Một sáng kiến tài tình của Bi Pi.
"Hướng đạo chủ yếu là một phương pháp giáo dục trẻ nhỏ. Giáo dục không là nhồi nhét vào trí óc nhiều học thức và kích thích văn bằng, mà là đào tạo trẻ thành con người xứng đáng cho xã hội. Giáo dục thật sự tất phải toàn diện, gồm đồng thời 3 khâu có quan hệ với nhau một cách hữu cơ và mật thiết: là Đức, Trí và Thể dục.
Trong đó, Đức dục là khâu khó thực hiện cho cụ thể. Học đường, là cơ sở có trách nhiệm "giáo dục", bấy nay vẫn tảng lờ, thả nổi.
Nhưng Hướng đạo không chịu đầu hàng, thả nổi việc này, vì nhận thức rằng đức hạnh là nền tảng chính yếu trong phẩm chất của con người xứng đáng đang sống trong xã hội. Và Hướng đạo đã giải quyết bài toán khó khăn này một cách xuất sắc, nghĩa là có kết quả cụ thể, thiết thực, rõ rệt, có thể kiểm chứng được. Ấy là nhờ phương thức độc đáo, tài tình do cụ Bi Pi, sáng tạo ra: "Việc Thiện Hướng Đạo".
Việc Thiện Hướng Đạo không phải là thứ hành vi ồn ào có tánh cách "thiện" suông suông, như hăng hái đi cứu trợ, ủy lạo v.v.... hay là thứ hành động để tự quảng cáo, để thỏa mãn hậu ý ít hay nhiều ích kỷ. Cho nên các Trưởng Hướng Đạo rất lưu ý đến khía cạnh giáo dục của việc "cứu trợ" do đoàn, đội hay đơn vị Hướng Đạo thực hiện: cứu trợ của Hướng Đạo chính yếu là làm phát triển tinh thần vị tha của đoàn sinh và xem đó là phương tiện giáo dục hơn là cứu cánh của hành vi.
Cái gọi là "Việc Thiện HĐ" phải mang hai đặc tính: - một là phải được thực thi hằng ngày, liên tục 5 - 7 năm, trong suốt quá trình "chơi Hướng Đạo" của trẻ; và hai là phải có tính chất vui chơi, phải là một trò vui.
Thực chất việc giáo dục trẻ, là gây cho các em có được những thói quen tốt. Thói quen tìm tòi quan sát, thói quen suy nghĩ lý luận, là về tri thức. Thói quen làm lụng tay chân, các kỹ thuật HĐ, chủ đích để gây thói quen lao động khéo tay. Bi Pi đã sáng tạo một phương thức đơn giản và thiết thực để gây thói quen vị tha là khiến mọi đoàn sinh HĐ phải "mỗi ngày làm một việc thiện". Trẻ nhỏ từ lúc 7 - 8 tuổi (mới vào Bầy) đã bắt đầu làm việc thiện, làm miết hàng ngày trong 5 - 7 năm liền (hoặc lâu hơn) thì tự nhiên trẻ sẽ trở thành con người quen nghĩ đến tha nhân và lòng thương người tất nhiên phải được phát triển. Thế nên thường thấy các Trưởng HĐ luôn luôn nhắc nhở và kiểm tra ráo riết, thường xuyên (qua các đội trưởng) sự thực thi việc thiện của mọi đoàn sinh trong đơn vị mình. Càng suy nghĩ đến phương thức này, càng thấy cái thâm thúy của cụ Tổ BiPi.
Đặc tính thứ hai (cũng do BiPi đề ra), là "việc thiện Hướng Đạo" phải là một trò vui cho người làm: không vì ép buộc, cưỡng bức, mà do vì thấy vui mà làm. Trong tiếng Anh có từ ngữ "bad turn" để chỉ trò vui nhảm nhí thường có chút ác ý. BiPi đã biến trò nhảm nhí thành một "good turn" là một trò vui tốt, có ích. Từ ngữ này vốn dĩ không có chữ nào ngắn gọn có thể diễn đạt được ý nghĩa hóm hỉnh bao hàm trong từ "good turn" rất phù hợp với bản tính vui đùa của tuổi trẻ. Mặc dù có trường hợp Hướng đạo sinh nhỏ tuổi đã bỏ mình khi làm việc thiện*. Nhưng việc thiện HĐ, không nhất thiết phải là việc gì to tát, trịnh trọng. Hướng đạo sinh xem đó là một việc quen làm mỗi ngày, như cơm bữa hôm nào cũng phải có. BiPi có gợi ý cho các em những việc nhỏ nhặt, trong gia đình, đỡ đần cha mẹ, anh chị em, trong trường hợp giúp đỡ bạn bè, thầy cô giáo, giúp bà con lối xóm, khu phố... làm với nụ cười, tức là làm với lòng yêu quý người ta.
Cái tài tình của phương pháp HĐ này, chính là ở hai đặc tính của "việc thiện HĐ", vừa nói ở trên.
Lịch sử HĐ thế giới thường kể chuyện về phong trào HĐ. Phát triển lớn ở Hoa Kỳ (vì được coi là một quốc sách để đào tạo công dân cho đất nước) là do từ việc thiện nhỏ của một em HĐ. Sau khi đã dẫn đường cho một ông khách lạ bị lạc lối trong sương mù dày đặc của thủ đô Luân Đôn, em ấy đã từ chối không chịu nhận quà thưởng, nói rằng "vì em là một Hướng đạo sinh". Từ đó, ngay vài hôm sau, ông khách lạ, công dân Mỹ, bèn sốt sắng tìm hiểu cái "Hướng Đạo" ở Anh Quốc, lấy làm hột giống đem về gieo trồng trên đất Mỹ, cách đây đã gần trăm năm.
12-01-2007
Nguyễn Duy Thu Lương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét