyên làm Trại Trưởng.
Trại Trường Tùng Nguyên tiếp tục đào tạo Huynh Trưởng cấp BR cho đến cuối thập niên 60 thì bắt đầu dời xuống Trại trường Tam Bình.
IV. Trại Trường Tam Bình: Đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, vì chiến sự leo thang, đường bộ không được an toàn nên HĐVN mượn rừng cao su của Dòng Đồng Công Thủ Đức để làm cơ sở HL Trưởng cao cấp. Nơi đây gần phi trường Biên Hòa nên các trại sinh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có thể đến Đà Nẵng để nhờ LT Nguyễn Tấn Định xin máy bay quân sự đi và đón về cho đỡ tốn kém. Các Trưởng từ Quy Nhơn đến Phan Thiết và Cao nguyên có thể về Nha Trang nhờ ALT Đỗ Phát Hai xin máy bay chuyên chở nếu cần.
Năm 1971 - mở khóa NTC 1 do Trưởng Néric của APR chủ trì, DCC Lê Mộng Ngọ làm Khóa trưởng.
Năm 1972 - mở khóa NTC2 do Trưởng Kader của APR chủ trì...
Các khóa Bằng Rừng tiếp tục mở tại Trại trường Tam Bình cho đến tháng 12 năm 1974.
Tuy Tam Bình cũng kể là một Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng của HĐVN nhưng cơ sở mượn tạm của Dòng Đồng Công Thủ Đức.
Dù là chủ quyền của HĐVN hoặc mượn tạm của Dòng Đồng Công, nhưng sau 1975, các Trại trường nói trên, HĐ không còn được sử dụng, kể cả Hội Quán ở 18 Bùi Chu, Saigon.
Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có một số đơn vị HĐ tái lập do "tự phát", để giúp các Trưởng có căn bản cầm đơn vị, Trưởng Nguyễn Xuân Long, Trưởng Lê Gia Mô và gia đình HĐ Xuân Hòa bắt đầu mở lại các Khóa Huấn Luyện nhưng vì không liên lạc được để ghi danh với khối HL của Quốc Tế nên dùng danh từ Hồi Nguyên để gọi cấp Dự Bị và danh xưng Tùng Nguyên cho cấp Bằng Rừng.
Tôi và Voi Hoạt Bát liên hệ được với Trưởng Lê Phục Hưng của Toán HL Canada nên vẫn mở Khóa Bằng Rừng theo số đăng ký của Canada và của Gilwell. Cũng gọi là khóa Tùng Nguyên như khóa Tùng Nguyên III được tổ chức tại Gilwell Park mà Trưởng Lê Phục Hưng và Trưởng Nguyễn Tấn Đệ đã tổ chức năm 1995... cũng phát khăn quàng Gilwell chứ không làm khăn quàng Xám thêu cây thông thay cho miếng vải ecosse đặc trưng của Mac Laren.
Sư tử Đảm đương Tôn Thất Sam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét